Tuy tuổi đời còn trẻ nhưng chị Mai Linh đã sớm vấp vào tệ nạn xã hội, chịu nhiều thương tổn, bất hạnh mà kẻ gieo rắc nên tấn bi kịch ấy là “nàng tiên nâu”.
Tuổi thơ "nữ tướng" khét tiếng nơi phố cổ
Tôi gặp chị Mai Linh trong một lần ghé thăm Cơ sở cai nghiện số 2 (xã Yên Bài, huyện Ba Vì, TP. HN). Chị ấy nổi bật giữa đám đông bởi ngoài có dáng hình cao ráo khỏe khoắn, nước da rám nắng; chị còn sở hữu một khuôn mặt “đặc biệt”.
Đó là vẻ ngoài bất cần đời, nét mặt câng câng, cáu kỉnh, đôi mắt không nhìn thẳng bất kỳ ai, chất chứa bao nỗi niềm. Tiếp xúc nhiều, tôi mới hiểu, chị ấy không hề tỏ thái độ chống đối, thờ ơ mà vì mặc cảm về hoàn cảnh. Với những người lạ, chị luôn tránh né ánh mắt thăm hỏi, dò xét.
Chị Mai Linh (SN 1990), quận Hoàn Kiếm, TP. HN. Trước khi đến cơ sở, chị Linh làm nhiều nghề để kiếm sống như: Chạy bàn, cho vay nặng lãi, bán mỹ phẩm, nhân viên quán Karaoke... Làm đủ mọi công việc nhưng cuộc sống cũng không khấm khá, từng có thời gian, cùng quẫn quá, chị theo các tay anh chị máu mặt đi đòi nợ thuê. Chị Mai Linh từng một thời lẫy lừng, là "nữ tướng" khét tiếng tại phố cổ. Chị từng là nỗi khiếp đảm của nhiều người dân.
"Mai Linh" từng là cái tên khi nhắc tới khiến nhiều người dân sinh sống phố cổ khiếp vía. |
Chị Linh là học viên khiến các cán bộ cơ sở phải “vò đầu bứt tai”. Khi mới vào, chị gần như không nói chuyện, ai hỏi gì cũng không trả lời hoặc trả lời trống không, cộc cằn. Chị đi đâu cũng giữ thái độ lạnh tanh, sẵn sàng gây gổ với bất kỳ ai nếu cảm thấy “nhìn ngứa mắt”.
Chị Linh có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Cả gia đình đều dính vào tệ nạn xã hội. Mẹ và người anh cả đều nghiện ma túy, đã qua đời vì sốc thuốc. Ở nhà còn người cha già yếu, mắc bệnh lao xương, bại liệt không đi lại được. Hơn hai năm trở lại đây, ông chỉ nằm một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải cậy nhờ vào hàng xóm và người thân xung quanh. Ma túy đã đẩy gia đình chị Linh vào tấn bi kịch đau thương khi dương gian cách biệt. "Người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh" khiến cha đổ bệnh vì quá đau buồn. Khoản nợ chữa bệnh cho cha cứ tăng lên từng ngày mà không có khả năng chi trả.
Nói về người anh thứ hai, chị Linh nhìn xa xăm, thở dài: “Anh trai thứ cũng nghiện nặng, làm nghề cho vay nặng lãi. Nhưng anh ấy mới “vỡ” rồi, giờ trốn biệt tăm biệt tích. Đợt trước, khi tôi mới vào, anh có đến thăm hai lần nhưng giờ thì mất liên lạc. Từ lâu, tôi không còn nghe thấy giọng người thân. Tôi nhớ cha và anh trai vô cùng!”.
Ôm mặt khóc nức nở, chị ấy thổn thức: "Trong này, có nhiều thời gian suy ngẫm, tôi càng dày vò, trách móc bản thân mình nhiều hơn. Tôi là đứa con bất hiếu khi không ở bên chăm sóc cha những lúc đau yếu. Càng nghĩ càng tủi hờn, hổ thẹn và thấy mình thật kém cỏi. Nhiều lúc nhớ lại quãng thời gian gia đình hạnh phúc, sum vầy; tôi thèm khát được quay trở lại, được nằm trọn trong vòng tay ấm áp của mẹ cha".
