(ĐSPL) – Năm 2014 ghi nhận nhiều trường hợp các “đại gia chân đất” phất lên từ nghèo khó nhờ những nghề có thể khiến nhiều người bất ngờ.
Theo tin tức trên báo Dân Việt, từ thân phận người đi bán sứa, đóng gói thuê, chị Nguyễn Thị Thiếc (thôn Xuân Lộc, xã Gio Việt, huyện Gio Linh, Quảng Trị) đã trở thành tỷ phú nhờ con sứa biển.
Chị Nguyễn Thị Thiếc giới thiệu mô hình nuôi sứa (Ảnh Dân Việt). |
Nhận thấy con sứa đã qua chế biến bán rất chạy, cuối năm 2012, chị Thiếc lặn lội ra Thái Bình học nghề chế biến, đóng gói sứa biển. Sau 3 tháng chăm chỉ học nghề, tháng 1/2013, chị Thiếc mang kiến thức học được trở về quê hương quyết chí mở cơ sở chế biến, kinh doanh sứa đóng gói,
Vay ngân hàng 300 triệu đồng, cộng thêm số tiền tích góp của gia đình nhưng ngay mẻ sứa đầu tiên thì bị hỏng. Không nản chí, chị tỉ mẩn ghi chép những lỗi kỹ thuật của mình, dần dần rút kinh nghiệm.
Chỉ chưa đầy 2 năm theo nghề, giờ đây cơ sở chuyên mua bán, chế biển hải sản “sứa Cửa Việt” của chị Thiếc đã trở nên thân quen ở nhiều tỉnh. Chị Thiếc cho hay, cơ sở của chị đóng gói trên 100 tấn sứa, doanh thu đạt 3,6 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lãi trên 1 tỷ đồng.
Video tham khảo:
Loài "rồng đất" giúp nông dân kiếm bạc triệu một đêm
Theo báo Nông nghiệp Việt Nam, anh Trần Xuân Phong ở thôn Phúc Lộc A, xã An Khang, TP. Tuyên Quang mỗi năm kiếm được 1,3 tỷ đồng nhờ 1.500 đàn ong với sản lượng mật lên tới hàng trăm tấn.
Năm 2002, anh được bố mẹ chuyển cho 150 đàn ong mật giống nội làm vốn. Thử sức với nghề nuôi ong, anh vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm. Năm đầu tiên, đàn ong của anh chỉ cho khoảng 60 lít/đàn/vụ (1 lít bằng 1,5 kg), chất lượng mật chưa thơm, chưa ngon nên chỉ bán với giá 20.000 - 25.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi gần 70 triệu đồng/năm.
Anh Phong chia sẻ kinh nghiệm nuôi ong (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam). |
Năm 2006 anh đã tìm ra cách lai tạo giữa giống ong vàng của miền Bắc với giống ong Italy của miền Nam, tạo thành giống ong lai, vừa cho lượng mật cao, vừa chống chọi được với cái lạnh miền Bắc. Đến nay, đàn ong của anh đều là giống ong lai siêu mật. Vừa lấy mật, vừa nhân đàn, mỗi năm thêm vài chục tổ, hiện tại anh đã có trong tay gần 1.500 đàn ong mật lai. Sản lượng mật mỗi năm hàng trăm tấn, thu về hơn 1,3 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, anh Phong lãi trên 500 triệu đồng.
Những dải đồi bạt ngàn cam ở các xã như Tây Phong, Dũng Phong, Tân Phong, Thu Phong, Bắc Phong… đã biến người dân nơi đây nhà nhà, người người thành tỷ phú.
“Ở đây cứ nhắc đến cam, thì có nghĩa là tiền tỷ. Gần như ông nào cũng có ô tô chạy hết, nào là Camry, nào là Fotuner, Lexus...”, bà chủ quán cà phê ở tiểu khu 3, thị trấn Cao Phong chia sẻ trên VTC News.
Nhờ giống cam Cao Phong, những người nông dân có thu nhập tới tiền tỷ mỗi vụ có thể thoải mái sắm ô tô để đi từ nhà ra vườn cam, mua iPhone 6. “Được mùa, được giá như vụ cam năm nay, nhiều hộ mua ô tô không khó, có hộ còn mua được mấy chiếc đấy chứ” – ông Đào – một “đại gia chân đất” phất lên từ cam cho hay.
Anh Bùi Văn Bách ở khu 3, thị trấn Cao Phong cũng sở hữu chiếc điện thoại Iphone 6 và xe Fotuner anh cho biết: Nhà mình năm nay mất mùa, nên dự kiến chỉ được chừng hơn 100 tấn cam, thu về khoảng... dăm tỷ.