Không chỉ nuôi mộng làm đào hát, nghệ sĩ Bảy Nam còn thích được làm bầu của một gánh hát tên tuổi. Bà ao ước có một ngày gánh hát của mình được biểu diễn ở những rạp hát lớn với sự cổ động nhiệt tình từ khán giả. Dù chí lớn có thừa nhưng quá trình “xây mộng” lại quá gian nan.
Bà Bảy Nam và những người bạn diễn chung đoàn hát một thời. |
“Tầm sư học đạo”, chờ ngày... “cầm cờ”
Cuối năm 1931, sau thời gian tích góp kinh nghiệm đứng trên sân khấu cũng như chuẩn bị một số vốn kha khá, nghệ sĩ Bảy Nam khi ấy mới 19 tuổi, quyết chí lập gánh hát, làm bầu. Bà ra sức tập hợp một số nghệ sĩ hăng hái khác về dưới trướng, chờ ngày hội đủ các yếu tố thì lập gánh hát biểu diễn khắp nơi. Đầu tiên, bà bỏ tiền thuê một biệt thự thật to để anh em nghệ sĩ tập trung tập tuồng. Tuổi nhỏ thừa tâm huyết nhưng thiếu kinh nghiệm, bà không lường trước được những khó khăn đang chờ đợi. Thế nên, bà cứ vung tiền cho các nghệ sĩ mặc sức ăn uống, may mặc sang trọng.
Về phía mình, nghệ sĩ Bảy Nam biết bản thân có giọng hát khàn khàn, không thích hợp hát bộ (hát bội, hát tuồng) mà chỉ có thể hát Nam ai, Nam xuân. May mắn, bà được người quen giới thiệu 2 kịch sĩ Trần Phi Long và Luân Hữu Vi lừng danh thời bấy giờ. Ông Trần Phi Long không đóng kép mà chuyên đóng mấy vai đào, nổi tiếng nhất là vai Chung Vô Diệm. Bà Bảy Nam mê điệu múa của các ông nên tìm mọi cách để giao thiệp, xin các ông nhận làm đệ tử. Cứ đôi ba ngày, bà lại mở tiệc thiết đãi, lấy lòng 2 ông.
Trước tấm lòng của bà, 2 ông cho người dạy các nghệ sĩ trong nhóm cách múa gươm, giáo, roi ngựa... Ngoài ra, ông Trần Phi Long trực tiếp chỉ bảo bà một cách tận tình. Với sự đam mê và ham học hỏi, bà thấm nhuần các điệu bộ mà các thầy chỉ dạy. Một thời gian sau, kịch sĩ Trần Phi Long phải về Trung Quốc. Trước khi về, ông bán lại tất cả y trang của mình cho nghệ sĩ Bảy Nam. Tuy nói là bán nhưng ông Trần Phi Long vừa bán vừa cho bà để lưu lại chút tình thầy trò. Sở hữu số y phục Quảng Đông (Trung Quốc) chính hiệu, cùng việc lĩnh hội học thuật múa hát từ kịch sĩ nổi tiếng, nghệ sĩ Bảy Nam tự tin và háo hức chờ đợi ngày khai trương gánh hát.
Ngoài học hành bài bản, bà còn không tiếc tiền đầu tư đạo cụ trên sân khấu thật hào nhoáng, bàn ghế phải sơn son thiếp vàng như thật. Bà chỉ muốn gánh hát của mình phải hơn hết thảy các gánh khác. Thế nhưng, gánh hát lập ra mà không có quy củ, mạnh ai nấy làm theo cách của mình nên chẳng đâu vào đâu. Nghe
ai bày gì bà cũng làm theo, tập tuồng Tàu, tuồng Ấn Độ, La Mã có đủ nhưng chẳng có vở nào ra hồn để khai trương. Kể cả việc chọn tên gánh hát sao cho thật hay, bà cũng mất nhiều đêm suy nghĩ. Cuối cùng, bà chọn cái tên Nam Hưng mà khi nhớ lại bà bảo, tên ấy không khác gì tên một tiệm tạp hóa của người Hoa!
Dù vẫn còn lộn xộn nhưng gánh hát đã tới hồi khánh kiệt và bà hiểu nếu không hát thì có thể phải rã đám. Vì vậy, bà đành trả biệt thự, thuê ngôi nhà 3 gian để tập tuồng. Mượn thêm chút tiền, bà lo việc quảng cáo ngày khai trương gánh hát. Sau bao vất vả, gánh hát với điệu múa, y phục chính hiệu Quảng Đông cũng được khán giả đón nhận nồng hậu. Khi ấy bà chìm trong hào quang mà quên rằng nội bộ bắt đầu lủng củng. Chính bà cũng nghe lời đàm tiếu của những người hay tọc mạch mà đánh mất một người anh đồng cam cộng khổ, gắn bó từ thuở ban đầu.
Gánh hát thăng trầm, phiêu dạt
Giữa lúc gánh hát bất hòa, bà Bảy Nam quyết đưa gánh rời khỏi Sài Gòn để nhân cơ hội chấn chỉnh nội bộ. Chính quyết định này đã đưa bà và đoàn hát lưu lạc khắp nơi, nếm trải đủ mọi cay đắng của nghề. Trước những vất vả, khó khăn mà đoàn vấp phải, nhiều nghệ sĩ tên tuổi của gánh hát Nam Hưng rơi rụng, bỏ sang gánh khác. Họ bỏ lại bà Bảy Nam trơ trọi với mấy em nhỏ không chốn nương thân, chưa danh chưa phận. Số nghệ sĩ trẻ còn lại chưa phát huy tài năng nhưng xét về đạo đức, họ toàn tâm toàn ý đi theo bà Bảy Nam. Họ yêu thương nhau như người trong nhà, bảo bọc, dạy dỗ nhau lúc đoàn thất thế, chìm nổi giữa dòng đời.
