(ĐSPL) – Chơi đồ cổ không chỉ còn là thú chơi riêng của những đại gia giàu có mà nó còn là nét văn hóa độc đáo. Những đại gia Việt dưới đây sở hữu kho đồ cổ giá hàng trăm tỷ đồng.
Kho cổ vật 100 tỷ của đại gia Huế
Theo tin tức mới nhất trên báo Người Lao Động, ông Đoàn Phước Thuận - Chủ nhiệm CLB UNESCO nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Phú Yên với kho đồ cổ lên đến hàng trăm tỷ đồng. Từ một võ sư Vovinam, có nhà hàng lớn ở TP Tuy Hòa, giờ đây, ông Thuận dành hết thời gian và tâm sức cho cổ vật. Căn nhà của ông như một bảo tàng mini trưng bày gần 1.000 hiện vật, trong đó nhiều nhất là đồ lam Huế.
Ông Thuận giới thiệu về chiếc tô long ẩn dùng trong cung đình. |
Ông không những sưu tầm đầy đủ theo chủ đề, ví như chủ đề trà phải có xuân, hạ, thu, đông, mà còn có những cổ vật thuộc hàng độc nhất vô nhị trong giới chơi cổ vật hiện nay. Đó là chiếc đĩa được thiết kế bởi người được xem là nhà cải cách Việt Nam giữa thế kỷ XIX Đặng Huy Trứ. Hay như chiếc đĩa trà mai hạc đề thơ Nôm được xếp vào hàng “độc” vì… viết sai và viết xấu.
Ông Thuận cho rằng hầu hết các món đồ cổ của ông đều được mua bằng vàng, có những món không dưới 10 lượng vàng. Hỏi về gia sản đồ cổ của mình, ông chỉ cười. Nhưng theo một số hội viên CLB UNESCO nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Phú Yên, kho tàng ấy giá trị không dưới 100 tỉ đồng.
Kho đồ cổ của ông Thuận chỉ được hé lộ khi ông tổ chức đám cưới cho con gái gần đây. Trong đám cưới, toàn bộ chén, tô, dĩa đựng thức ăn ông dọn ra bàn đều bằng đồ cổ. Hơn 500 khách đã phải run tay khi cầm đến những cái chén có giá không dưới 1 lượng vàng để dùng.
Kho đồ cổ độc nhất vô nhị của "đại gia" Hà thành
Ông Nguyễn Tường Long (Hà Nội) sở hữu cho riêng mình rất nhiều đồ cổ giá trị, trong đó có những món đồ được coi là độc nhất vô nhị.
Trong số những đồ cổ ông Long đang gìn giữ, có những món đồ thuộc dòng "gia bảo" do các cụ tiền nhân để lại. Và để phong phú thêm bộ sưu tập, ông Long cất công lặn lội khắp nơi tìm mua những món đồ quý hiếm. Tầng hai và tầng ba của ngôi nhà các món đồ bày nêm chặt nhưng cũng rất trật tự.
Gian để đồ thờ cũng là những bảo vật, chiếc tủ thờ thời nhà Nguyễn sau này ông Long mua được từ một nhà đại tư sản của Hà Nội cuốn thư dát vàng ròng và lộ bộ bát bửu (tám loại binh khí) là những vật gia truyền từ các cụ để lại mà ông Long đang gìn giữ có niên đại gần 200 năm.
Cuốn thư được bày trang trọng trên ban thờ, tiền nhân khắc lên đó những công trạng, sự học, gốc tích của gia tộc để nhắc nhớ con cháu về sau. Theo các nhà sử học, cuốn thư xuất hiện chủ yếu vào thời Nguyễn ở dạng bình phong và các bức hoành phi, trên trán nhà.
Ngoài những đồ gỗ cổ có giá trị, ông Long còn sở hữu những đồ gốm quý hiếm.
Đại gia chơi đồ cổ số 1 miền Tây
Nguyễn Quốc Trung sinh ra trong một gia đình khá giả ở đất Tây Đô. Nhà anh ở đường Nguyễn Trãi - con đường nổi tiếng của giới thượng lưu TP.Cần Thơ.
Từ lúc nhỏ, chiếc tủ sắt ở phòng khách của cha - ông Nguyễn Văn Khánh - luôn bí ẩn với cậu bé Trung. Khi cha mất cách đây hơn 15 năm, ông Trung tò mò mở tủ. Trước mặt ông hiện ra nhiều chiếc đĩa cổ xanh bóng màu men ngọc, những chiếc đồng hồ quả lắc xưa trong truyện cổ… Có một thứ ma lực đã cuốn ông Trung vào những món đồ cổ của cha để lại.Thực ra, dòng máu mê đồ cổ bắt đầu tuôn chảy trong huyết quản cậu bé Trung khi sống thời niên thiếu ở quê ngoại - xã Tân Lược, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.
Ông Trung với chiếc đĩa cổ thời Càn Long. |
Món đồ đầu tiên ông mua được là chiếc đồng hồ đeo tay hiệu Omega có tuổi đời hơn trăm năm. Tiếp đó là các đồng hồ quả lắc treo tường hiệu Vulcain, Tissot, Odo, Fr, Cadijon, Upli… lừng danh thời ấy giá từ 3 đến 30 triệu đồng/chiếc.
Trong căn nhà 3 lầu của ông Trung ở khu đô thị mới Cần Thơ treo đến … 70 chiếc đồng hồ quả lắc từ 200 đến 400 năm tuổi. Dân sành điệu thường gọi đây là loại đồng hồ ba-xê với 3 đặc tính: Chạy cơ; cũ và cổ; lên dây.
Ngôi nhà gắn 9.000 đồ cổ
Gắn đổ cổ lên ngôi nhà mình là cách ông Nguyễn Văn Trường (Vĩnh Phúc) lưu giữ đồ vật cổ. Để có được kiểu kiến trúc lạ đời cho ngôi nhà, gia chủ đã mất 16 năm vừa xây dựng vừa thiết kế, với hơn 9.000 tác phẩm gốm sứ từ các triều đại Hán, Đường, Tống, Lý, Trần...
Ông Khánh “đồ cổ”
Là biệt danh mà mọi người đặt cho ông Phạm Phú Khánh (SN 1959, ngụ quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng). Căn nhà rộng rãi, nằm sâu trong con hẻm trên đường Ông Ích Khiêm trưng bày cổ vật từ ngoài cổng vào nhà. Là người chuyên sưu tầm đồ sành sứ của thời nhà Nguyễn, hiện trong nhà ông có đến hàng ngàn cổ vật đủ các loại từ gốm sứ, chum chóe…
Để có được gia sản gồm hàng ngàn cổ vật quý như hiện nay, ông Khánh đã lặn lội, tìm kiếm khắp cả nước suốt 30 năm. Mỗi khi nghe ở đâu có món đồ quý, ông lại bỏ hết công việc, vội vã lên đường.
Thú chơi đồ cổ đã mang lại cho ông Khánh khối tài sản khá lớn qua những lần trao đổi các món đồ quý. Có những món đồ mua với giá 2 cây vàng nhưng bán lại lấy 15 cây vàng là chuyện thường. Tuy nhiên, cũng có nhiều món đồ dù được trả giá rất cao nhưng ông kiên quyết không bán.
Với ông Khánh, thú chơi đồ cổ đã ngấm vào máu, đến nỗi ông đi đâu, làm gì cũng muốn nhìn thấy cổ vật.