Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nỗ lực giảm tình trạng lúc “nóng” lúc “lạnh” trong phát triển năng lượng tái tạo

(DS&PL) -

Năm 2020, sự tác động của đại dịch Covid-19 tạo ra một chuỗi những cuộc thử thách lớn chưa từng có với nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.

Năm 2020, sự tác động của đại dịch Covid-19 tạo ra một chuỗi những cuộc thử thách lớn chưa từng có với nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. PV tạp chí Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng bộ Công Thương Trần Tuấn Anh để cùng nhìn lại một năm và lắng nghe những trăn trở vì một năm mới tươi đẹp hơn.

Bộ trưởng bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

Trái ngọt sau một thập kỷ

PV: Thưa Bộ trưởng, năm 2020 đánh dấu một năm nỗ lực của ngành Công Thương. Những thành quả như việc chúng ta ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới sau nhiều năm đàm phán. Bộ trưởng có đánh giá như thế nào về hành trình để đạt được những hiệp định này, và tác động đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới sẽ ra sao?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Trong số các FTA mà Việt Nam tham gia và ký kết, có hai FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Có thể nói, việc kết thúc đàm phán và đưa vào thực thi hai FTA thế hệ mới này là kết quả của sự quyết tâm và nỗ lực rất lớn của Việt Nam. Với Hiệp định CPTPP, chúng ta đã trải qua 7 năm với hơn 40 vòng đàm phán để đi tới ký kết Hiệp định. Với Hiệp định EVFTA, tuy chỉ mất 3 năm đàm phán nhưng từ khi Chính phủ hai nước đồng ý khởi động đàm phán đến khi Hiệp định được chính thức đưa vào thực thi cũng mất tới 10 năm.

Có thể nói, con đường kết nối với thị trường thế giới đã rộng mở, tôi hy vọng chúng ta có thể vững vàng bước trên con đường này và tận dụng tối đa những lợi thế đã có. Điều này cần sự quyết tâm, đồng lòng của cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

PV: Năm 2020 cũng là năm đánh dấu cột mốc 25 năm Việt Nam bước vào mái nhà chung ASEAN. Với tư cách là Tư lệnh ngành, Bộ trưởng có cảm nhận như thế nào về bước ngoặt này?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Tôi cũng rất vui mừng khi Việt Nam đã thực hiện thành công nhiệm vụ to lớn của năm Chủ tịch ASEAN. Đây là một trong những thắng lợi của chúng ta và cũng thể hiện định hướng của Việt Nam trong việc tiếp tục coi hội nhập ASEAN là một trong những ưu tiên trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, khẳng định tinh thần chủ động, góp phần tăng cường sự gắn kết chặt chẽ, phát huy tố chất của một khu vực kinh tế ASEAN năng động, khẳng định vai trò trung tâm trong hợp tác kinh tế ở khu vực.

PV: Năm 2020, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế nước nhà. Tuy nhiên, dù tăng trưởng GDP năm 2020 không đạt như kế hoạch từ trước nhưng xét bối cảnh chung và so sánh với các nền kinh tế khác thì việc Việt Nam vẫn tăng trưởng dương. Bộ trưởng có chia sẻ gì về điều này?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, song nước ta đã cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát của năm 2020, trong đó đạt được 8/12 chỉ tiêu chủ yếu. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. GDP dù không đạt được như kế hoạch đề ra nhưng vẫn tăng trưởng là 2,91%, là một trong 4 nền kinh tế trên thế giới (Việt Nam, Đài Loan, Ai Cập và Trung Quốc) có được sự tăng trưởng về GDP bình quân đầu người.

Tất cả những thành quả này đều nhờ sự vào cuộc quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ và các cấp, các ngành. Ngay cả bạn bè quốc tế cũng đã ghi nhận điều này.

Giải quyết vấn đề năng lượng là một trong những điều được chú trọng của ngành công thương trong những năm tới.

Đấu thầu cạnh tranh năng lượng tái tạo

PV: Nói về ngành năng lượng, chúng ta nhìn thấy những khó khăn trong lĩnh vực thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam như: Trợ giá điện, cân đối giữa các nguồn điện (tái tạo và không tái tạo) cũng như cân đối giữa nguồn điện, lưới điện. Vậy Bộ trưởng có thể cho biết, những giải pháp để vượt qua những khó khăn này trong năm 2021 là gì?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Trong giai đoạn phát triển vừa qua, đã có những bất cập trong việc phát triển năng lượng tái tạo như giá bán điện cố định không kịp thời bám sát giá thiết bị chính trên thị trường dẫn đến việc phát triển lúc “nóng”, lúc thì “lạnh”.

Để khắc phục, trong năm 2021, bộ Công Thương sẽ tập trung vào các nội dung về chính sách, hạ tầng truyền tải phân phối và điều độ vận hành hệ thống điện. Đối với các dự án năng lượng tái tạo quy mô công suất lớn sẽ từng bước chuyển sang cơ chế đấu thầu cạnh tranh. Nhà đầu tư phát triển được lựa chọn sẽ là nhà đầu tư đưa ra giá bán điện từ dự án điện năng lượng tái tạo thấp nhất. Thực hiện cơ chế này tuy sẽ mất nhiều thời gian hơn nhưng sẽ công bằng, minh bạch hơn cho các nhà đầu tư, đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo và lưới truyền tải.

PV: Đặt mục tiêu trong năm 2021, bộ Công Thương sẽ chú trọng vào những điểm trọng tâm nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Năm 2021, ngành công thương phấn đấu đạt các mục tiêu tăng trưởng so với năm 2020 như chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng từ 8 - 9%; Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP năm 2021 đạt khoảng 25% GDP; Cán cân thương mại tiếp tục duy trì vị thế xuất siêu...

Tất nhiên, đó là những mục tiêu đề ra, để đạt được thì bộ Công Thương sẽ chú trọng vào những điểm trọng tâm chủ yếu. Xác định thể chế là khâu đột phá quan trọng nhất trong phát triển của ngành. Tiếp tục tập trung tái cơ cấu ngành Công Thương. Triển khai hiệu quả các FTA đã có hiệu lực, phát triển thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả khu vực thị trường gần 100 triệu dân với sự gia tăng cao của tầng lớp trung lưu. Đẩy mạnh hiện đại hóa hệ thống hạ tầng thương mại và phát triển thương mại điện tử để khai thác có hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế từ thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của Bộ trưởng!

Thu Huyền

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ Bảy (I)

Tin nổi bật