Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm 2025, nợ xấu tăng thêm khoảng 34.000 tỷ đồng, trong khi tốc độ xử lý nợ xấu chỉ đạt khoảng 15.000 tỷ đồng, chủ yếu do các tổ chức tín dụng trích dự phòng rủi ro để xử lý.
Báo Đầu tư dẫn lời ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phân tích: “Như vậy, nguồn xử lý nợ xấu chủ yếu đến từ việc các tổ chức tín dụng trích từ dự phòng rủi ro. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh của các tổ chức tín dụng, cũng như giảm nguồn lực hỗ trợ ngược lại các doanh nghiệp, dòng tiền không luân chuyển được, ảnh hưởng đến thanh khoản, nếu không xử lý kịp thời”.
Nợ xấu ngân hàng đang có xu hướng gia tăng, trong khi xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Theo phản ánh của các ngân hàng thương mại, việc không luật hóa quyền thu giữ tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng (quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu) khiến nhiều khách hàng chây ỳ trả nợ. Theo quy định, các ngân hàng có thể khởi kiện đòi nợ, song hiệu quả thực tế rất hạn chế.
Thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho thấy, có nhiều bản án đã có hiệu lực thi hành, nhưng qua 27 - 28 lần thi hành án, đấu giá, phát mại tài sản, song vẫn không xử lý được vì vướng Luật Đất đai.
Trong số hơn 40.000 vụ việc có hiệu lực thi hành, chuyển sang thi hành án, năm 2024, chỉ giải quyết được 15% số vụ án với số tiền nhỏ so với bản án có hiệu lực.
Trong diễn biến liên quan, Chính phủ vừa có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng 2024.
Dự thảo Luật sẽ luật hóa một số quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14, bao gồm luật hóa quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm; luật hóa quy định về kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án; luật hóa quy định về hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự.
Tin tức trên báo Đại biểu Nhân dân, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, cần xác định phạm vi chính sách để xác định khoản nợ vay đúng quy định, tránh việc tổ chức tín dụng nới lỏng điều kiện cho vay; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải quản lý chặt chẽ nợ xấu.