Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Những trinh sát đánh án ma túy tuyến biên giới Việt - Lào

(DS&PL) -

Ăn lương khô cầm hơi, nằm mật phục xuyên đêm trong rừng là chuyện quá đỗi quen thuộc với những trinh sát đánh án ma túy dọc tuyến biên giới Việt – Lào.

Ăn lương khô cầm hơi, nằm mật phục xuyên đêm trong rừng là chuyện quá đỗi quen thuộc với những trinh sát đánh án ma túy dọc tuyến biên giới Việt – Lào. Đối mặt với những tên tội phạm sừng sỏ trong đường dây buôn bán ma túy, luôn có vũ khí nóng là đứng giữa lằn ranh sinh - tử.

Điểm nóng ma túy

Là lãnh đạo mới chuyển công tác về Công an huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, trong câu chuyện với chúng tôi, Thượng tá Hà Hải Long, Trưởng Công an huyện này cho biết, thời điểm nhận nhiệm vụ anh đã xác định đây là địa bàn vô vàn khó khăn, nhất là trong công tác đấu tranh với các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy.

Với chiều dài hơn 600km đường biên giới giáp với các tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bôlykhămxay và Khăm Muộn của nước bạn Lào, Nghệ An, Hà Tĩnh luôn là "điểm nóng" về hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy của cả nước.

Riêng Hà Tĩnh, đặc biệt là huyện miền núi Hương Sơn, có cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo tiếp giáp với nước bạn Lào, tuyến biên giới rộng và đường Hồ Chí Minh nhiều đoạn giáp khu vực rừng núi, rất thuận lợi cho các đối tượng cắt rừng vận chuyển ma túy về Việt Nam. Hương Sơn được bộ Công an xác định địa bàn trọng điểm của tội phạm ma túy. Chính vì thế, trách nhiệm của những chiến sĩ công an sở tại luôn nặng nề, đầy khó khăn.

“Được bộ Công an, công an tỉnh, chính quyền địa phương rất quan tâm, lãnh đạo huyện xác định, tập trung đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, vận động quần chúng nhân dân cung cấp thông tin đấu tranh nên việc bắt giữ tội phạm đạt hiệu quả cao. Có những thời điểm đơn vị phối hợp hoặc chủ trì bắt giữ liên tục, thu giữ lượng lớn ma túy. Các tụ điểm mua bán trên địa bàn cũng bị triệt phá. Trong đó phải kể đến vai trò của công an chính quy xã, phối hợp rất nhanh, chuyên nghiệp”, Thượng tá Hà Hải Long, Trưởng Công an huyện Hương Sơn nói.

Là 1 trinh sát giỏi, công tác lâu năm tại Công an huyện Hương Sơn, Đại úy B.Đ.N., Đội trưởng đội Cảnh sát Kinh tế ma túy chia sẻ, năm 2012, anh về công tác tại Công an huyện Hương Sơn. Thời điểm đó, ma túy chủ yếu chỉ bán lẻ, mua về sử dụng hoặc bán lại cho các con nghiện khác với số lượng không nhiều.

Khoảng 3 năm trở lại nay, khi cơ quan chức năng các tỉnh Tây Bắc đánh mạnh, liên tiếp các đường dây ma túy bị triệt phá, các đối tượng buôn bán ma túy mới dịch chuyển hoạt động về miền Trung thì tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn mới nóng lên. Các đối tượng tội phạm trang bị súng K54, lựu đạn vũ khí nóng, sẵn sàng 1 mất 1 còn với lực lượng nên cuộc chiến với loại tội phạm này vô cùng cam go. Chỉ cần công tác trinh sát lơ là 1 phút cũng đã đủ để mất dấu đối tượng, đồng nghĩa với việc công sức của cả ban chuyên án hàng tháng trời "trôi xuống sông, xuống biển".

Đối với anh em chiến sĩ, chuyện ăn lương khô cầm hơi, nằm xuyên đêm giữa mưa rừng là quá đỗi bình thường. Chỉ cần nhận được lệnh là lên đường, chia ra các mũi mật phục các vị trí xung yếu trong rừng để bắt giữ thuận lợi, đảm bảo an toàn. Anh em chiến sĩ nằm giữa rừng bị vắt hay sên cắn cũng không được cử động. Bởi, chỉ cần 1 sơ suất nhỏ là cả chuyên án có thể bị phá hủy, thậm chí nguy hiểm tính mạng cho lực lượng đánh án. “Chúng tôi hay đùa nhau rằng, đã là 1 chiến sĩ trinh sát thì cứ phải đi nhẹ nói khẽ cười duyên", Đại úy N. cười tếu táo.

Lực lượng chức năng triển khai phương án chiến đấu trong vụ vây bắt Nguyễn Thành Trung.

