Nhiệm kỳ khóa XIII (2019-2024) của Hội Luật gia Việt Nam diễn ra trong bối cảnh khó khăn do tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến rất phức tạp, trong đó dịch Covid-19 và các cuộc xung đột đã ảnh hưởng nhiều mặt đến nước ta.
Trong tình hình khó khăn chung đó, các cấp Hội Luật gia Việt Nam luôn chung sức, đồng lòng hoàn thành thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIII nhiệm kỳ 2019 – 2024 đã đề ra. Người Đưa Tin xin điểm lại những dấu ấn nổi bật trên một số mặt công tác của Hội Luật gia Việt Nam trong nhiệm kỳ qua.
1. Tổ chức thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 01/7/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới
Trong nhiệm kỳ qua, Đảng đoàn, Ban Thường vụ Trung ương Hội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Hội tăng cường nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Nghị quyết các kỳ Hội nghị của Ban chấp hành Trung ương Đảng, trong đó đặc biệt chú trọng tuyên truyền Nghị quyết Hội nghị lần thứ IV, V của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ngày 12/10/2022, tại Hà Nội, Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW của Bộ Chính trị.
Đồng thời, Trung ương Hội cũng chỉ đạo các cấp Hội tổ chức quán triệt, bám sát các quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ: Chỉ thị số 56-CT/TW ngày 18/8/2000 và Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 01/7/2022 của Bộ Chính trị; Kết luận số 19-KL/TW ngày 23/5/2012 và Thông báo Kết luận số 50-TB/TW ngày 17/7/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Quyết định số 118-QĐ/TW ngày 22/8/2023 của Ban Bí thư Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương;...
Đáng chú ý, để triển khai thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW, Đảng đoàn, Ban Thường vụ Trung ương Hội đã ban hành Kế hoạch số 145-KH/ĐĐ ngày 08/9/2022 và Chương trình hành động số 163/CTr-HLGVN ngày 30/5/2023; 60/63 tỉnh, thành ban hành văn bản triển khai, 56/63 UBND tỉnh, thành phố đã ban hành văn bản triển khai.
Hội cũng đã ban hành kế hoạch số 188-KH/ĐĐ, ngày 12/4/2023 phân công các đồng chí Ủy viên Đảng đoàn về làm việc với các địa phương và các Bộ, ngành Trung ương.
Thực hiện kế hoạch này, với chủ trương hướng về cơ sở, Đảng đoàn đã tổ chức thành công 14 đoàn công tác làm việc với thường trực tỉnh ủy, thành ủy và chính quyền các địa phương về triển khai thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW nói trên.
Kết quả làm việc cho thấy cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành đều nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện. Nhìn chung, các buổi làm việc đã đạt kết quả tốt, qua đó đã giúp cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành và các ban, ngành hiểu rõ hơn về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hội Luật gia Việt Nam và tính cần thiết tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Luật gia.
2. Công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật
Trong nhiệm kỳ, Hội Luật gia Việt Nam đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Hội Luật gia Việt Nam được giao chủ trì xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài thương mại. Hiện nay, hồ sơ đã hoàn thiện và đang xin ý kiến Chính phủ trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.
Tham gia tổng kết thi hành các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng trong lĩnh vực xây dựng pháp luật và cải cách tư pháp, trong đó có Nghị quyết số 48-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW; Tham gia khảo sát, tổng kết việc thi hành 11 văn bản pháp luật.
TS. Trần Công Phàn - Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam chủ trì hội thảo góp ý Luật đất đai sửa đổi.
Trong 5 năm vừa qua, Trung ương Hội đã tổ chức hàng trăm cuộc hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu góp ý vào các chương trình, dự án, dự thảo luật, pháp lệnh, nghị định quan trọng.
Đối với một số văn bản luật lớn, quan trọng như: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)..., Trung ương Hội đều tổ chức nghiên cứu sâu rộng để thu thập được nhiều ý kiến tham gia góp ý, phản biện.
Hội Luật gia các địa phương và các Chi hội trực thuộc Trung ương Hội đã góp ý hơn 16.600 lượt ý kiến bằng văn bản vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, gần 51.000 lượt ý kiến vào dự thảo văn bản của địa phương.
Các cấp Hội cũng đã tham gia kiểm tra, rà soát văn bản hơn 49.700 văn bản và đề nghị hủy bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung sau kiểm tra, rà soát gần 1.500 văn bản theo yêu cầu của Trung ương Hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND và các cơ quan hữu quan.
Tham gia tích cực vào các hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo Quyết định số 236/QĐ-TTg, ngày 12/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
3. Thực hiện Đề án "Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2017 - 2021" và Đề án "Phát huy vai trò của Hội Luật gia các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2024 - 2030"
Thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Chỉ thị 32-CT/TW của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư.
Hội đã tổ chức thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ của Đề án "Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2017 - 2021".
Ủy viên Đảng Đoàn, Bí thư Đảng Ủy, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Trần Đức Long kết hợp tác công tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và trao quà cho bà con tại xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.
Trên cơ sở đó, ngày 30/01/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 129/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Phát huy vai trò của Hội Luật gia các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2024 - 2030". Đề án hiện đang được các cơ quan có thẩm quyền, UBND các cấp và các cấp hội tích cực triển khai, đến nay đã có 38/63 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch thực hiện Đề án.