Đương lúc rối ren, nữ nghệ sĩ nhớ đến mối giao hảo với người bạn học năm nào. Người này đang có chồng làm quan tri phủ. Bà nghĩ, cô bạn học có thể giúp bà hát ở Hà Tiên nên đánh liều sang đó. Nghe kể chuyện đoàn hát gặp nỗi cơ cực, vợ chồng quan tri phủ có vẻ thương xót nên đưa bà sang gặp quan chánh tỉnh. Theo đó, ông chánh tỉnh người Pháp cho gánh hát Nam Hưng đến hát ở Hà Tiên với điều kiện phải đóng thuế thân cho toàn ban ở đây. Bà mừng khôn xiết, vội đồng ý với đề nghị của quan chánh tỉnh.
Ở xứ Hà Tiên xa xôi, người dân nghe có gánh hát liền nô nức đến xem. Gánh hát Nam Hưng chẳng mấy chốc thanh toán được hết nợ nần, nghệ sĩ tươi tắn hơn hẳn. Có tiền, anh em nghệ sĩ chẳng tiếc rẻ, bỏ tiền sắm sửa đủ thứ, bù lại những ngày khốn khổ. Thế nhưng, vui sướng chưa tày gang, gánh hát lại gặp sự cạnh tranh từ gánh hát Bầu Bòn. Đại ban Bầu Bòn gióng trống khua chiêng, giăng bảng hiệu khắp nơi, hứa hẹn những vở tuồng mới lạ, thu hút người dân địa phương. Thế nên, tối đó, đoàn Nam Hưng chỉ có vài khán giả tìm tới rạp. Biết không thể trụ lâu trước sức ép của đại ban Bầu Bòn, bầu Bảy Nam rầu rĩ suy tính tìm cách kiếm tiền trả rạp, trả nợ.
Bà đang buồn thì quan tri phủ, chồng của cô bạn học đi ngang, ghé vào hỏi thăm sự tình. Nghe chuyện, ông hẹn bà tối mai sang nhà ăn cháo gà rồi tính tiếp. Thế nhưng, đúng hẹn, bà đến nơi thì nghe trong nhà xào xáo. Bà hỏi thăm sự tình, người làm của quan tri phủ cho biết, nghe ông mời nữ nghệ sĩ sang ăn cháo nên bà nhà nổi ghen. Nghe vậy, bà buồn bã quay gót ra về thật nhanh. Bà lại thấm thêm cảnh trớ trêu của nghề đào hát. Nhưng rồi, trong ngõ cụt chợt lóe lên tia sáng hy vọng. Bà nghĩ đến việc đưa đoàn sang Nam Vang (Campuchia) biểu diễn.
Nảy ra ý hay, bà liền sắp xếp việc ở đoàn, rồi bảo anh chị em ở lại chờ bà sang Nam Vang dò đường đi nước bước. Sang tới Nam Vang, bà lần tìm đến nhà người chị quen thân và nhờ giúp đỡ. Mọi thứ suôn sẻ, bà về Hà Tiên đưa đoàn sang nước bạn. Với số vốn ít ỏi vừa có được, bà lại đưa đoàn về Vĩnh Bình. Nơi đây, bà con nhiệt tình, mê hát nhưng cư dân lại quá ít nên hát mãi cũng chẳng tới đâu. Được chỉ dẫn, bà bầu liền mướn ghe chở nghệ sĩ sang Rạch Dơi.
Gánh hát sang tới nơi chưa sắp xếp đâu vào đâu thì mấy anh em nghệ sĩ lại gặp rắc rối. Đào kép của gánh Nam Hưng xô xát với mấy Hoa kiều. Sau cuộc hỗn chiến, phe nào cũng thương tích, quán xá của người ta bị đập bể nát. Bà Bảy Nam bị Mệ Sóc (xã trưởng kiêm hương quản) buộc phải bồi thường cho mấy Hoa kiều số tiền rất lớn và nếu không làm đúng, gánh hát sẽ bị trục xuất khỏi địa phương trong vòng 24 giờ.
Bế tắc, bà đánh liều đến gặp ông chủ Hoa kiều và bộc bạch chuyện bà vốn là học trò của kịch sĩ Trần Phi Long. Nghe đến đây, ông chủ liền động lòng, thương người nghệ sĩ tha hương cầu thực. Ông ta quyết định bỏ qua tất cả, còn giúp gánh hát bán vé để kiếm tiền dời đi nơi khác. Thế nhưng, sự đời khó mà lường trước, người ngoài giúp đỡ, người của đoàn lại mưu toan hại nhau. Bán được hết số vé đêm hát, bà vội giao tiền cho ông Tư Bố để ra sân khấu. Ai dè, ông này ôm trọn số tiền bỏ trốn khiến cả đoàn nháo nhác như chim vỡ tổ.
Trong nỗi khốn cùng, gánh Nam Hưng lại được người mộ điệu giúp đỡ, góp gạo mắm cho nghệ sĩ ăn dọc đường. Bà Bảy Nam đành đưa đoàn đến Tân Châu, nơi anh trai bà dạy học để mong được giúp đỡ. Giữa đường, bà lâm bệnh nặng, nằm mê man trong khoang ghe, không màng ăn uống. Ghe vừa cập bến Tân Châu, anh Hai của bà liền đến đưa em vào bệnh viện. Bà nằm một chỗ không ai quản lý gánh hát, mạnh ai nấy tìm đường sống. Bảng hiệu Nam Hưng đành bị khai tử khi vừa tròn một năm hoạt động.
Ngọc Lài
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật Tháng số 119