Chồng mất, nghệ sĩ Bảy Nam đưa các con về nương tựa gia đình bà Năm Phỉ. Thời điểm này, bà kết hợp với chị gái mở đoàn hát Tam Phụng hoạt động rầm rộ ở Sài Gòn. Được một thời gian, gánh hát lại tan đàn xẻ nghé, bà bầu Bảy Nam đưa đoàn về Vũng Tàu, rồi quay về Sài Gòn, “lạc” vào Đại Thế Giới. Khoảng thời gian này, bà may mắn gặp vua Thành Thái và được ông trao cho bút tích hiếm có.
NSND Bảy Nam và 2 con Kim Cương, Ngọc Thố. |
Cuộc diện kiến bất ngờ với vua Thành Thái
Gánh hát Tam Phụng được thành lập nhanh chóng trong sự quyết đoán của 3 chị em Năm Phỉ, Bảy Nam, Mười Truyền. Đoàn hát có cô đào Năm Phỉ xuất chúng thêm Bảy Nam điềm đạm và Mười Truyền mới nổi biểu diễn tất nhiên thu hút được rất nhiều khán giả. Hoạt động sôi nổi được một thời gian, bà Năm Phỉ vốn tính ưa thích tiệc tùng vui chơi nên bỏ bê các vai diễn. Cộng thêm tật mê đánh bài tứ sắc, bà Năm Phỉ thức thâu thêm suốt sáng và tìm mọi cách thoái thác lên sân khấu. Bà Bảy Nam phải xoay xở đủ kiểu, tìm người thế vai.
Uy tín của đoàn Tam Phụng nhờ tên tuổi của nghệ sĩ Năm Phỉ mà đêm nào cũng không thấy bà xuất hiện nên khán giả thưa dần. Thấy tình thế nguy cấp, bà Bảy Nam liền đưa đoàn về Vũng Tàu “định cư” lâu dài. Do không còn Năm Phỉ nên đoàn đổi tên thành Song Phụng. Thế nhưng, thời gian sau, em gái bà đi lấy chồng, bỏ lại mình bà với gánh hát xác xơ. Lúc này, bà không có tiền đóng tiền học cho các con ở trường dòng nên rước mấy đứa về ở chung tại Vũng Tàu.
Gánh hát tạm trú ở đâu thì treo một cái trống ở đằng trước để chiều chiều đánh lên báo hiệu cho bà con đến xem. Trưa một ngày như mọi ngày, cả gánh hát đang ngủ trưa thì nghe tiếng trống đánh loạn xạ. Giật mình, bà Bảy kêu mấy đứa nhỏ chạy đi xem chuyện lạ. Bọn trẻ chạy về hốt hoảng la lên: “Trời ơi! Vua. Cô ơi, vua đánh trống”. Nghe qua chưa kịp hiểu, bà ù té chạy ra ngoài chỗ treo trống nhưng không thấy ai. Lúc này, bọn nhỏ mới thuật lại cặn kẽ, có một ông người ta nói là vua, ông thấy cái trống, liền lấy dùi đánh liên hồi, rồi bỏ đi.
Bà liền chạy ra ngả phố có nhà của ông bạn để hỏi thăm. Ông này khẳng định với bà đó là vua Thành Thái. Thấy bà còn hoang mang, ông bạn liền giải thích, vua Thành Thái bị bắt đi đày từ lâu. Nay thấy vua Thành Thái đã già yếu, Pháp ân xá cho ông về lại cố quốc. Trong lúc chờ đợi giấy tờ, vua được ông chủ rạp hát ở Vũng Tàu rước về chăm sóc. Nghe đến đây, bà chợt nhớ lại chuyện trước đây vua Thành Thái bị bắt vô Sài Gòn chờ đưa đi nơi khác. Lúc đó, bà nghe kể vua Thành Thái mê coi hát lắm. Má chồng bà là Lưu Thị Ngoạn có gánh hát Phước Xương, cũng thường rước ngài vào xem hát, đãi đằng món ngon vật lạ.
Biết rõ sự tình, chiều đó, bà Bảy Nam dẫn các con đến xin ra mắt vua Thành Thái. Bà thưa với ngài, con của bà là cháu nội của bà Lưu Thị Ngoạn, chỗ người quen trước đây ngài thường đến chơi. Ngài nghe qua, vui vẻ xoa đầu mấy đứa nhỏ và nói chuyện rất nhiều. Thế nhưng, vua Thành Thái nói giọng Huế nên bà Bảy Nam nghe tiếng được tiếng mất. Trong lúc trò chuyện bà nhiều lần lén đưa mắt quan sát vua Thành Thái, bà thấy vóc dáng của ông thật cao to, mặt dài, toát lên nét vương giả hiếm có.
Sau đó, bà được ông bạn trao một bức thư, có bút tích của vua Thành Thái. Bà lưu lại làm kỷ niệm. Dịp về Sài Gòn, bà đem thư này đến ông luật sư Vương Quang Nhường – con rể của vua Thành Thái xem qua. Ông Nhường mừng vui khôn xiết và ra chiều tiếc nuối khi vợ mình sớm qua đời, nếu không bà ấy sẽ rất mừng khi nhìn được bút tích của vua cha.
