Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Những “kẻ phá hoại” giấu mặt tại trường đại học KD&CN Hà Nội

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (ĐH KD&CN HN) là một trong những trường kiểm tra sinh viên trước khi vào phòng thi kỹ lưỡng nhất, với công nghệ tiên tiến nhất.

(ĐSPL) - Trong số tất cả các trường chúng tôi đã từng vào vai để thi thuê nhằm nắm rõ đường đi nước bước của những hoạt động "phá hoại nền giáo dục" này, rất bất ngờ, trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (ĐH KD&CN HN) là một trong những trường kiểm tra sinh viên trước khi vào phòng thi kỹ lưỡng nhất, với công nghệ tiên tiến nhất. Thế nhưng, chẳng hiểu sao, chúng tôi lại dễ dàng vượt qua "hàng rào an ninh" một cách kỳ lạ.

PV báo Đời sống và Pháp luật theo chân một người thi thuê trong trường KD&CN Hà Nội.

Công nghệ lấy vân tay cũng bị "qua mặt"

Ban đầu bước vào phòng thi tại trường ĐH KD&CN HN tôi vẫn có cảm giác sờ sợ. Mặc dù trước đó, người "môi giới" dặn tôi rằng, đã "lo" giám thị hết rồi, cứ bình tĩnh mà bước vào phòng, thi thật tốt. Tại trường này, thí sinh vào phòng thi phải quét vân tay, hệ thống này sẽ nhận diện và sau đó giám thị sẽ chỉ định máy. Vân tay không được nhận diện, hệ thống sẽ đưa ra lời cảnh báo giả mạo và không được phân máy để làm bài thi. Đặc biệt, các phòng được trang bị camera ghi hình và chuyển trực tiếp hình ảnh đến phòng giám sát. Trong đó, các kỹ thuật viên quan sát phòng thi qua hình ảnh trực tuyến. Các hình thức gian lận như dùng tài liệu, hỏi bài, dùng điện thoại di động... không thể lọt lưới và sẽ bị xử lý ngay tại chỗ.

Nếu có vi phạm, thông báo xử lý sẽ hiển thị ngay trên màn hình máy tính của thí sinh đang thi. Có nhiều hình thức xử lý, từ nhắc nhở, trừ điểm cho đến mức phạt nặng nhất là đình chỉ thi và học lại môn đó. Chỉ cần từng đấy thiết bị và cách quản lý hiện đại, thì gian lận là điều chắc chắn không thể xảy ra. Đó là cách nghĩ thông thường. Song, thực tế diễn ra ở đây lại không như vậy.

Theo tiết lộ của một "dân thi thuê chuyên nghiệp" đã tham gia thi thuê hàng chục ca cho biết, các thiết bị dù có hiện đại đến mấy cũng chỉ là máy móc. Được vào phòng thi hay không, tất cả đều do con người điều khiển.

Đầu tháng 3/2014, có một số điện thoại đã liên hệ với tôi, muốn "mời" tôi đi thi môn Toeic hết kỳ vào ngày 22... tại trường ĐH KD&CN HN. Yêu cầu của "khách hàng" này, điểm thi đạt trên 700 và mức "thù lao" là 400 nghìn đồng. Tôi nhất quyết từ chối vì lo sợ "hàng rào kiểm tra an ninh" tại các phòng thi của trường này quá hiện đại. Nhưng, tôi được người thuê khẳng định: "Bọn tớ làm việc chuyên nghiệp, muốn tìm người thi chắc chắn như cậu chứ không thuê bừa bãi, lỡ không đạt điểm thì mất hết uy tín. Hôm đó, tớ sẽ thu xếp cho cậu thi 4 ca, mỗi ca 400 nghìn đồng. Bọn tớ lo liệu giám thị hết rồi, vân tay không phải lo, bạn đừng ngó ngoáy để camera nó quay là được. Yên tâm đi!"(?!).