Đối mặt sinh - tử

Trong tiềm thức của Đại úy N., anh nhớ nhất là vụ bắt Hà Văn Sính (SN 1994, trú tại huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) và Giàng Seo Chỉnh (SN 1994, trú tại huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) vận chuyển 30 bánh heroin, 6000 viên ma túy tổng hợp tại địa bàn xã Sơn Tây (huyện Hương Sơn), xảy ra vào ngày 24/10/2019.

Thời điểm đó, Công an huyện Hương Sơn phối hợp Công an Hà Tĩnh cùng nhiều lực lượng khác đánh án. Như kế hoạch đã vạch, khi xe của 2 đối tượng đã nằm giữa gọng kìm, phía trước là xe máy múc chắn đường, phía sau là xe đầu kéo và xe của lực lượng công an khóa đuôi. Những tưởng, các đối tượng chỉ có thể xuống xe đầu hàng. Nhưng bọn chúng vẫn liều lĩnh lùi xe, tông thẳng vào xe lực lượng để tìm đường tẩu thoát.

Khi bị bao vây tứ phía, các đối tượng vẫn cố thủ trong xe cùng súng, buộc ban chuyên án phải quyết định đập cửa kính. Quá trình này, lợi dụng đêm tối, trời mưa, trong tay sẵn vũ khí nóng, bọn chúng chia nhau đạp bung cửa xe hai bên hòng tẩu thoát. Truy bắt, đối mặt với đối tượng, Trung sĩ Trần Văn Vui, tiểu đoàn Cảnh sát cơ động Công an Hà Tĩnh đã bị thương.

Anh nói với tôi rằng, đã là người chiến sĩ cảnh sát cơ động là nhiệm vụ đặc thù, thực hiện chỉ thị mệnh lệnh của Đảng và Nhà nước thì không ngại khó khăn gian khổ, đi bất cứ đâu làm bất cứ gì. Trong 24 năm công tác tại phòng Cảnh sát cơ động, anh nhớ nhất là chuyên án bắt giữ Nguyễn Thành Trung cùng đồng bọn ôm súng và lựu đạn cố thủ trên xe chở 9kg ma túy đá và 2.000 viên ma túy tổng hợp xảy ra vào trung tuần tháng 2/2019.

Vào thời điểm vây ráp, Trung tá Diệp Anh Trường nhận được mệnh lệnh từ tổng chỉ huy, anh là người phải đối mặt với đối tượng Nguyễn Thành Trung. Trong trường hợp đối tượng không chịu đầu hàng, anh là người phải bắn phát súng đầu tiên tiêu diệt đối tượng.

“Đã là mệnh lệnh thì phải thực hiện, không nghĩ đến sống chết. Tôi đứng sau gàu xe máy xúc, tiếp cận sát nhất với vị trí đối tượng đang cố thủ, quan sát nhất cử nhất động của đối tượng. Giữa làn ranh sinh - tử mong manh, trong đầu tôi chỉ nghĩ làm sao để thuyết phục, khống chế đối tượng an toàn nhất, giữ được sinh mạng của đối tượng cũng như của toàn thể anh em đánh án”.

Trách nhiệm nặng nề nên Trung tá Diệp Anh Trường cũng như tất cả các anh em chiến sĩ thường xuyên phải vắng nhà. Thấu hiểu nỗi vất vả đó, sau lưng các anh luôn có “hậu phương” vững chắc, hy sinh thầm lặng cho các anh yên tâm công tác.

“Ban đầu vợ chưa hiểu, thông cảm nhưng sau này khi quen, thấu hiểu công việc của chồng đặc thù như thế thì vợ tôi rất thông cảm. Có những lần vợ đau ốm nhưng vì nhiệm vụ, tôi cũng không có mặt ở nhà. Vợ tôi hay đùa, đã trót lấy chồng là chiến sĩ công an rồi thì phải chịu. Lấy rồi giờ cũng không bỏ được thì phải chịu chứ răng (sao)”, Trung tá Diệp Anh Trường cười nói.

Trong mỗi chuyên án, vụ án ma túy được triệt phá thành công, không thể không kể đến sự góp sức đặc biệt của những chiến sĩ phòng Cảnh sát cơ động Công an Hà Tĩnh. 24 năm trong nghề, đi lên từ một chiến sĩ nghĩa vụ, Trung tá Diệp Anh Trường, Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Cảnh sát cơ động Công an Hà Tĩnh đã quen với việc xa nhà. Với anh đối mặt với khó khăn, cam go, thậm chí là đứng giữa tranh giới sinh tử cũng đã là điều quá quen thuộc.

Ngân Hà - Hồ Thắng

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 2 (135)

Tin nổi bật