Ngày 8/9, bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, cho biết đang điều trị cho em Tăng Hữu Hưng (11 tuổi, ở khu vực Bình Phó A, phường Long Tuyền, Bình Thủy, TP.Cần Thơ) bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào tối 6/9.
Theo bác sĩ Nghĩa, nạn nhân nhập viện vào khoảng 22h ngày 6/9, trong tình trạng bị rắn cắn ở mu bàn tay trái, sưng nề bàn tay, rối loạn đông máu nặng. Sau xét nghiệm, bệnh viện 2 lần truyền huyết thanh kháng nọc rắn thì sức khỏe bệnh nhi mới tạm ổn.
Theo gia đình, đêm xảy ra sự việc, Hưng vào mùng ngủ được hơn 30 phút thì bị rắn lục đuôi đỏ nằm bên gối cắn vào tay. Khi phát hiện sự việc, cha mẹ bé đưa ngay đến bệnh viện.
Sức khỏe em Hưng ổn định và đã chuyển sang khoa nội tổng hợp điều trị. |
Bác sĩ Nghĩa cho biết bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn nếu không đưa đến bệnh viện sớm sẽ bị rối loạn đông máu dẫn đến xuất huyết não, tử vong.
Thời gian gần đây, khi miền Tây vào mùa lũ, rắn lục đuôi đỏ xuất hiện cắn người xảy ra rất nhiều, gây hoang mang cho dân. Thông tin từ bệnh viện Quân y 121 cho biết, trung bình mỗi tuần khoa tiếp nhận 5 - 6 trường hợp bị rắn cắn, đa số là rắn lục đuôi đỏ.
Từ đầu năm đến nay, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc của bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cũng tiếp nhận hơn 50 trường hợp bị rắn độc cắn. Nhiều người nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì rối loạn đông máu, hạ tiểu cầu, xuất huyết, phù nề nhưng bệnh viện cấp cứu kịp thời, không ai tử vong.
Trong khi đó, theo thống kê của bệnh viện đa khoa tỉnh Hậu Giang, từ tháng 7 đến nay, bệnh nhân nhập viện vì rắn cắn tăng đột biến với 21 ca, "thủ phạm" chủ yếu là rắn lục.