Để có được nhan sắc hoa nhường nguyệt thẹn theo tiêu chuẩn thời xưa, không ít phụ nữ đã tìm đến những cách làm đẹp có thể khiến họ nhanh chết.
Khung đầm phồng
Váy phồng là một loại váy có khung đỡ bên trong giúp váy xòe rộng. Phụ nữ ở thế kỷ 19 đặc biệt ưa thích loại váy này, họ thường đeo một bộ khung kềnh càng bên dưới chiếc váy. Váy phồng giúp vòng eo như nhỏ lại và vòng 3 như… to hơn.
Khung váy được kết bện bằng các loại sợi hoặc đơn giản là một lồng thép. |
Từ khoảng năm 1810 ở châu Âu, váy rộng bắt đầu trở thành “mốt” thời thượng. Các nhà thiết kế đương thời tìm mọi cách để tăng độ rộng của váy. Và khung đầm phồng ra đời.
Ban đầu nó được làm từ vải lanh dệt với lông đuôi hoặc bờm ngựa, tạo lớp váy lót cứng giúp váy phồng ra. Tới năm 1856, khung đầm phồng được làm từ các vòng khung thép như một chiếc lồng.
Váy phồng giúp vòng eo như nhỏ lại và vòng 3 như… to hơn. |
Váy phồng đã từng là chất liệu của những câu chuyện “kinh dị” một thời. Có những phụ nữ khi ra hải cảng, đứng trên đồi hoặc đứng ở lan can một tòa nhà cao tầng đã bất ngờ bị gió cuốn bởi với khung váy xòe như thế, họ chẳng khác nào một cánh diều.
Việc mang theo cả một chiếc “lồng” đồ sộ với đường kính lên tới 180cm như vậy khiến người mặc gặp rất nhiều khó khăn khi đi qua ô cửa hẹp, các toa xe hay việc ngồi xuống. Ví dụ như váy có thể bị kẹt vào nan xe, kích thước lớn khiến người đối diện phải đứng cách xa, hay người mặc có thể bị vấp ngã và bị té ngửa…
Mặc dù trở thành “mốt” nhưng khung đầm phồng cũng đem lại nhiều rắc rối và nguy hiểm cho phái nữ. |
Những cái chết do khung đầm phồng mang lại không hề hiếm trong thế kỷ XIX. Năm 1863 ở Santiago (Chile), hơn 2.000 người đã thiệt mạng trong một vụ cháy nhà thờ. Được biết, khi vụ hỏa hoạn bắt đầu, mọi người đều cố gắng chạy ra ngoài. Nhưng kích thước quá khổ của những chiếc váy đã khiến nhiều phụ nữ bị kẹt ở cửa. Mọi người bị “chất đống” ở lối ra và chìm trong ngọn lửa.
Áo Corse thắt đáy lưng ong
Áo corset là loại áo chẽn bó sát cơ thể, giúp định hình vóc dáng của phái đẹp. Do thiết kế đặc trưng, chiếc áo kỳ diệu này giúp phái đẹp nhấn mạnh những đường cong và siết chặt vòng eo, khoe vẻ tròn đầy của núi đôi.Vào thế kỷ XVI, phụ nữ được coi là quý phái khi có chiếc eo “thắt đáy lưng ong”, vóc dáng “đồng hồ cát”. Vì thế, áo corset trở thành nhu cầu lớn và được hầu hết phái yếu tin dùng. Thậm chí trong nhiều thế kỷ sau, áo corset vẫn được coi như “công cụ” và “bí quyết” làm đẹp của phái nữ.
Áo corset được coi như “công cụ” và “bí quyết” làm đẹp của phái nữ. |
Công dụng của chiếc áo nịt ngực là giúp phụ nữ có được một thân hình đồng hồ cát. Phụ nữ thường “cạnh tranh” nhau ở các số đo. Thời đó, người nào càng có eo nhỏ càng đáng ngưỡng mộ. Hoàng hậu Maud (1869-1938) của Nauy vốn nổi tiếng là người có vòng eo siêu nhỏ và cho tới nay nhiều bộ váy áo của bà vẫn được đem trưng bày để mọi người có thể chiêm ngưỡng.
Một chiếc áo nịt ngực sẽ không có gì là nguy hiểm nếu phụ nữ không quá lạm dụng nó. Khi thắt chặt vòng eo, đương nhiên họ sẽ không thể thở bình thường được.
Rất nhiều phụ nữ đã bị tử vong vì những chiếc áo này. |
Không chỉ vậy, nó còn gây tổn thương cho khung xương và buồng phổi, thậm chí gây xáo trộn sự sắp xếp tự nhiên của nội tạng. Và điều này có thể gây chảy máu bên trong. Năm 1903, một người phụ nữ đã chết đột ngột do miếng thép được chèn bên trong áo corset đâm xuyên vào tim.
Trang điểm bằng chì
Trước khi có những mỹ phẩm trang điểm tiện dụng như ngày nay, phụ nữ thường phải mày mò, tự chế đồ trang điểm. Đã có thời, phụ nữ bôi chất chì lên mặt để giúp phấn “ăn da”, bám thật lâu trên da, giúp họ có được làn da trắng xanh xao, yếu ớt – một vẻ đẹp được phụ nữ quý tộc rất ưa chuộng thời bấy giờ.