Hôm đó trời mưa phùn, cái lạnh cắt da cắt thịt, bầu trời u ám, nhưng không xua đi được tâm trạng hồi hộp của tôi, sắp vượt qua cửa ải khó nhất trong vai diễn thi thuê để có đủ dữ liệu viết bài. Tôi đến trường từ rất sớm. Khi tôi còn đang ngơ ngác ở hành lang tầng 6, một bạn nam bước đến cạnh nói nhỏ (giọng nói tôi đã nghe trong điện thoại): "Cầm thẻ sinh viên ra quẹt ở máy tính, học thuộc thông tin nhanh vào. Rồi đến phòng D81..., khi giám thị gọi thì vào. Vân tay không nhận thì đọc mã sinh viên. Giám thị là người của mình rồi(?!). Làm xong nộp bài, chụp ảnh điểm lại. Ra khỏi phòng, gọi lại cho tớ". Giọng nói tuy nhỏ, nhanh, nhưng rất mạch lạc, nghiêm túc và chuyên nghiệp, khiến cho tôi chỉ có thể gật đầu.

Vừa nói, người này vừa kín đáo nhét một chiếc thẻ sinh viên vào tay tôi. Dứt lời, "nhân vật bí hiểm này" lập tức quay lưng bước đi. Tôi vẫn chưa hết ngỡ ngàng, nhìn xung quanh, mọi người không ai để ý. Có lẽ, trông chúng tôi như 2 đứa bạn cùng lớp vô tình gặp nhau, trao đổi vài câu vô thưởng vô phạt, rồi lại rảo bước đi với những việc riêng. Đúng thế, tôi cũng có một vai trò ở đây, tôi cũng phải hoàn thành "việc" của mình. Khi tôi đến trước cửa phòng D81..., mọi người đang xếp hàng để quẹt vân tay bằng cách đặt đầu ngón tay cái lên một thiết bị to bằng quả cóc, gắn trên bàn giám thị. Ngay sau khi đặt tay lên, thông tin của bạn đó được hiển thị trên máy tính của giám thị, có cả một cái ảnh to tướng.

Thấy người trước đặt tay lên nhưng không xác minh được vân tay, bị giám thị quát: "Cô đặt cái tay ngay ngắn vào xem nào, thế, thế,... Sao vẫn không được. Hồi trước lấy vân tay là tay trái hay tay phải?". Bạn gái run rẩy trả lời: "Thưa thầy, đúng là tay này mà, nhưng thầy xem, em vừa ốm dậy, da tay bong hết cả ra rồi đây này". Thầy giám thị lúc đó dịu giọng: "Đọc mã đi em". Và sau khi thầy nhập mã bằng bàn phím, thầy chỉ máy 12.

Đến lượt tôi đặt vân tay vào nhưng không thể xác nhận, thầy giám thị chỉ hỏi nhẹ: Mọi lần có lấy được vân tay không? Tôi trả lời có lần được, lần không. Thế là thầy yêu cầu đọc mã thẻ sinh viên. Tôi đọc mã: 87654xxx và cảm thấy run rẩy khi trên màn hình máy tính hiện lên khuôn mặt bạn gái tôi đang thi hộ, bạn ấy mặt gầy trơ xương. Thầy nhìn liếc qua và chỉ tôi vào máy 19.

Tôi vượt qua môn thi với 735 điểm hiển thị trên màn hình. Kín đáo lấy điện thoại lên chụp lại, rồi đứng dậy, bình thản ra khỏi phòng thi. Sau khi rời phòng, tôi được bạn sinh viên đứng ra thuê đưa xuống một căn phòng dưới tầng 6. Vừa bước vào, tôi sững người, có hơn 20 người trong căn phòng đó. Người lẩm nhẩm học thuộc thông tin thẻ sinh viên. Người vùi đầu vào cuốn sổ ghi ghi, chép chép. Người nói chuyện điện thoại bằng một giọng rất khẩn trương. Trước mặt vài người là thẻ sinh viên vương vãi. Những nhóm người chụm đầu lại bàn bạc. Một lúc sau, tôi mới biết, đó toàn là người được thuê đi thi thuê như tôi và dưới sự điều khiển của một "trùm cò mồi" tên L..

