Thông tin của Báo Tiền Phong, ngày 8/4, thông tin từ Viện KSND TP.HCM cho biết, đơn vị này đã ban hành cáo trạng truy tố 2 nhân viên thu phí Bệnh viện TP.Thủ Đức.
Theo đó, bị can Nguyễn Thị Tuyết Nga bị truy tố về tội Tham ô tài sản, với khung hình phạt từ 20 năm tù đến tử hình và bị can Đỗ Thị Quý bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Hai bị can nhân viên bệnh viện Thủ Đức bị truy tố. Ảnh minh họa.
Theo cáo trạng, bị can Nga được giao nhiệm vụ thu tiền tạm ứng của các bệnh nhân, nhận tiền tạm ứng và bảng kê hóa đơn tạm ứng do các nhân viên thu phí khác bàn giao lại để thống kê, quản lý.
Tuy nhiên, bà Nga không nộp số tiền này về cho bệnh viện. Ngoài ra, bị can này còn sử dụng tài khoản thu phí trên phần mềm MQHIS của cá nhân và tài khoản của nhân viên thu phí khác để lập khống các biên lai thu tạm ứng (thực tế không có thu tiền). Sau đó, bà Nga thực hiện chi hoàn ứng và ghi vào sổ tổng hợp viện phí để bù vào số tiền đã lấy trước đó nhằm che giấu hành vi chiếm đoạt tiền của bệnh viện.
Tổng số tiền mà bà Nga đã chiếm đoạt của Bệnh viện TP.Thủ Đức là trên 8,2 tỷ đồng. Nữ bị can sử dụng số tiền này vào kinh doanh quần áo, chạy quảng cáo bán hàng trực tuyến và tiêu xài cá nhân và đến nay không còn khả năng hoàn trả tiền cho bệnh viện.
Về phía bị can Đỗ Thị Quý, với vai trò là nhân viên thu phí hành chính (tháng 7/2015 đến tháng 6/2021) có nhiệm vụ kiểm tra, đối chiếu giữa chứng từ thu, chi do nhân viên thu phí nộp về với sổ tổng hợp viện phí và số liệu thu tạm ứng trên hệ thống MQHIS để lập bảng tổng hợp nộp cho kế toán kiểm tra, theo dõi.
Quý kiểm tra số liệu thu trên phần mềm MQHIS, phát hiện tài khoản của Nga và các nhân viên khác (do Nga tự sử dụng) vào 13 ngày (từ 12/1/2021 đến 29/6/2021) có thu tạm ứng nhưng không ghi vào sổ tổng hợp viện phí. Quý không thể hiện số tiền thu tạm ứng vào các ngày này trong bảng tạm ứng chứng từ.
Theo đúng quy định thì Quý phải lập bảng tổng hợp chứng từ thể hiện số tiền thu tạm ứng theo số liệu trên phần mềm MQHIS dù số tiền này không được ghi vào sổ tổng hợp viện phí. Nếu Quý thực hiện đúng như quy định thì bảng tổng hợp chứng từ sẽ bị kế toán trả về do không khớp số liệu. Cụ thể là số liệu trên bảng tổng hợp chứng từ sẽ cao hơn (nhiều tiền hơn) so với tổng hợp viện phí và số tiền nộp cho thủ quỹ hằng ngày.
Việc làm của Quý đã tạo sơ hở trong công tác quản lý nguồn thu, không kịp thời phát hiện việc Nga chiếm đoạt tiền của bệnh viện. Đồng thời, khi xác định Nga giữ các bảng kê hóa đơn tạm ứng, Quý không báo cáo lãnh đạo bệnh viện mà cho Nga có thời gian khắc phục, dẫn đến Nga tiếp tục lấy tiền, không có khả năng hoàn trả dẫn đến thất thoát cho Bệnh viện Thủ Đức hơn 8,2 tỷ đồng, báo Pháp luật TP.HCM dẫn thông tin.
H.T (T/h)