Gần đây, việc hàng nghìn chủ xe ô tô bị cơ quan đăng kiểm từ chối kiểm định với lý do mắc lỗi "phạt nguội" vi phạm giao thông và chưa thực hiện nghĩa vụ nộp phạt, đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía dư luận.
Nhiều ý kiến bức xúc cho rằng, việc từ chối đăng kiểm từ "phạt nguội" là chưa chuẩn. Bởi việc xử phạt vi phạm giao thông là chức năng của cơ quan công an, còn các trung tâm đăng kiểm chỉ có chức năng kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật các loại phương tiện để quyết định cấp phép cho phương tiện được lưu hành.
"Chưa đúng luật"
Liên quan đến việc hàng ngàn ôtô chưa nộp phạt nguội bị dừng đăng kiểm, trao đổi trên báo Vietnamnet, Đại tá Trần Sơn, nguyên Phó cục trưởng Cục CSGT (C67- Bộ Công an) cho biết, như vậy là chưa đúng luật.
Theo Đại tá Trần Sơn, về nguyên tắc, phạt nguội và đăng kiểm là 2 vấn đề khác nhau. Hành vi vi phạm dẫn tới phạt nguội là ý thức chủ quan của tài xế, không phải là lỗi của phương tiện.
Hơn nữa, việc phạt lái xe vi phạm và chủ phương tiện là 2 vấn đề khác nhau.
Ông Sơn dẫn dụ, lái xe được chủ phương tiện thuê, khi lưu thông trên đường bị thiết bị camera ghi hình vi phạm chạy quá tốc độ quy định, sai làn đường, không chấp hành đèn tín hiệu giao thông… Lúc này CSGT trích xuất dữ liệu, gửi thông báo về địa chỉ chủ phương tiện đăng ký yêu cầu nộp phạt.
Tuy nhiên, có thể chủ phương tiện ở Hà Nội, nhưng hộ khẩu thường trú ở Thái Nguyên nên khi CSGT gửi thông tin vi phạm về qua đường bưu điện (hoặc công an xã, phường) không đến được người vi phạm trực tiếp.
Điều này trái với nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính khi phát hiện phải được xử lý kịp thời, phải lập biên bản và ra quyết định xử phạt với người vi phạm đó.
Trong trường hợp nếu chủ xe nhận được thông báo (hoặc không nhận được) đưa xe đi đăng kiểm thì cơ quan đăng kiểm cho biết xe có vi phạm đã nhiều tháng. Vậy câu hỏi đặt ra là CSGT lập biên bản ai vi phạm và ra quyết định xử phạt ai?
Nhiều chủ xe ô tô vi phạm giao thông "quên" nộp phạt nên bị từ chối đăng kiểm - Ảnh: Dân trí |
“Rõ ràng ở đây không phải lập biên bản xử phạt với người vi phạm. Lúc này sẽ xảy ra tình trạng chủ phương tiện dù không vi phạm nhưng do xe hết hạn đăng kiểm nên buộc phải nhận thay lái xe là người vi phạm và nộp phạt" - ông Sơn nói.
Ông Sơn phân tích thêm, ở trường hợp này nếu CSGT chấp nhận một người vi phạm có thể là lái xe, người ký biên bản nộp phạt là chủ xe (2 người khác nhau) là chưa chuẩn so với quy tắc chung của luật xử lý vi phạm hành chính: Ai vi phạm thì xử lý người đó.
“Ở trường hợp trên nếu đúng quy định thì cần phải có ràng buộc trong hợp đồng: Nếu người lái xe vi phạm bỏ việc hoặc vì lý do nào đó thì 2 bên thỏa thuận chủ xe phải nộp thay (ủy quyền) thì mới nộp phạt được. Nếu không có ủy quyền thì chủ xe chỉ có trách nhiệm hỗ trợ cơ quan chức năng truy tìm lái xe vi phạm chứ không thể nộp phạt thay được”, ông Sơn nói.
"Chủ xe dễ bị oan"
Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi trên báo Tuổi trẻ, luật sư Vũ Quang Đức - Đoàn luật sư TP HCM cho biết việc phạt nguội qua camera có ưu điểm nhưng cũng gặp không ít rắc rối như đã biết.
Theo luật sư Đức việc phạt nguội qua camera nhiều nước đã thực hiện và họ có đủ các phương tiện, kỹ thuật để thực hiện xử phạt kịp thời, đúng người, đúng hành vi vi phạm.
Chúng ta áp dụng việc phạt nguội đã một thời gian và chưa bảo đảm thực hiện việc xử phạt. Nguyên nhân một mặt là do luật xử lý vi phạm hành chính thiếu chế tài cưỡng chế để buộc người vi phạm thực hiện nghiêm việc xử phạt.
