Mối lương duyên giữa các đại gia và bóng đá không còn quá xa lạ trên thế giới và tại Việt Nam cũng vậy. Không ít đại gia Việt đam mê sân cỏ và trở thành ông "bầu" của các CLB bóng đá trong nước, tuy nhiên cũng có một số người cho rằng đây là một công cụ đầu tư, marketing hiệu quả cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Đáng chú ý, trong số các đại gia Việt có liên quan đến môn thể thao vua, không ít người có mối duyên đặc biệt với các CLB bóng đá nước ngoài.
Chủ tịch FLC Group Trịnh Văn Quyết
Tỷ phú Trịnh Văn Quyết.
Trả lời báo chí mới đây, Chủ tịch Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết bày tỏ ý định mua một đội bóng ngoại hạng Anh khiến dư luận không khỏi trầm trồ.
Theo vị Chủ tịch FLC Group, việc làm này tạo đà để nâng tầm hãng hàng không của mình trở thành thương hiệu quốc tế. Người đứng đầu Tập đoàn FLC thông tin thêm, quá trình xem xét, tiếp xúc để đặt vấn đề mua đội bóng ngoại hạng Anh đã được bắt đầu.
Nếu kế hoạch trên thành công, Tập đoàn FLC sẽ trở thành doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam sở hữu một đội bóng tại giải Ngoại hạng Anh.
Dĩ nhiên để thực hiện được tham vọng này, chi phí mà FLC phải bỏ ra là không hề nhỏ. Đồng thời doanh nghiệp cũng phải đảm bảo được các thủ tục pháp lý.
Đây không phải lần đầu tiên FLC đầu tư vào bóng đá. Trước đây, FLC từng đầu tư đội bóng của Thanh Hóa và đổi tên thành FLC Thanh Hóa.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, FLC đã dừng tài trợ cho bóng đá Thanh Hóa vì một số lý do. Được biết, trong 3 năm sở hữu, FLC đã đầu tư khoảng 300 tỷ đồng cho đội bóng xứ Thanh.
Doanh nhân Nguyễn Hoài Nam
Doanh nhân Nguyễn Hoài Nam.
Trước tỷ phú Trịnh Văn Quyết, một đại gia Việt từng là tâm điểm chú ý của dư luận khi sở hữu một đội bóng nước ngoài.
Cụ thể, đầu năm 2019, truyền thông Việt Nam được một phen rất bất ngờ khi doanh nhân Nguyễn Hoài Nam chính thức trở thành Chủ sở hữu CLB bóng đá FK Sarajevo (Bosnia & Herzegovina). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, có một người Việt Nam sở hữu một CLB ở châu Âu.
FK Sarajevo đang là đội bóng mạnh nhất giải VĐQG Bosnia & Herzegovina khi giành 2 chức vô địch liên tiếp gần đây.
Được biết, ông Nam tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, Khoa Quản trị Kinh doanh Đại học Southernb California. Năm 1992-1998, ông Nam giữ vai trò Giám đốc tài chính Công ty 3C Corporation rồi giữ chức vụ Giám đốc tài chính Công ty TTT Corporation.
Từ 2005-2006, ông là Tổng giám đốc Công ty Viet Au Investment.
Từ 2007 đến nay, ông Nam giữ vai trò Tổng giám đốc Berjaya Việt Nam (một chi nhánh thuộc tập đoàn Berjaya Corporation Berhad của Malaysia). Đây là đối tác duy nhất của Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) trong dự án triển khai kinh doanh xổ số tự chọn tại Việt Nam 210 triệu USD trong 18 năm với rất nhiều vụ người dân trúng trăm tỷ giấu tên.
Bên cạnh đó, đại gia Nguyễn Hoài Nam còn nắm giữ các vị trí chủ chốt trong hàng loạt công ty liên quan tới Berjaya như: Chứng khoán SaigonBank Berjaya, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Làng Nghi Tàm TPC (chủ sở hữu khách sạn Intercontinental Hanoi), thành viên HĐQT Công ty TNHH Berjaya Hồ Tây (chủ sở hữu khách sạn Sheraton Hà Nội),...
Ngoài ra, ông cũng là người đứng đầu Công ty Cổ phần Truyền thông và Đầu tư Nam Hương.
Cuối năm 2018, ông cũng từng tranh cử chức Phó chủ tịch Tài chính và Tài trợ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) khóa VIII với một đề án tranh cử đầy tham vọng đó là đưa Việt Nam dự World Cup nhưng không thành công.
Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức
Bầu Đức từng gây chú ý với thương vụ HAGL hợp tác toàn diện với CLB Arsenal.
Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) khởi nghiệp là điều hành một phân xưởng gỗ chuyên đóng bàn học sinh tại Gia Lai. Hiện nay, ông là Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Group (HAGL), hoạt động trong nhiều lĩnh vực: cao su, gỗ đá, địa ốc, thủy điện, bóng đá rồi đến khách sạn, khu nghỉ dưỡng…
Tên tuổi của bầu Đức gắn liền với CLB HAGL-đội bóng thành công tại nhiều giải đấu của bóng đá chuyên nghiệp.
Năm 2007, bầu Đức từng gây chú ý với thương vụ Hoàng Anh Gia Lai hợp tác toàn diện với câu lạc bộ Arsenal. Bầu Đức thậm chí còn muốn sở hữu 20% cổ phần của Arsenal.
Thời điểm đó, tài sản trên thị trường chứng khoán của HAGL là trên 1,6 tỷ USD. Bầu Đức với 55% cổ phần của HAGL đủ tiềm lực để mua một số lượng lớn cổ phần của Arsenal. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, thương vụ này đã không thành hiện thực.
Tuy vậy, HAGL vẫn đạt được thỏa thuận hợp tác toàn diện cùng Arsenal và xây dựng Học viện bóng đá HAGL-Arsenal JMG vào năm 2007.
Đây là cái nôi đào tạo những cầu thủ chuyên nghiệp tên tuổi trong làng bóng như Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn,...
Tháng 7/2013, bầu Đức lại tiếp tục gây tiếng vang khi mời thành công Arsenal đến Việt Nam du đấu. Theo một số nguồn tin, bầu Đức và ông Lê Hùng Dũng- Chủ tịch HĐQT Eximbank đã phải bỏ ra số tiền khoảng 2 triệu USD, tương đương hơn 40 tỷ đồng để có được sự gật đầu đồng ý của Arsenal.
Chủ tịch Tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển
Bầu Hiển là đứng sau thành công của nhiều CLB bóng đá trong nước.
Tháng 7/2014, ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) “bắt tay” hợp tác với CLB bóng đá Manchester City với việc ký kết hợp tác chiến lược phát triển thương hiệu giữa SHB với đội bóng này.
Chỉ sau đó 1 năm, bầu Hiển đã mời thành công Manchester City sang thi đấu giao hữu với đội tuyển Việt Nam.
Chia sẻ với báo giới, ông Đỗ Quang Hiển cho biết, SHB và Manchester City hợp tác trong việc đào tạo bóng đá trẻ và đào tạo quản lý bóng đá nhằm giúp cầu thủ trẻ của Việt Nam có thể đạt đến tầm tham gia các giải đấu của Premier League.
Đồng thời đưa hình ảnh thương hiệu của SHB và Man City đã lan tỏa trong cộng đồng người yêu mến bóng đá.
Bạch Hiền (t/h)