4. Tăng cường công tác tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển đảo
Kể từ năm 2020 đến 2024, Trung ương Hội đã tổ chức hoạt động trưng bày ảnh thường niên với chủ đề "Luật gia Việt Nam với biển đảo quê hương" tại TP.Hà Nội, TP.HCM, TP.Cần Thơ và tỉnh Khánh Hòa.
Đây là sự kiện trong chuỗi các sự kiện trưng bày ảnh thường niên do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức, nhằm khẳng định chủ quyền biển, đảo của đất nước, góp phần vào công cuộc đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Trong bài chia sẻ với Tạp chí ĐS&PL, Chủ tịch Hội Luật gia Nguyễn Văn Quyền khẳng định, sự kiện trưng bày ảnh "Luật gia Việt Nam với biển, đảo quê hương" được tổ chức đã để lại trong lòng người xem những ấn tượng khó quên. Khi công chúng đến với giới luật gia, đến với cán bộ nhân dân nơi địa phương tổ chức tuần lễ trưng bày ảnh, đặc biệt là giới trẻ đều rất hào hứng.
Tuần lễ trưng bày ảnh “Luật gia Việt Nam với biển đảo quê hương” thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, đặc biệt là giới trẻ.
Qua đó, người xem cũng hiểu thêm về biển đảo quê hương, về những hoạt động đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo trên mặt trận pháp lý, khơi dậy lòng yêu đất nước, trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc...
Mỗi tác phẩm là minh chứng lịch sử sinh động, khẳng định chủ quyền biển đảo của nước ta và cuộc sống đời thường cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các điểm đảo. Qua đó khơi gợi và giáo dục tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc với thế hệ trẻ.
Song song với công tác đối ngoại nhân dân và các tuyên bố kịp thời ở từng thời điểm về lập trường đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong vấn đề chủ quyền biển đảo, Hội Luật gia Việt Nam đã có những đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.
5. Đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân
Trong nhiệm kỳ, quán triệt quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân, Hội đã chủ động triển khai các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế đáp ứng với yêu cầu trong tình hình mới.
Hội đã phát huy mạnh mẽ vai trò là thành viên của Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL), Hiệp hội Luật châu Á - Thái Bình Dương (COLAP), Hiệp hội Luật các nước Đông Nam Á (ALA) để vận động giới luật gia quốc tế ủng hộ các vấn đề liên quan đến Việt Nam.
Đặc biệt, trong đó có vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo, đóng góp thiết thực cho việc bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc. Cụ thể, Hội đã phối hợp với IADL và Quỹ quốc tế Con đường hòa bình, Trung tâm Luật Hòa bình của Liên bang Nga tổ chức 3 hội thảo quốc tế về vấn đề Biển Đông với chủ đề: "Tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề Biển Đông" tại Liên bang Nga trong năm 2019, 2022, 2023.
TS. Nguyễn Văn Quyền – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam và ông Stepashin Sergey Vadimovic - Chủ tịch Hội Luật gia Liên bang Nga, nguyên Thủ tướng Nga trong cuộc họp triển khai hợp tác song phương.
Phối hợp với Học viện Ngoại giao và Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông tổ chức Hội thảo quốc tế về Biển Đông thường niên lần thứ 11 tại Việt Nam; tham dự và trình bày tham luận tại nhiều hội thảo trong nước và quốc tế về vấn đề Biển Đông, qua đó góp phần thông tin đến giới luật gia quốc tế về chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Hội Luật gia Việt Nam đã luôn đồng hành cùng các nạn nhân chất độc da cam thông qua việc vận động và phối hợp chặt chẽ với Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL) để đưa vụ kiện các công ty sản xuất hóa chất độc hại (trong đó có chất độc da cam/dioxin) ra Tòa án Hoa Kỳ, đòi bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam.
Mặc dù vụ kiện không thành, nhưng đã gây tiếng vang lớn, tạo sức ép để Chính phủ Mỹ phối hợp với Chính phủ Việt Nam thực hiện tẩy độc dioxin tại một số điểm nóng ở Đà Nẵng, Biên Hòa và thực hiện các chương trình hỗ trợ cải tạo nhà ở, dịch vụ y tế cho những người khuyết tật ở các tỉnh bị phun rải chất độc da cam.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, Hội Luật gia Việt Nam đã thiết lập quan hệ và ký kết Thỏa thuận hợp tác song phương với Ủy ban Đối ngoại của TP.Saint Petersburg (Liên bang Nga) và ký lại Thỏa thuận với Hội Luật gia bang California (Hoa Kỳ).
Như vậy, tính đến nay, Hội đã thiết lập và duy trì các quan hệ hợp tác song phương với 11 tổ chức luật gia của các nước trong khu vực và trên thế giới. Qua các hoạt động trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm với các hiệp hội nghề luật này, đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Hội.
Từ đó, tạo cơ hội để các hội viên của Hội thiết lập mối quan hệ nghề nghiệp với bạn bè đồng nghiệp quốc tế, đồng thời giới thiệu với bạn bè quốc tế về hệ thống pháp luật, tư pháp của Việt Nam cũng như quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong công cuộc cải cách pháp luật, tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.