Ngày 30/12/2024, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 29 quy định về dạy thêm học thêm. Thông tư 29/2024 có hiệu lực từ ngày 14/2/2025, thay thế Thông tư số 17/2012 của Bộ GD&ĐT.
Theo Thông tư 29, giáo viên (GV) không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống.
Đối với học sinh các cấp học khác, khoản 2, Điều 4 của Thông tư quy định GV đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh (HS) đối với HS mà GV đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Khoản 1, Điều 5 của Thông tư về dạy thêm, học thêm trong nhà trường quy định không được thu tiền của học sinh. Việc dạy thêm học thêm chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng ký học thêm theo từng môn học.
Cụ thể, học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ 1 liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh, các tổ chức, cá nhân phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm...
Ngày 8/1/2025, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 30 về quy chế tuyển sinh THCS và THPT, có hiệu lực thi hành từ ngày 14/2/2025.
Thông tư nêu rằng 3 phương thức tuyển sinh vào lớp 10, bao gồm thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Việc lựa chọn phương thức tuyển sinh thuộc thẩm quyền của địa phương.
Đối với phương thức thi tuyển, kỳ thi sẽ bao gồm 3 môn là Toán, Ngữ văn và một môn thi/bài thi thứ ba. Môn thi/bài thi thứ ba do Sở GD&ĐT lựa chọn, công bố sau khi kết thúc học kỳ một nhưng không muộn hơn ngày 31/3 hàng năm, bảo đảm không chọn cùng một môn thi thứ ba quá 3 năm liên tiếp.
Thông tư cũng quy định chỉ tuyển sinh vào lớp 6 theo phương thức xét tuyển và hằng năm chỉ tuyển sinh 1 lần vào cấp THCS. Tiêu chí xét tuyển do Sở GD&ĐT hướng dẫn cụ thể, bảo đảm thực hiện việc xét tuyển công bằng, khách quan, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Học sinh lớp 9 Trường THCS Âu Lạc, quận Tân Bình trong 1 tiết học. (Ảnh: Pháp luật TP.HCM)
Thông tư 24/2024 do Bộ GD&ĐT ban hành, quy định quy chế thi tốt nghiệp THPT, sẽ có hiệu lực từ ngày 8/2.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ được tổ chức trong 3 buổi thi, gồm một buổi thi Ngữ Văn, một buổi thi môn Toán và một buổi thi bài thi tự chọn. Các thí sinh dự thi sẽ được sắp xếp theo tổ hợp bài thi tự chọn để tối ưu phòng thi, điểm thi.
So với những năm trước, số buổi thi giảm một, số môn thi giảm 2. Thí sinh thi hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn. Ngoài ra, thí sinh được chọn hai trong các môn của chương trình giáo dục phổ thông, gồm: Hóa học, Vật lý, Sinh học, Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ (Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp, Trung, Hàn).
Quy chế cũng nêu rõ sử dụng kết hợp điểm đánh giá quá trình (học bạ) và kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp theo tỷ lệ 50-50. Điểm trung bình học bạ các năm được tính theo trọng số.
Chứng chỉ ngoại ngữ vẫn được tiếp tục sử dụng để miễn thi trong xét công nhận tốt nghiệp nhưng không được quy đổi thành điểm 10 trong xét công nhận tốt nghiệp như trước đây. Công thức tính điểm xét tốt nghiệp không có điểm ngoại ngữ trong trường hợp này.
Thông tư 28/2024 do Bộ GD&ĐT ban hành quy định nội dung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục và thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục, có hiệu lực từ ngày 10/2.
Trong đó có quy định về thanh tra chuyên ngành đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên.
Cụ thể, nội dung thanh tra gồm ban hành văn bản, quy định quản lý nội bộ và phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng bộ máy tổ chức; thực hiện các quy định về công khai trong lĩnh vực giáo dục; công tác kiểm tra nội bộ và việc thực hiện các quy định về tổ chức và hoạt động theo điều lệ, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục.
Bên cạnh đó, thông tư cũng quy định thanh tra công tác xã hội hóa giáo dục, quản lý dạy thêm, học thêm; các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; chấp hành quy định về kiểm định chất lượng giáo dục; thực hiện quy định về thu, quản lý, sử dụng học phí, các nguồn lực tài chính khác…