Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với người bị sỏi thận. Chế độ dinh dưỡng đúng cách có thể làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, nâng cao chất lượng bữa ăn để đảm bảo được sức khỏe chống lại bệnh. Khi mắc bệnh nhiều người thường mệt mỏi, chán ăn hay ăn uống không ngon miệng nên rất cần hiểu rõ về các thực phẩm để có thể bổ sung đúng cách, khoa học nhất.
Dưới đây là một số loại thực phẩm người bệnh sỏi thận nên bổ sung hoặc hạn chế trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày.
Thực phẩm nên chọn
Thực phẩm giàu vitamin A
Vitamin A đóng vai trò thiết yếu trong việc tăng cường chức năng miễn dịch, hỗ trợ điều hòa hệ thống bài tiết nước tiểu, bớt sự lắng đọng khoáng chất trong nước tiểu, hạn chế hình thành sỏi thận. Vitamin A có nhiều nhất trong cà rốt, bí đỏ, khoai lang, ớt chuông, cà chua, bông cải xanh.
Thực phẩm giàu vitamin D và canxi
Nhiều người cho rằng nên kiêng toàn bộ thực phẩm giàu canxi khi bị suy thận. Tuy nhiên, đây là quan điểm sai lầm. Nếu lượng canxi trong cơ thể thấp, nồng độ oxalat có thể tăng lên, làm tăng nguy cơ tạo sỏi. Do đó, thực đơn hàng ngày của người bệnh sỏi thận vẫn nên có các thực phẩm chứa canxi như phô mai, sữa chua, các loại hạt, rau có màu xanh đậm. Ngoài ra, để giúp cho việc hấp thụ và chuyển hóa canxi tốt hơn, người bệnh cũng nên bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin D như cá hồi, sữa, lòng đỏ trứng...
Thực phẩm chứa vitamin B6
Vitamin B6 tham gia vào nhiều chức năng hoạt động của cơ thể, trong đó, có làm giảm khả năng hình thành oxalat. Tuy nhiên, cơ thể không thể tự tổng hợp vitamin này. Do đó, người bệnh cần phải bổ sung thông qua đường ăn uống. Một số thực phẩm chứa nhiều vitamin B6 như ngũ cốc nguyên hạt, đậu đỏ, đậu phộng, đậu nành, bông cải, cà rốt, các loại cá...
Những người bị sỏi thận nên ăn gì, kiêng gì.
Trái cây và thực phẩm giàu chất xơ
Chất xơ hỗ trợ quá trình chuyển hóa thức ăn của hệ tiêu hóa và hệ bài tiết, hỗ trợ loại bỏ sỏi thận ra khỏi cơ thể. Một số thực phẩm giàu chất xơ người bệnh nên thêm vào thực đơn hàng ngày là cần tây, bắp cải, bông cải xanh...
Trái cây không chỉ chứa nhiều chất xơ mà còn giàu vitamin C, nhất là họ cam, quýt, chanh, bưởi... Chúng được chứng minh có thể làm giảm hình thành oxalat, giảm lượng cholesterol chuyển hóa thành axit trong dịch mật, từ đó, giảm nguy cơ hình thành sỏi thận.
Nước lọc
Đây là thức uống tốt nhất cho người bệnh sỏi thận. Cơ thể được cung cấp đủ nước sẽ làm loãng nước tiểu, giảm nguy cơ hình thành sỏi. Hơn nữa, uống nhiều nước còn có thể đẩy những viên sỏi có kích thước nhỏ ra khỏi cơ thể. Mỗi ngày, người bệnh nên uống từ 2-2,5 lít nước. Bên cạnh nước lọc tinh khiết, người bệnh cũng có thể uống thêm một số loại nước khác như: nước chanh, nước ép nho, nước ép cam, trà gừng...
Thực phẩm nên hạn chế
Người bị chẩn đoán sỏi canxi oxalat hãy hạn chế ăn các loại socola, đậu phộng, đậu bắp lúa mỳ... vì đây đều là nhóm đồ ăn có hàm lượng oxalat cao có thể làm tăng nguy cơ tái phát bệnh.
Bên cạnh đó, người bị sỏi thận cũng nên hạn chế ăn mặn. Nồng độ natri cao trong cơ thể có thể thúc đẩy sự tích tụ canxi trong nước tiểu. Nhóm thực phẩm có hàm lượng natri cao bao gồm thực phẩm chế biến, đóng gói sẵn, đồ ăn nhanh và một số protein động vật, bao gồm trứng, cá, thịt lợn, thịt bò...
Những người bị sỏi thận nên ăn gì, kiêng gì.
Trong nước ngọt cocacola chứa nhiều phốt phát, một chất hóa học khác có thể thúc đẩy sự hình thành sỏi thận, đây cũng là đồ uống mà người bị sỏi thận nên hạn chế.
Nghiên cứu cho thấy chế độ ăn kiêng DASH rất hữu ích cho người bệnh sỏi thận. Chế độ ăn này đã được chứng minh có khả năng giảm nguy cơ hình thành sỏi thận và cải thiện các tình trạng bệnh lý khác của cơ thể chẳng hạn như giảm huyết áp, nguy cơ bệnh tim, đột quỵ và ung thư.
Chế độ ăn kiêng DASH khuyến khích mọi người tiêu thụ rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, sữa ít chất béo và các sản phẩm có chứa nhiều fructose như ngô, mật ong, nước ép nho, táo, lựu,... Bên cạnh đó DASH cũng đề xuất hạn chế ăn nhiều muối, đường và thịt đỏ.
Khi sỏi thận ở mức độ nhẹ, tùy vào loại sỏi thận bạn mắc phải mà một số thay đổi trong chế độ ăn uống có thể giúp cơ thể tự đào thải sỏi ra ngoài. Trong các trường hợp sỏi nặng hơn cần có sự can thiệp của y khoa, bao gồm dùng thuốc để làm tan sỏi hoặc phẫu thuật lấy sỏi. Do đó, khi bị sỏi thận, hãy đi khám chuyên khoa để biết bạn đã mắc loại sỏi thận nào, từ đó các bác sĩ đưa ra những khuyến nghị về chế độ ăn uống để cải thiện bệnh hiệu quả.
Như Quỳnh (T/h)