Thời gian gần đây tại nhiều khu vực, rắn lục đuôi đỏ bất ngờ xuất hiện hàng loạt, khiến người dân hết sức lo lắng. Chỉ tính trong 9 tháng đầu năm, đã có rất nhiều trường hợp bị rắn lục tấn công gây nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí chúng còn bò vào tận nhà, chui vào giường ngủ rồi cắn luôn khổ chủ. Không riêng ở khu vực ĐBSCL, rắn lục đuôi đỏ cũng đã xuất hiện và trở thành nỗi khiếp sợ, bất an đối với người dân ở huyện Nam Đàn (Nghệ An).
Tại Cần Thơ, trước đó, đêm 6/9, bệnh nhi Tăng Hữu Hưng (11 tuổi), ở khu vực Bình Phó A, phường Long Tuyền, Bình Thủy (TP Cần Thơ), bị rắn lục đuôi đỏ tấn công khi đang ngủ. Hưng nhập Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ trong tình trạng sưng nề bàn tay, do rắn cắn ở mu bàn tay, sau đó lan khắp cánh tay do bị rối loạn đông máu nặng. Tiếp đến, vào ngày 27/9, Bệnh viện Quân y 121 nhận nhập viện 2 sinh viên trường Đại học Cần Thơ trong tình trạng bị rắn lục đuôi đỏ cắn ở bàn chân, mạch nhanh, đau nhức nhiều.
Số trường hợp bị rắn lục tấn công ngày càng tăng. |
Và mới đây nhất là trường hợp của bệnh nhân Hồ Văn Năm (SN 1951), trú tại xã Tân Lộc, huyện Thốt Nốt (Cần Thơ). Ông Năm nhập viện vào ngày 11/10 trong tình trạng còn tỉnh, đang tiếp xúc được, tay phải sưng phù, đau nhức. Qua thăm khám cho thấy, bệnh nhân tiểu cầu thấp, nhiễm trùng, rối loạn đông máu. Những trường hợp kể trên rất may mắn đã được điều trị kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng.
Theo thống kê của Bệnh viện Quân y 121 Cần Thơ, thời gian gần đây, trường hợp bị rắn cắn cấp cứu tại bệnh viện tăng rất cao, trong đó đa số “thủ phạm” là rắn lục đuôi đỏ. Năm 2013, bệnh viện tiếp nhận 135 ca rắn cắn, trong đó có 95 ca bị rắn lục cắn. Nhưng 9 tháng đầu năm 2014, có đến 354 ca, trong đó 345 ca rắn lục đuôi đỏ được bệnh viện tiếp nhận điều trị.
Không riêng ở Cần Thơ mà rắn lục đuôi đỏ cũng đang trở thành nỗi bất an đối với người dân tại Khánh Sơn, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Tại đây, theo người dân địa phương, thời gian gần đây rắn lục đuôi đỏ xuất hiện hàng loạt. Nhiều người dân đã bị rắn tấn công.
Cũng theo người dân địa phương, rắn lục xuất hiện liên tiếp, lúc ở bụi cỏ trong vườn, lúc trên bờ rào, thậm chí rắn bò vào cả trong nhà. Thậm chí gia đình anh Hà Văn Nhàn (SN 1972), xóm 1, xã Khánh Sơn có đến 6 người bị rắn cắn. Rất may các nạn nhân đều được chữa trị kịp thời nên giữ được tính mạng.
Rắn lục đuôi đỏ bò quanh nhà dân vào ban đêm. Ảnh: M.A |
Nhiều người dân tỏ ra rất hoang mang, lo lắng khi có nhiều trường hợp bị rắn cắn. Được biết, hiện tình trạng này vẫn đang diễn ra nhưng không có biện pháp nào để ngăn chặn. Theo ông Hà Văn Cường, Xóm trưởng xóm 1, rắn đã phát triển thành từng ổ với số lượng rất nhiều.
Được biết, các nạn nhân sau khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn thường rất đau đớn, vết cắn sưng nề, chảy máy không cầm, có tình trạng xuất huyết dưới da, xuất huyết tiêu hóa, có các triệu chứng nôn, đau bụng... Có thể bị hoại tử các chỗ bị rắn cắn, thậm chí là tử vong nếu không được cấp cứu điều trị kịp thời.
Vết cắn có thể bị nhiễm trùng và dẫn đến hoại tử nếu không được chữa trị kịp thời. Ảnh: P.T |
Rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều, có thể cắn bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào vì vậy các bác sĩ khuyến cáo, sau khi bị rắn cắn, cách tốt nhất là đến bệnh viện sớm để được điều trị kịp thời. Thời gian nhập viện và việc sơ cứu không đúng cách sẽ khiến cho triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng diễn biến nặng, thời gian điều trị lâu hơn.
Rắn lục đuôi đỏ (danh pháp hai phần: Trimeresurus albolabris) thuộc họ Rắn lục (Viperidae), bộ Có vảy (Squamata). Đây là loài cực độc trong số các loại rắn lục, mình xanh và đuôi có màu nâu đỏ, chiều dài tối đa khoảng 60cm với cân nặng khoảng 300gram. Tổng chiều dài con đực 600mm, con cái dài 810mm; chiều dài đuôi con đực 120mm, con cái 130mm. Theo một số chuyên gia, rắn lục đuôi đỏ là một trong các loài rắn có nọc độc chỉ đứng sau loài rắn hổ mang chúa. Phần lớn thời gian rắn lục sống trên cây, vì thế nên da có màu xanh để có thể dễ dàng ngụy trang. Thị lực của rắn lục rất tốt vào ban đêm nhưng ngược lại ban ngày thì rất yếu. Rắn lục đuôi đỏ thường sống ở vườn cây rậm rạp, là loài đẻ con chứ không ấp trứng. Thân rắn màu xanh, đuôi màu nâu đỏ, có nọc độc nhưng không gây chết người như rắn hổ mang. Tập tính của rắn lục là tránh người chứ không chủ động tấn công người. Nếu bị đạp lên mình, rắn lục đau mới cắn lại. Hiện, các chuyên gia nghiên cứu vẫn chưa thể lí giải vì sao loài rắn này gần đây xuất hiện và tấn công người dân nhiều hơn. |