Kẻ "ăn chặn" và những sinh viên bỏ tiền mua "tri thức"

Từ hôm đó, tôi thâm nhập và là thành viên của nhóm thi thuê trong trường ĐH KD&CN HN do L. cầm đầu. "Khách hàng" kế tiếp của tôi là Mai Thị H. (SN 1995), mã số sinh viên: 13104xxx, lớp TA 18xx. Môn thi tôi được nhờ là thi cuối kỳ tiếng Anh 5. Tôi được L. liên hệ qua facebook, báo trước lịch thi vào 13h, ngày 14/10 tại phòng thi C4xxx, ĐH KD&CN HN. Giám thị hôm đó chỉ có một người tên M., làm ở phòng giáo vụ. Trước khi vào phòng thi, tôi được kiểm tra vân tay, nhưng thiết bị không xác nhận. Sau đó, giám thị M. yêu cầu tôi đọc mã sinh viên để nhập vào máy, thế là tôi lọt vào phòng nhờ cái gọi là người chỉ đạo máy. Sau khi thi xong, tôi được "trùm" L. trả 400 nghìn đồng, cùng một lời khen: "Bạn làm tốt lắm". Nhưng tôi biết, L. lấy của người thuê tôi đi thi gần 2 triệu đồng/môn.

"Siêu cò" đang trao đổi cùng người thi thuê tại căn tin của trường KD&CN.

18h ngày 17/10, tôi tiếp tục được L. liên hệ thi thuê điều kiện môn tiếng Anh 9 cho sinh viên Lê Thị XX mã sinh viên: 12300xxx, lớp LTxxx, ĐH KD&CN HN. Hôm thi đó có 2 đề: 2A và 2B. Ban đầu, L. thông tin là mai đi thi có giá 160 ngàn cho một người bạn, nếu làm 2 đề cho mọi người là 250.000 đồng. Khi tôi bước vào phòng, thầy giáo dạy môn đó thấy lạ và hỏi, nhưng cũng rất thủ tục và rồi cho qua. Chừng 15 phút, tôi đã hoàn thiện một đề thi, mọi người sau đó ào ào chụp ảnh qua điện thoại và phân tán cho nhau. Tiếp tục mất chừng 15 phút sau, tôi hoàn thiện đề thứ hai. Do cận giờ nộp bài, mọi người nháo nhào chuyển bài của tôi, họ giằng giật khiến phòng thi như một cái chợ vỡ. Hết giờ thi, tôi được Lê Thị XX trả 250.000 đồng.

Được "bồi dưỡng" vì làm bài hộ những người khác

18h ngày 18/10, tôi tiếp tục nhận một ca kiểm tra điều kiện môn tiếng Anh 8 tại phòng thi D111 cho Nguyễn Thị XX. Qua trao đổi, người này cho biết, chị là cán bộ lớp và trả tôi 100 nghìn đồng. Còn trong quá trình thi, người này yêu cầu tôi đến ngồi cạnh, nếu thầy có hỏi thì nói tên là Hường. Thầy giáo tên Nguyễn Hữu T.. Cũng theo người này thì, phòng thi có thiết bị quét vân tay, nhưng chẳng ai sờ đến bao giờ . Hôm đó, người này còn bồi dưỡng thêm cho tôi 50 nghìn đồng vì đã làm thêm cho vài bạn trong phòng. Chúng tôi cho rằng chính những kẻ giấu mặt tổ chức, điều hành hoạt động thi thuê là những "kẻ phá hoại". Họ đã "huỷ diệt" nền giáo dục ở một góc độ nào đó. Và thực tế, còn nhiều việc kinh hoàng hơn mà trong loạt bài này, chúng tôi sẽ dần vạch trần từng bước…

Tin nổi bật