Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec sau khi tiến hành các kiểm tra chuyên sâu và hội chẩn chuyên gia, các bác sĩ xác định vết thương của Xuân Son nghiêm trọng hơn so với ghi nhận ban đầu. Kết quả hội chẩn ghi nhận: Xuân Son bị gãy kín phức tạp 1/3 giữa thân hai xương cẳng chân, có hai mảnh rời lớn.
Các bác sĩ Trung tâm Chấn Thương Chỉnh hình và Y học Thể thao Vinmec quyết định phẫu thuật kết hợp xương kín bằng đinh nội tủy có chốt dưới màn hình tăng sáng. Đây là giải pháp phẫu thuật ít xâm lấn, giúp giảm thiểu tổn thương mô mềm và đảm bảo phục hồi nhanh chóng.
20h ngày 16/1, tức trong vòng chưa đầy 24h kể từ thời điểm chấn thương, Xuân Son đã được phẫu thuật.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật ngay sau khi cầu thủ sinh năm 1997 về nước
GS.TS.BS Trần Trung Dũng Giám đốc Chuyên ngành Chấn thương chỉnh hình và Cơ xương khớp, Hệ thống Y tế Vinmec cho biết: “Chấn thương của Xuân Son khá nặng, gãy hai mảnh rời rất lớn, một mảnh 7cm và một mảnh 3cm. Với mục tiêu phải giúp cầu thủ có thể phục hồi sớm, đặc biệt là ở khả năng liền xương, chúng tôi thực hiện kỹ thuật đóng đinh nội tủy kín để đảm bảo giữ được giải phẫu, không làm xô lệch các mảnh gãy và không phải mở ổ gãy ra. Quá trình mổ được theo dõi kĩ lưỡng bằng máy C-arm (máy chụp x-quang trong mổ) đảm bảo các yêu cầu về mặt giải phẫu, nắn chỉnh, cố định. Ca mổ đã thành công tốt đẹp”.
Sau mổ Xuân Son tỉnh táo, không đau, đã vận động nhẹ được bàn ngón chân, tuy nhiên vẫn cần theo dõi toàn diện và các tổn thương phần mềm phối hợp. Xuân Son sẽ bước vào quá trình vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, kết hợp với chế độ dinh dưỡng cá thể hóa, phù hợp với từng giai đoạn hồi phục. Dự kiến ngay trong ngày 7/1 Xuân Son sẽ được tập luyện và có thể di chuyển với nạng.
Trước đó Vinmec cũng đã từng điều trị cho các trường hợp tương tự tiền đạo sinh năm 1997.
Hậu vệ Lê Văn Xuân chấn thương trong trận bán kết SEA Games 31 giữa U23 Việt Nam và U23 Malaysia. Theo kết quả khám ban đầu và chẩn đoán của các chuyên gia, bác sĩ, Văn Xuân bị đứt dây chằng chéo trước gối trái, cần theo dõi tổn thương điểm bám sừng sau sụn chêm trong.
Hậu vệ Lê Văn Xuân chấn thương trong trận bán kết SEA Games 31. Ảnh: Báo Lao động
Phương án điều trị cho Lê Văn Xuân được đưa ra và thống nhất tại buổi hội chẩn là phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng sử dụng mảnh ghép gân bánh chè tự thân, khâu/cố định tổn thương sụn chêm (nếu có).
Quá trình phục hồi chức năng sau phẫu thuật của Lê Văn Xuân được chia thành 3 giai đoạn, bao gồm thời gian tập luyện phục hồi chức năng tại bệnh viện, tập luyện phục hồi tại một trung tâm bóng đá trước khi trở lại CLB để tập luyện và đánh giá thời điểm quay lại thi đấu.
Cầu thủ Thái Thị Thảo là tiền vệ trụ cột của CLB Hà Nội I và Đội tuyển nữ Việt Nam. Sau khi trở về từ hành trình giành vé dự World Cup 2023. Trong quá trình chuẩn bị cho Sea Games 31 tại Việt Nam, nữ VĐV không may gặp chấn thương và được chỉ định phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước, khâu sụn chêm vào tháng 5/2022.
Tiền vệ Thái Thị Thảo phải vượt qua bài kiểm tra mốc 16 tuần sau phẫu thuật để trở lại sân cỏ. Ảnh: BLĐ
Chương Thị Kiều hiện đang thi đấu ở vị trí trung vệ cho CLB Thành phố Hồ Chí Minh I cũng như Đội tuyển bóng đá nữ Quốc gia. Chương Thị Kiều trước đó đã cùng đội tuyển quốc gia lọt vào vòng chung kết FIFA World Cup 2023. Tháng 9/2022, sau nhiều năm "nén đau” thi đấu, nữ VĐV đã “gục ngã” với chấn thương phức tạp cả hai chân và quyết định thực hiện ca mổ lịch sử lần đầu tiên tại Việt Nam. Cô đã được tái tạo dây chằng chéo trước, khâu sụn chêm gối phải và tái tạo dây chằng chéo trước gối trái trong cùng 1 cuộc phẫu thuật.
Cả hai VĐV cùng ê-kíp đều đặt mục tiêu cao nhất trở lại với bóng đá và cùng đến World Cup ngay tại thời điểm quyết định điều trị Bệnh viện ĐKQT Vinmec.
Sau chấn thương Chương Thị Kiều tái xuất sân cỏ với phong độ đỉnh cao, đánh dấu sự hồi sinh mạnh mẽ sau chấn thương. Ảnh BLĐ
Trong suốt 9 tháng sau ca phẫu thuật, hai nữ tuyển thủ đã không ngừng nỗ lực tập luyện phục hồi chức năng, bất kể thời tiết nắng hay mưa. Mỗi ngày, họ duy trì đều đặn hai buổi tập luyện. Tại các mốc kiểm tra hàng tháng, cả hai luôn đạt hoặc vượt các yêu cầu đề ra. Những buổi kiểm tra định kỳ này đóng vai trò quan trọng, giúp các bác sĩ kịp thời điều chỉnh phác đồ tập luyện và điều trị, đảm bảo họ thích nghi tốt và sẵn sàng trở lại sân cỏ.
Kết quả, Thái Thị Thảo đã biến giấc mơ World Cup thành hiện thực, trong khi Chương Thị Kiều tái xuất sân cỏ với phong độ đỉnh cao, đánh dấu sự hồi sinh mạnh mẽ sau chấn thương.
Trước đó, tối 5/1, trong trận chung kết lượt về ASEAN Cup 2024, ở phút 32, tiền đạo Nguyễn Xuân Son đã ngã khá mạnh xuống mặt sân Rajamangala (Bangkok, Thái Lan). Cú ngã này khiến phần dưới chân phải của anh bị gập.
Ngay sau đó, cầu thủ sinh năm 1997 được đưa lên xe cấp cứu đến thẳng bệnh viện tại Bangkok. Kết quả chụp phim cho thấy, anh bị gãy xương ống đồng và xương mác. Cầu thủ này buộc phải cố định chân phải trong một thời gian.
Ngay sau khi trận đấu kết thúc, đại diện Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã vào bệnh viện thăm Xuân Son. Sau khi thảo luận cùng các bác sĩ, VFF quyết định đưa tiền đạo tuyển Việt Nam về nước điều trị.