Khao khát được làm lại cuộc đời
Mất thời gian dài, chị Mai Linh mới làm quen được với cuộc sống tại cơ sở. Chị dần dần yêu quý, gắn bó với nơi đây. Chị Linh không còn phẫn nộ, cáu kỉnh với các thầy cô và học viên khác. Sau giờ làm, chị tham gia tăng gia sản xuất như: Trồng rau, nuôi gà, nuôi dê, chăm sóc cây cối.
Trong quãng thời gian cải tạo, chị học cách sống chậm lại, chiêm nghiệm sâu sắc hơn về cuộc đời. Chợt nhận ra cuộc đời chỉ là cõi tạm, không ai biết trước điều gì sẽ đến vào ngày mai. Vì vậy, chị Mai Linh đã thay đổi thái độ sống, luôn luôn: Lạc quan, yêu đời, tự tin. Ngoài giờ học tập, lao động, chị Linh mở lòng, chia sẻ tâm tư nhiều hơn với mọi người, mong tìm sự đồng cảm, gắn kết.
Đặc biệt, chị Mai Linh chơi giỏi các môn thể thao như: Cầu lông, bóng chuyền, đá cầu. Với chiều cao vượt trội, sức khỏe bền bỉ và phản xạ tinh nhanh, chị chơi bóng chuyền rất tốt. Mọi người mến mộ đặt cho chị biệt danh: “Mai Linh bóng chuyền” bởi có những cú đập bóng chính xác, dứt khoát, những đường truyền bóng tuyệt đẹp.
Ngoài giờ làm may, Linh cùng mọi người tham gia tăng gia sản xuất: Trồng rau xanh, nuôi lợn gà. |
Khi được hỏi về dự định tương lai, sau khi rời khỏi cơ sở, có ý định lập gia đình riêng không, chị Mai Linh nở nụ cười rạng rỡ: “Thời gian qua, tôi đã suy nghĩ và có những định hướng cho bản thân. Tôi nghĩ rằng muốn hạnh phúc thì chúng ta cần phải tự tin nắm lấy, không để cơ hội vuột qua mất. Giờ thì tôi sẵn sàng làm lại từ đầu, sẵn sàng bước vào một mối quan hệ mới. Bởi đơn giản, tôi xứng đáng được đón nhận, được yêu thương, được hạnh phúc".
“Còn 3 tháng nữa là được ra ngoài, tôi muốn nhanh chóng kiếm một công việc để trang trải cuộc sống sinh hoạt cho hai cha con. Trước kia, cha đã quá khổ sở vì tôi và các anh. Giờ cha bại liệt nằm đó, cũng không ngừng lo lắng về cô con gái bất hảo! Lần này quyết định làm lại, tôi sẽ cố gắng nỗ lực, không đầu hàng trước số phận”, chị Mai Linh chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật.
Mỗi chúng ta đều có những sai lầm trong cuộc đời, đều có những tổn thương từng gánh chịu. Vì vậy, trước mỗi lỗi lầm của người khác, hãy học cách bao dung, vị tha. Đôi khi, đơn giản là một ánh nhìn thân thương, một cái siết tay ấm áp, một nụ cười rạng rỡ là có thể cứu vãn cuộc đời nhiều người. Giúp họ thêm tự tin, thêm mạnh mẽ để tiếp tục sống và làm lại từ đầu.
Ông Phạm Đình Giang, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 (xã Yên Bài, huyện Ba Vì, TP. HN) chia sẻ: “Mai Linh vào cơ sở được 20 tháng và đã có nhiều thay đổi tích cực. Từ một cô gái sống tách biệt, giờ đây, Linh hòa đồng, vui vẻ, nhiệt tình hơn. Mai Linh hiện đã cắt hoàn toàn cơn nghiện, đó là một thành công của các thầy cô cơ sở. Và đó là thành công vẻ vang nhất cuộc đời Linh bởi em đã kiên cường, bản lĩnh vượt qua được chính bản thân mình”. |
Ứng Hà Chi