Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, thạc sĩ bác sĩ Cao Vĩnh Duy, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết chị Q. có tiền sử sỏi thận cộng thêm các biểu hiện nhiễm khuẩn đường tiết niệu như đau vùng thắt lưng, sốt, khó thở, toàn thân rét run, mệt mỏi.
Sau khi truyền kháng sinh toàn thân nhằm điều trị nhiễm khuẩn niệu, bác sĩ Duy cho người bệnh chụp CT 768 lát cắt. Kết quả phát hiện một viên sỏi kích thước 10x16mm nằm trong niệu quản trái, bên trong bể thận trái chứa đầy mủ. “Đây là biến chứng sỏi tiết niệu nguy hiểm, nguy cơ nhiễm khuẩn huyết dẫn đến tử vong, phải phẫu thuật ngay”, bác sĩ Duy cho biết.
Mủ trắng giống sữa bò trào ra từ niệu quản người bệnh. Ảnh: BVCC
Bác sĩ Duy giải thích viên sỏi làm tắc nghẽn niệu quản khiến nước tiểu từ thận không xuống được bàng quang, gây ứ đọng nước tiểu trong thận, lâu ngày dẫn đến nhiễm trùng, sinh mủ.
Tại phòng phẫu thuật, bác sĩ Duy thực hiện phương pháp nội soi sau phúc mạc (lớp bao phủ các cơ quan nội tạng trong bụng) lấy sỏi, đặt dẫn lưu mủ ra khỏi cơ thể. Phương pháp này giúp giải quyết đồng thời sỏi niệu quản và nhiễm khuẩn trong bể thận.
Khi dao mổ nội soi rạch niệu quản trái của người bệnh, trên màn hình Karl Storz 4K/3D của Đức, bác sĩ Duy quan sát rõ dịch mủ màu trắng đục giống như sữa bò trào ra. Lượng dịch mủ ước khoảng 50ml. “Đây là nỗi ám ảnh của bác sĩ Niệu khoa”, bác sĩ Duy chia sẻ.
Bác sĩ Duy lấy mẫu dịch mủ mang đi cấy, kết quả âm tính, đồng nghĩa phác đồ kháng sinh trước đó đã tiêu diệt tác nhân gây nhiễm trùng.
Thạc sĩ bác sĩ Cao Vĩnh Duy, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, tái khám người bệnh. Ảnh: BVCC
1 ngày sau phẫu thuật, chị Q. hết sốt, hết rét run, thở dễ dàng, không đau. “Cảm giác giống như một con người khác, khỏe hơn hẳn”, chị chia sẻ. Trước đây, sức khỏe của chị không tốt, dễ mệt nhưng chỉ nghĩ do làm việc quá sức, ăn uống ít.
Chị Q. biết mình bị sỏi thận từ 8 năm trước. Do bận công việc, chăm sóc con nhỏ, chị chỉ uống thuốc và uống nhiều nước để đào thải sỏi ra ngoài.
Gần đây, chị đi siêu âm tại một bệnh viện ở TP.HCM. Bác sĩ cho biết sỏi còn nhỏ nên chưa cần phẫu thuật, chỉ cần tiếp tục uống thuốc. Chị không ngờ bệnh sỏi của mình diễn biến thành nhiễm trùng, suýt cướp đi sinh mạng của chị.
Bác sĩ Duy cho biết thận ứ mủ hay mủ thận là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của sỏi tắc nghẽn. Nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, tử vong. Nhiễm khuẩn có nhiều cơ hội phát triển ở người bệnh sỏi tắc nghẽn có bệnh nền tiểu đường, suy giảm miễn dịch.
Bác sĩ khuyên người bệnh sỏi tắc nghẽn nên được theo dõi sát và điều trị nội hoặc ngoại khoa kịp thời, tránh tình trạng dồn ứ nước tiểu trong thận, không chỉ tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng, mà còn có thể dẫn đến suy thận. Với người bệnh sỏi không tắc nghẽn nên định kỳ tầm soát sỏi để theo dõi kích thước, vị trí sỏi, tránh nguy cơ sỏi tăng kích thước làm tắc đường dẫn nước tiểu.
Để phòng ngừa sỏi, nên ăn uống lành mạnh, uống nhiều nước, hạn chế ăn mặn, nước ngọt có ga hay đồ uống dạng sủi bọt, thực phẩm chứa nhiều oxalat như rau có màu xanh đậm, các loại hạt, sản phẩm làm từ đậu nành… Ngoài ra, không nên nhịn tiểu và thường xuyên tập thể dục.
Nguyễn Linh (T/h)