Nếu như người nghiện các chất dạng thuốc phiện còn có Methadone điều trị, có cơ hội làm lại cuộc đời, thì người nghiện ma túy tổng hợp hiện vô phương cứu chữa, cuộc đời chỉ gắn với trại cai nghiện, gây gánh nặng cho gia đình và mất trật tự, an ninh xã hội.
Tại buổi họp báo thông tin về tình hình dịch HIV và Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS 2017 do Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế tổ chức ngày 9/11 tại Hà Nội, ông Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết: “Các đối tượng nghiện ma túy đang có xu hướng chuyển từ sử dụng cần sa, heroin sang ma túy tổng hợp. Với nhiều tên gọi khác nhau như ma túy đá, thuốc lắc, viên nữ hoàng, ngọc điên…, ma túy tổng hợp làm não bộ người sử dụng bị tổn thương nặng nề, gây loạn thần, hoang tưởng, mất kiểm soát về hành vi, có xu hướng phạm tội sau khi sử dụng".
“Nếu như người nghiện các chất dạng thuốc phiện còn có Methadone điều trị, có cơ hội làm lại cuộc đời, thì người nghiện ma túy tổng hợp hiện vô phương cứu chữa, cuộc đời chỉ gắn với trại cai nghiện, gây gánh nặng cho gia đình và mất trật tự, an ninh xã hội” - Ông Cảnh nói.
Theo ông Cảnh, hiện trên thế giới, số lượng ma túy tổng hợp có trên 600 loại. Với tốc độ sản xuất mới rất lớn, thủ đoạn tinh vi để tiếp cận với người nghiện, sẽ gây những hệ lụy khôn lường nếu các cơ quan quản lý không có biện pháp kiểm soát. Sở dĩ như vậy theo ông Cảnh, do các loại ma túy tổng hợp chưa có thuốc điều trị mà các cơ quan liên quan chỉ tiến hành tư vấn, tâm lý với người nghiện để họ cai thuốc nhưng với người nghiện việc này hầu như không có tác dụng do vậy không thể thực hiện được việc cai nghiện.
Mặc dù đã được cảnh báo rất nhiều về tác hại khôn lường từ việc sử dụng ma túy tổng hợp, nhưng tỷ lệ người sử dụng ma túy tổng hợp vẫn đang gia tăng và ngày càng phức tạp, khiến cho công tác điều trị cai nghiện gặp rất nhiều khó khăn.
Để giảm thiểu tỷ lệ người sử dụng ma túy tổng hợp cần tăng cường tuyên truyền về tác hại, hậu quả của ma túy tổng hợp đối với sức khỏe con người, và an ninh xã hội.
Da nhăn nheo, lở loét, chảy máu mũi... là các biểu hiện của người nghiện ma túy đá |
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS.DS. Nguyễn Hữu Đức (Khoa dược – ĐH Y dược TP.HCM) cho biết, ma túy đá (ma túy tổng hợp), thực chất là hóa chất tổng hợp từ thuốc kích thích amphetamine, có tên khoa học là methamphetamin (trước đây còn xuất hiện với tên dược phẩm là Methedrine nên còn được gọi tắt là Met). Ma túy đá được xếp vào loại ma túy gây kích thích hệ thần kinh trung ương.
Do tác động đến chức năng “sinh serotonin” của não mà ma túy gây nên hội chứng gọi là “hội chứng serotonin” (serotonin syndrome) gây thay đổi cách cư xử, thái độ, thuốc lắc còn gây tăng thân nhiệt (người nóng lên như bị sốt).
Quan trọng hơn hết là nó gây độc tính đối với não. Việc sử dụng ma túy đá lâu dài không đưa đến cái chết tức khắc hay từ từ cũng dẫn đến các bệnh tâm thần, từ lo sợ vô cớ, trầm cảm đến loạn thần kinh thật sự.
Dùng ma túy đá lâu ngày sẽ dần dần đi đến dùng ma túy mạnh hơn là heroin, dùng đường uống, hút rồi sẽ đi đến dùng đường tiêm chích để “phê” nhanh, mạnh hơn. Và khi dùng độc chất ma túy bằng con đường tiêm chích sẽ không chóng thì chầy đi vào cửa “tử” vì bị nhiễm HIV/AIDS. Nói cứ thoải mái sa vào “cắn” (dùng thuốc lắc) hay “ục” (dùng ma túy đá) đều đưa vào cửa tử là do vậy.
Hiện nay chưa có phác đồ cai nghiện ma túy đá, mà chỉ trị triệu chứng như người bệnh được cho dùng thuốc an thần khi bị kích động, dùng thuốc chống trầm cảm khi bị trầm cảm, dùng thuốc trị tâm thần phân liệt khi bị loạn thần… Người nhà nên đưa người bệnh đến Trung tâm Sức khỏe tâm thần hay các Trung tâm cai nghiện ma túy để chữa trị.
Mỹ An (T/h)