Tách cà phê ấm áp giúp bạn tỉnh táo cho cả ngày làm việc hoặc thư giãn lúc vui vẻ trò chuyện cùng mọi người. Tuy nhiên, theo chuyên gia những người sau không nên uống cà phê.
Những người không nên uống cà phê
Người bị huyết áp cao
Nhà dinh dưỡng Sandy Younan Brikho cảnh báo những người bị huyết áp cao nên ngừng uống cà phê càng sớm càng tốt vì caffeine trong cà phê làm tăng huyết áp.
Một nghiên cứu đã chứng minh sự gia tăng huyết áp liên quan đến tuổi tác ở những người đàn ông uống nhiều cà phê. Trong khi đó, nghiên cứu khác cho thấy uống nhiều cà phê ở những người chuyển hóa cà phê chậm gây tăng huyết áp.
Người bị rối loạn giấc ngủ
Uống một tách cà phê (hoặc nhiều hơn) sau một đêm ngủ không ngon giấc giúp bạn tỉnh táo. Nhưng cần thận trọng thói quen uống cà phê có thể kéo dài chu kỳ khó ngủ và mệt mỏi. Nên tránh hấp thụ caffeine ít nhất 6 giờ trước khi đi ngủ. Đặc biệt với người bị rối loạn giấc ngủ cần chú ý giảm lượng cà phê tiêu thụ.
Người đang mang thai
Cuối cùng, những người đang mang thai hoặc cho con bú nên tránh uống cà phê. Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) khuyên nhóm phụ nữ trên cần tránh tất cả đồ uống có hàm lượng caffeine đáng kể như cà phê, nước tăng lực.
Nghiên cứu gần đây cho thấy, uống 3 tách cà phê mỗi ngày có thể làm giảm khả năng thụ thai của phụ nữ tới 27%. Dùng đồ uống có caffeine dễ dẫn tới nguy cơ sảy thai cao hơn.
Những người không nên uống cà phê kẻo "mang bệnh" vào người.
Người bị trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
Caffeine làm giãn cơ vòng thực quản dưới - van giữa thực quản và dạ dày, gây kích hoạt các triệu chứng trào ngược axit. Do đó, uống cà phê, trà và soda (tất cả đồ uống có chứa caffein) có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản.
Người bị rối loạn lo âu
Uống quá nhiều cà phê cũng dễ gây ra các triệu chứng lo lắng bao gồm tim đập nhanh, run rẩy, đau đầu và mất ngủ. Do đó, nếu bạn thường xuyên trải qua lo lắng hoặc hoảng sợ, bạn cần cân nhắc việc tránh hoặc giảm lượng cà phê có chứa caffein.
Người bị bệnh tim
Caffeine trong cà phê có thể gây tăng huyết áp và nhịp tim tạm thời. Người có bệnh tim phải tham khảo ý kiến bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng nên uống bao nhiêu cà phê là an toàn.
Người đang tăng cân
Chuyên gia Younan Brikho giải thích: "Uống cà phê gây ra cảm giác no, dễ khiến bạn bỏ bữa ăn chính hoặc bữa ăn nhẹ. Một khi cảm giác no này biến mất, dạ dày của bạn trống rỗng và đôi khi sẽ bị đói. Điều này khiến nhiều người có xu hướng ăn nhiều vào bữa ăn tiếp theo vì họ quá đói”.
Phụ nữ bị mất kinh
Một số người uống cà phê thay cho bữa ăn như một cách không lành mạnh để giảm cân và điều này có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.
Theo chuyên gia dinh dưỡng Abby Vichill, một dấu hiệu cho thấy bạn đang uống quá nhiều cà phê là kinh nguyệt không đều.
Người đang cho con bú
Caffein là một chất kích thích và lợi tiểu, nên bà mẹ đang cho con bú có thể có nguy cơ bị mất nước.
Hiệp hội Mang thai Mỹ khuyến nghị các mẹ nên tránh caffeine càng nhiều càng tốt trong thời kỳ mang thai và cho con bú.
Người bị tiêu chảy
Một số người lầm tưởng rằng uống một tách cà phê buổi sáng làm cho ruột hoạt động hiệu quả, nhưng tác dụng này sẽ không xảy ra nếu bạn đang bị bệnh tiêu chảy do caffein kích thích đi tiểu nhiều, gây mất nước.
Những người không nên uống cà phê kẻo "mang bệnh" vào người.
Trẻ em dưới 12 tuổi
Trẻ em uống quá nhiều cà phê có thể dẫn đến tăng nhịp tim, tăng cảm giác lo âu, khó tập trung và đau bụng. Ở trẻ mới biết đi, cà phê có thể che dấu cảm giác đói, vì vậy trẻ sẽ không nhận được dinh dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của chúng.
Ngoài ra, cà phê có tính axit khá cao, do đó có thể làm hỏng men răng và tăng nguy cơ sâu răng ở trẻ
Những lưu ý khi uống cà phê
Theo Express, chuyên gia dinh dưỡng người Ấn Độ Simrun Chopra đưa ra lời khuyên như sau:
- Uống tối đa một đến hai tách cà phê mỗi ngày (3-5mg mỗi kg trọng lượng cơ thể)
- Tránh đổ đầy sữa, kem hoặc đường, khi đó cà phê sẽ không mang lại lợi ích gì nữa.
- Nếu bạn là người chuyển hóa chậm, hãy giảm lượng tiêu thụ xuống còn một cốc mỗi ngày, tốt nhất uống vào buổi sáng.
- Hãy uống khi bạn thực sự cần.
- Tránh dùng đồ uống chứa caffeine cùng lúc với thức ăn vì có thể ức chế hấp thu một số vitamin và khoáng chất.
Nếu muốn uống cà phê trước khi tập luyện, hãy dùng trước đó 30 đến 60 phút. Nồng độ caffeine trong máu đạt mức cao nhất vào 1 tiếng sau khi uống nhưng tác dụng bắt đầu bộc lộ trong vòng 30 phút.
Như Quỳnh (T/h)