Mặt khác do người vi phạm cố tình né tránh việc xử phạt (chuyển chỗ ở, cho rằng không biết, không hề nhận được thông báo về việc xử phạt...).
Ngoài ra, việc phạt nguội hiện nay cũng có vướng mắc lớn khi việc phạt căn cứ vào phương tiện trong khi chủ phương tiện lại không phải là người sử dụng.
Nguyên tắc xử phạt hành chính là xử phạt hành vi của người vi phạm. Nếu không làm tốt khâu này thì không khéo chủ phương tiện bị phạt oan.
"Phạt nguội và đăng kiểm là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau"
Trao đổi trên báo Nhân Dân điện tử, Luật sư Nguyễn Văn Nghi, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, giữa Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Bộ Công an chưa có thông tư liên tịch phối hợp thực hiện việc xử lý phương tiện cố tình không nộp phạt nguội, vì thế việc dừng đăng kiểm cho các phương tiện chưa nộp tiền phạt nguội mà vẫn đủ điều kiện, chất lượng, an toàn là không khách quan và chưa đúng. Theo quy định tại Thông tư số 70/2015 của Bộ GTVT, quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, chỉ có hai trường hợp không được cấp giấy chứng nhận kiểm định, đó là trường hợp xe cơ giới bị “khiếm khuyết, hư hỏng quan trọng” và “khiếm khuyết, hư hỏng nguy hiểm”.
Đáng chú ý, không có quy định trường hợp nào không được cấp giấy chứng nhận kiểm định vì lý do chưa nộp phạt vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Ngoài ra, phạt nguội là hình thức xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, cho nên về nguyên tắc phạt nguội và đăng kiểm là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Hành vi vi phạm dẫn tới phạt nguội là ý thức chủ quan của lái xe, không phải là lỗi của phương tiện.
Tuy nhiên, trước quan điểm của phía luật sư cho rằng việc phạt lỗi giao thông và đăng kiểm là hai chủ thể tách biệt, nếu ràng buộc là trái luật, mới đây, đại diện Cục Cảnh sát giao thông khẳng định, trong Thông tư 70/2015 của Bộ GTVT có điều khoản cho phép “không được kiểm định khi đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc xe có vi phạm đã cảnh báo trên chương trình quản lý kiểm định”. Điều này đồng nghĩa với việc cơ quan đăng kiểm được phép tạm thời chưa đăng kiểm với các phương tiện nằm trong danh sách cảnh sát giao thông thông báo về vi phạm hành chính giao thông đường bộ.
Bộ Tư pháp nói về việc không đăng kiểm ô tô chưa nộp phạt nguội Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp chiều 19/10, trả lời báo chí về tính pháp lý xung quanh việc Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) từ chối đăng kiểm hàng nghìn ô tô chưa nộp phạt nguội theo danh sách của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) gửi sang, ông Đặng Thanh Sơn cho rằng, việc này liên quan đến quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, pháp luật liên quan đến quản lý phương tiện giao thông và sử dụng trang thiết bị nghiệp vụ phục vụ phát hiện vi phạm hành chính. “Qua rà soát chúng tôi thấy, trình tự và quy định cụ thể liên quan đến phạt nguội thông qua hệ thống giám sát chưa được ban hành. Điều đó dẫn đến việc thực hiện các thủ tục trong quá trình xử phạt gặp khó khăn, vướng mắc. Điển hình như việc thông báo để yêu cầu trực tiếp người vi phạm tới cơ quan có thẩm quyền lập biên bản, xử phạt, hay việc thông qua chứng cứ thu thập từ hệ thống giám sát đó xác định cụ thể đối tượng vi phạm đã đặt ra nhiều thách thức với cơ quan có thẩm quyền”- ông Sơn nói. Ông Sơn cho biết, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã áp dụng quy định tại Khoản 6 Điều 4 Thông tư số 70/2015 của Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Theo đó, không kiểm định đối với xe “đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền”. Chính vì thế, ông Sơn cho biết tới đây sẽ đề xuất với lãnh đạo Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an xây dựng ban hành thông tư quy định cụ thể về quy trình, trình tự xử phạt hành chính thông qua hệ thống giám sát về an toàn giao thông đường bộ. Đồng thời sửa đổi, bổ sung cơ sở pháp lý trong Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. Trong khi đó, ông Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật khẳng định đã tiến hành kiểm tra đối với Thông tư 70/2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. “Chúng tôi đã có văn bản báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Bước đầu xác định, riêng Khoản 6 Điều 4 Thông tư 70 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chưa được chặt chẽ, rõ ràng nếu đối chiếu với Luật Giao thông đường bộ, các quy định và thẩm quyền của Bộ trưởng Giao thông vận tải. Chúng tôi đã báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp để có trao đổi với Bộ Giao thông vận tải về việc này”- ông Ba cho hay. |
Cự Giải (T/h)