Chì giúp phấn ăn da và lâu phai hơn. |
Biện pháp làm đẹp này đã có từ thời Hy Lạp cổ đại và nó còn tồn tại cho tới tận thập niên 1920 với nhiều biển thể độc hại như phấn bột hay mỹ phẩm có chứa hàm lượng chì cao.
Phụ nữ thời đó đã không biết rằng nhiễm độc chì là một cái chết từ từ và sau nhiều năm mới bắt đầu phát tác. Các triệu chứng của nhiễm độc chì rất đa dạng, nó có thể hủy hoại thần kinh, gây ra chứng đau đầu kinh niên, chán ăn, mất ngủ, thiếu máu…
Trên thực tế, chì là kẻ giết người âm thầm và giấu mặt. |
Ngoài ra, chì còn làm hỏng da, càng dùng lâu, da dẻ phụ nữ càng “xuống cấp”, làm nổi mẩn và họ lại buộc phải dùng nhiều chì, nhiều mỹ phẩm hơn nữa để che đậy. Đó là một vòng tròn luẩn quẩn chết người.
Năm 1760, một phụ nữ quý tộc Anh có tên Marie Gunning, bà nổi tiếng vì sở hữu làn da “trắng như sứ” đã chết vì ngộ độc chì. Năm 1767, nữ diễn viên Kitty Fisher cũng trở thành nạn nhân tiếp theo của việc lạm dụng mỹ phẩm. Năm 1878, một phụ nữ có tên Rachel Russell làm nghề chăm sóc sắc đẹp, chuyên bán những sản phẩm có chứa hàm lượng chì cao cũng chết vì thường xuyên tiếp xúc với chì.
Kiểu tóc Fontage
Fontange là kiểu tóc dành riêng cho phụ nữ rất được ưa chuộng tại Pháp cuối thế kỷ XVII tới đầu thế kỷ XVIII. Nó là kiểu tóc búi cao và được trang trí thêm bằng ren hoặc dây ruy băng khá rườm rà. Theo kể lại, kiểu tóc này được Duchese de Fontanges, tình nhân của vua Pháp - Louis XIV (1638 - 1715) sáng tạo ra.
Kiểu tóc Fontange được chị em phụ nữ ưa chuộng cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII. |
Trong một cuộc đi săn với nhà vua, kiểu tóc của Fontanges bị hỏng, vì vậy cô đã lấy ruy băng buộc lại. Điều này khiến nhà vua rất thích thú. Sau đó những người phụ nữ khác bắt đầu sao chép phong cách này.
Lúc đầu, kiểu Fontange gồm ruy băng, ren, vòng trang sức và đôi khi có mũ nhỏ đan xen với tóc. Sau đó nó phát triển lớn hơn thành một “tháp” cao trên đầu và bao gồm cả tóc giả. Thậm chí, người ta còn gắn nguyên cả một “hệ sinh thái” trên đầu.
Nhiều người còn mang cả "hệ sinh thái" trên đầu. |
Trông có vẻ thời trang và khá thú vị, nhưng để giữ được cả một khối lượng lớn như vậy trên đầu thật không đơn giản chút nào. Kiểu tóc này mang lại khá nhiều rắc rối cho chủ nhân như va chạm vào các vật phía trên đầu, mất thăng bằng dẫn đến bị thương và thậm chí là tàn phế.
Đã có trường hợp phụ nữ bị thiêu sống vì nến bén vào những dải ruy băng trên đầu. |
Kiểu tóc này cũng có thể cướp đi tính mạng của chủ nhân nó, khi những đồ trang trí trên đầu họ như một loại... giẻ tẩm xăng, có thể dễ dàng bén lửa từ những chùm đèn nến trên trần nhà.
Bó chân
Tục bó chân để có được “gót sen ba thốn” là một truyền thống của phụ nữ Trung Quốc xưa kia. Tục lệ này bắt đầu tồn tại từ thế kỷ thứ 8 cho tới đầu thế kỷ 20. Người phụ nữ khi đã bó chân đi lại rất hạn chế, họ chỉ đi được những bước ngắn, không thể đi bộ đường xa và không làm được việc nặng.
Bàn chân bị biến dạng vì tục bó chân ở Trung Quốc. |
Bó chân bắt đầu từ khi bé gái được 2 - 5 tuổi, khi đó xương chân còn mềm và chưa phát triển hết. Đầu tiên, chân sẽ được ngâm trong nước lá dược thảo. Sau đó, từng bàn chân sẽ bị bẻ gẫy và cuốn gọn vào trong dải băng, nén thật chặt, kéo giật mạnh về phía gót chân. Đôi khi người ta còn tạo ra những vết cắt sâu ở lòng bàn chân để công việc được dễ dàng.
Bó chân cũng là một trong những cách khiến phụ nữ "nhanh chết" hơn. |
Trình tự này lặp đi lặp lại, mỗi lần bó mới, dải băng lại thắt chặt hơn nữa làm cho việc bó chân càng ngày càng đau đớn. Bệnh phổ biến nhất sau khi bó chân là nhiễm trùng. Móng chân sẽ mọc dài ra, đâm vào thịt làm rữa thịt, đôi khi làm rụng cả ngón chân, có thể dẫn đến tử vong.
Thời đó, những phụ nữ thượng lưu không bó chân bị coi là quê mùa, xấu xí và hầu như không được ai hỏi cưới bởi quan niệm chỉ có con nhà nông mới không bó chân vì họ phải lao động nặng nhọc.