Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nỗi niềm ngày khai giảng của cô giáo “đổi tuổi xuân nuôi con chữ”

  • Khánh Ngân
(DS&PL) -

Khó khăn đeo bám nhưng tận sâu trong bản Huổi Lính, xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhún , tỉnh Lai Châu, con chữ vẫn được ươm mầm bởi có những giáo viên nặng lòng, tâm huyết với nghề.

Cô giáo cắm bản “cõng chữ lên non”

Nếu như Nậm Nhùn, địa danh khiến ta nhớ đến một trong những vùng khó khăn nhất của tỉnh Lai châu thì Nậm Chà lại gợi đến vùng khó khăn nhất của Nậm Nhùn. Để vào được một số bản của Nậm Chà không dễ. Ngày mưa, bánh xe dính đầy bùn đất không thể nhích. Ngày nắng cũng chẳng hơn khi những chiếc xe máy kêu kin kít vì đường đèo dốc, ngoằn ngoèo đến thót tim.

Công tác trong ngành giáo dục ở cái nơi thâm sơn cùng cốc đã rất khó khăn, nhưng có lẽ giáo viên mầm non cắm bản là những người gian nan nhất. Điểm trường bản Huổi Lính B nằm cheo leo trên đỉnh núi cao hàng ngàn mét, dựng đứng và cách xa trung tâm xã chừng 10 cây số. Để vào được điểm trường, cô giáo trẻ Tòng Thị Anh phải lầm lũi bám đá, vượt dốc cheo leo để vào với các em học sinh.

Điểm bản cô Tòng Anh dạy gồm 31 cháu, 100% là dân tộc Mông. Đó là lớp học mầm non ghép 3 độ tuổi (3 - 5 tuổi). “Điểm trường ở bản Huổi Lính B – nơi em dạy còn khó khăn, thiếu thốn lắm. Bản chưa có điện, sóng điện thoại kém, muốn liên lạc không phải dễ. Mùa đông giá lạnh, trời u tối, rét cắt da cắt thịt, còn ngày nắng thì nóng đổ lửa. Rồi ngày mưa để các em đi học được lại càng khó. Đường trơn, dốc trượt, đến nơi mặt mũi, chân tay, quần áo lấm đầy bùn đất…”, cô Anh tâm sự.

Điểm trưởng Huổi Lính B - nói cô Tòng Anh dạy học.

Không chỉ gian nan giữa bốn bề núi cao chất ngất, cô Anh và rất nhiều giáo viên khác phải kiên trì bám bản để mang cái chữ đến với con em dân tộc đầy gian khó. Muốn có học sinh, cô Anh phải vào từng nhà để vận động gia đình cho con em mình đi học. “Bà con thường lên nương làm nhiều ngày mới về, chúng em đến phải kiên trì ngồi đợi để giải thích thuyết phục cho họ hiểu sự quan trọng của cái chữ. Sáng thấy học sinh không đến lớp, em cùng chính quyền xã lại đến từng nhà đón các em đến trường. Những ngày mưa gió, sĩ số lớp học còn ít lắm…”, cô Anh chia sẻ.

Nỗi niềm người “gieo chữ” rẻo cao

Trò chuyện cùng cô Đinh Thị Kim Dung, Hiệu trưởng trường Mầm Non Nậm Chà, tôi được biết, tại những ngôi trường vùng cao, đa phần các giáo viên đều là nữ, ở dưới xuôi lên dạy học.  Và hầu hết các cô giáo lên đây “cắm bản” có tuổi đời còn rất trẻ, có người mới lập gia đình, hoàn cảnh khó khăn. Xa gia đình, xa người thân. Trách nhiệm làm mẹ, làm vợ, làm con… giờ đây các cô chưa thể vẹn toàn, bởi vẫn còn nhiều trẻ em người dân tộc ít người còn đang “khát chữ”.

Bởi thế, ngày tiếp ngày, đêm nối đêm, các cô vẫn thầm lặng vượt qua muôn vàn khó khăn, vất vả, chấp nhận hy sinh tuổi xuân của mình, thầm lặng cống hiến cho giáo dục vùng cao.

Nhiều lần cô Anh phải bám bản để động viên người dân cho con đi học.

“Nhà em cách điểm dạy học hơn 200km. Xa gia đình, nhớ con và người thân khiến nhiều đêm em nằm khóc. Nhưng trách nhiệm và niềm tự hào với công việc của mình khiến em lại có động lực vượt qua. Khai giảng hôm nay được tổ chức trường mầm non Nậm Chà nhưng do nhà cách xa trường quá, đường đi lại khó khăn, nguy hiểm mà các em ở bản Huổi Lính không đến được trường để dự. Có những em chưa 1 lần được biết không khí khai giảng là như thế nào? Điều đó, em càng hiểu mình cần cố gắng hơn để bù đắp những thiệt thòi cho các em”, cô Anh tâm sự.

“Để động viên các cô giáo cắm bản, Ban giám hiệu nhà trường luôn luôn quan tâm, chia sẻ cùng các cô vượt qua những khó khăn. Cuối tuần, mọi người giúp đỡ nhau, tạo điều kiện để các cô về thăm gia đình. Ở đâu có tình yêu thương thì nơi đó sẽ không còn vất vả. Chính tình yêu thương với học trò đã giúp các thầy cô vượt qua tất cả để quyết tâm bám trụ lại ở nơi đây”, cô Đinh Thị Kim Dung chia sẻ thêm.

Khánh Ngân

 

 

 

Tin nổi bật