Xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh (Quảng Nam) có tổng diện tích gần 7.000ha. Địa hình rộng, tiếp giáp nhiều địa phương và lại nằm trong “vùng rừng núi có nhiều vàng”, đặc biệt là mỏ vàng Bồng Miêu nên nhiều năm qua, Tam Lãnh là nơi “quần cư” của nhiều đối tượng đào đãi vàng trái phép đổ về với hy vọng được “đổi đời”.
Ông Bùi Quang Minh, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh cho biết: “Đổi đời” từ việc khai thác vàng trái phép thì chưa thấy nhưng tình trạng khai thác vàng trái phép đã để lại nhiều hệ lụy.
Không chỉ lên rừng dựng lều, khoét núi tìm vàng, dẫn đến những tai nạn chết người thương tâm do sập hầm vàng, nhiều người dân ở xã Tam Lãnh còn mua các chất độc hại như thủy ngân và cyanua về để đãi vàng tại nhà. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tham gia đãi vàng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Để có nguyên liệu đãi vàng, nhiều người dân trong xã đã lén lút đến các bãi xả bùn thải của các công ty khai thác vàng thải ra và dùng mọi phương tiện vận chuyển có thể sử dụng được để đưa các chất thải này về nhà, sau đó dùng thủy ngân và các loại hóa chất khác để “tách” vàng.
Tuy chưa có thống kê cụ thể về số người bị mắc bệnh do các loại hóa chất trên gây ra nhưng việc tiếp xúc thường xuyên với các loại hóa chất đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tham gia đãi vàng. Sau nhiều năm, trên cơ thể sẽ xuất hiện các triệu chứng lạ như: tay chân tê cứng, da ngứa, tím thâm đen và thường xuyên xuất hiện những cơn đau đầu.
Việc lén lút sử dụng các loại hóa chất trong hoạt động đãi vàng trái phép trên địa bàn xã Tam Lãnh đã vượt khỏi tầm kiểm soát của chính quyền địa phương. Nước thải từ việc đãi vàng bằng hóa chất còn gây ô nhiễm nặng môi trường ở nhiều khu dân cư trong xã. Do đó việc nghiêm cấm triệt để việc sử dụng thủy ngân và cyanua để đãi vàng là rất cần thiết.
Khai thác vàng trái phép tại mỏ vàng Bồng Miêu. Ảnh: ĐĐK |
Thời gian qua, xã Tam Lãnh đã nỗ lực phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, phát hiện và xử lý hàng trăm trường hợp đào đãi vàng trên núi và sàn tuyển vàng bằng hóa chất tại nhà. Để ngăn chặn nạn sử dụng hóa chất để sàn tuyển vàng tại nhà, địa phương duy trì đều đặn chế độ tuần tra mỗi tuần từ 2 - 3 lần và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.
Ngoài biện pháp xử lý hành chính, trong thời gian tới, địa phương sẽ áp dụng các chế tài mạnh như tịch thu và tiêu hủy toàn bộ những dụng cụ sàng tuyển vàng và các loại hóa chất độc hại được sử dụng trong việc khai thác vàng trái phép. Tuy nhiên, để ngăn chặn triệt để tình trạng trên, xã Tam Lãnh rất cần có sự phối hợp, giúp đỡ thường xuyên của các lực lượng chức năng để tránh tình trạng truy quét vàng tặc nhưng “dẹp được chỗ này thì xuất hiện chỗ kia”.
Đại tá Văn Thái Việt, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, lực lượng chức năng đã thường xuyên tổ chức các đợt truy quét, đẩy đuổi đối tượng khai thác vàng trái phép ra khỏi địa bàn. Từ đầu năm 2014 đến nay, lực lượng chức năng đã phá hàng trăm lán trại, thu giữ nhiều xe máy, máy nổ, máy nén khí, cối xay đá, hàng chục thùng hóa chất, hàng nghìn mét dây dẫn nước… cùng nhiều phương tiện dùng để khai thác quặng vàng, đẩy đuổi hàng trăm lao động khai thác vàng trái phép ra khỏi khu vực hầm lò. Tuy nhiên tình trạng khai thác vàng trái phép vẫn chưa được ngăn chặn triệt để.
Đại tá Văn Thái Việt cho biết, để ngăn chặn có hiệu quả việc khai thác vàng trái phép, trong thời gian tới, cùng với việc tham mưu đề xuất hướng giải quyết một cách căn cơ, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Quảng Nam sẽ tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn từ xa các hình thức vận chuyển hóa chất vào các “điểm nóng” về đào đãi vàng trên địa bàn; tăng cường tuần tra đẩy đuổi đối tượng khai thác vàng trái phép ra khỏi địa bàn.
Bên cạnh việc phát hiện và xử lý hành chính các trường hợp khai thác vàng trái phép dưới nhiều hình thức khác nhau, lực lượng chức năng sẽ kiên quyết tịch thu và tiêu hủy toàn bộ các phương tiện, thiết bị được sử dụng vào việc khai thác vàng trái phép. Về lâu dài, các địa phương cũng cần có cơ chế hỗ trợ vốn, tạo điều kiện giúp các “phu vàng” có việc làm mới để xa dần với cuộc sống “lên núi tìm vàng”. Những biện pháp này được triển khai đồng bộ và thường xuyên, liên tục, chắc chắn sẽ ngăn chặn có hiệu quả tình trạng khai thác vàng trái phép cùng những hệ lụy mà nạn khai thác vàng trái phép gây ra.