Hai năm yên ổn ở thiên đường Đại Thế Giới
Cơ duyên may mắn cho bà và các con có dịp diện kiến vua Thành Thái khiến bà hân hoan dù đang sống trong chuỗi ngày chạy cơm từng bữa. Gánh hát nghèo được bà con cũng thương, người cho gạo người cho cá tôm xứ biển ăn qua ngày. Đó là những ngày mưa bão dầm dề, gánh hát nổi trống mà chẳng ai màng đến xem hát. Còn những ngày nắng ráo, bà con đi biển bội thu, gánh hát của bà cũng có đồng ra đồng vô coi như yên lành.
Vậy mà một hôm tối trời, ngoài tiếng trống của gánh hát Song Phụng, bà nghe đoàn nào đánh trống liên hồi chuẩn bị cho đêm diễn. Tìm hiểu qua, bà biết đó là gánh hát Đào Viên của anh Hai Hỷ. Chỉ một đêm gánh hát mới hoạt động, rạp bên bà khán giả thưa thớt hẳn. Biết chẳng thể trụ lại ở Vũng Tàu, bà về Sài Gòn “dò đường” đưa đoàn Song Phụng đi nơi khác. Bà về ngay nhà chị Năm Phỉ thì gặp ngay lúc chị bà có khách. Vị khách đang trò chuyện với chị bà là ông Lâm Nhuận.
Chị Năm giới thiệu với bà, ông Lâm Nhuận vừa xin được giấy phép mở vườn chơi trong khu Đại Thế Giới Chợ Lớn. Ở khu vui chơi này có đủ thú vui, từ cho chơi cho trẻ con đến tài xỉu cho ai máu mê cờ bạc. Trong Đại Thế Giới có 2 rạp Đông Vũ Đài và Tây Vũ Đài, ông Lâm Nhuận muốn thiết kế 2 nơi này thật bắt mắt vừa để phục vụ chiếu bóng và hát cải lương. Thế nên, ông Lâm Nhuận đến thương thảo với bà Năm Phỉ để đưa đoàn hát của bà Bảy Nam vô Đại Thế Giới đóng thường trực. Mỗi tháng, phía họ chu cấp cho đoàn hát 15 ngàn đồng, gánh hát lại không cần đóng tiền rạp, bán vé được bao nhiêu gánh hát hưởng hết.
Nghe chị gái bàn với ông Lâm Nhuận, lòng bà Bảy Nam vui như mở hội. Bà nghĩ kể từ rày, anh chị em gánh hát của bà không phải vất vả bôn ba đây đó, lại có cơm ăn áo mặc, lương lậu đủ cả. Nhận của ông Lâm Nhuận 15 ngàn đồng liền tay, bà Bảy tức tốc ra Vũng Tàu đưa đoàn về Đại Thế Giới. Khoảng thời gian “lạc” vào Đại Thế Giới khiến tinh thần của bà bầu Bảy Nam yên ổn vô cùng. Lúc đó, bà chỉ tập tuồng, hát ca chứ không lo nghĩ chuyện lương thưởng cho đào kép nữa. Tiền bán vé đã đủ trả lương mà mỗi tháng lại nhận thêm 15 ngàn đồng của ông chủ Lâm Nhuận.
Thế nhưng, niềm vui chẳng tày gang, sau 2 năm yên ổn, Đại Thế Giới bước vào cuộc xâu xé của các ông trùm. Ông Lâm Nhuận nhanh chóng bị ông Triệu Tường hất cẳng ra khỏi Đại Thế Giới. Bà nghe nói, ông Triệu Tường chấp nhận đóng thuế cao hơn cho chính phủ. Ông này chấp nhận đóng thuế 500.000 đồng một ngày ở thời điểm 1 lít xăng chỉ có 6 đồng. Thế nhưng, miếng bánh béo bở như sòng bạc Đại Thế Giới thì chắc chắn xứng đáng với những gì ông Triệu Tường bỏ ra. Thời điểm đó, Đại Thế Giới tiếng tăm lẫy lừng, giới ăn chơi ở khắp Nam kỳ lục tỉnh đều hay biết.
Bà Bảy Nam tận mắt chứng kiến những ông chủ giàu có, điền sản bạt ngàn ở tỉnh tìm về Sài Gòn vui chơi đều thân sơ thất sở. Lúc họ đến, tiền bạc rủng rỉnh nhưng ra về lại túi rỗng mắt thâm quầng, có người chịu không nổi cảnh tán gia bại sản mà tìm đến cái chết. Không biết bao nhiêu mạng người thác vong oan uổng khi lỡ sa vào cờ bạc ở Đại Thế Giới thời điểm ông Triệu Tường quản lý. Thanh thế của nơi này đâu còn cần một gánh hát nhỏ của bà Bảy Nam. Thế nên, Triệu Tường tìm cách hất đoàn hát của bà đi.
Đầu tiên, ông ta cắt khoản tiền trợ cấp 15 ngàn đồng hàng tháng cho gánh hát, chỉ không thu tiền rạp. Tiếp theo, ông lại yêu cầu gánh hát trả tiền rạp, tiền điện hàng tháng. Cuối cùng, ông trở mặt mời hẳn đoàn hát đi nơi khác để Đại Thế Giới thuận tiện cho các đoàn khác ra vô hát. Không còn cách nào khác, bà và gánh hát phải dời đi nơi khác. Thế nhưng, khổ thay, đào kép của gánh lúc này đều máu me cờ bạc. Thấy gánh hát xuống cấp không có tiền dồi dào như trước, họ liền tìm đoàn khác náu thân, kiếm tiền vào Đại Thế Giới gỡ gạc. Trước tình thế đó, đoàn hát của bà Bảy Nam tạm dừng hoạt đồng, chờ cơ hội mới.