(ĐSPL) - Bức ảnh “Nụ cười chiến thắng dưới chân thành Quảng Trị” của nhà báo, cựu phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính, nguyên phóng viên ảnh của Báo Quân đội Nhân dân, là một trong những bức ảnh kinh điển về đề tài chiến tranh cách mạng.
Dấu mốc tình yêu
Nói đến cựu phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính của Báo Quân đội Nhân dân, ai cũng biết đó là tác giả của bộ ảnh nổi tiếng về chiến trường Quảng Trị, đỉnh điểm là mùa hè năm 1972, trong đó có nhiều bức ảnh được tặng Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng quốc tế. Ít người biết, phía sau những khuôn hình vô giá ấy là khoảng trời riêng dạt dào cảm xúc của một tình yêu lãng mạn và cảm động.
Có những sự trùng hợp thú vị và lạ lùng giữa tiếng bom rơi đạn nổ với tiếng đập của con tim mà mãi đến khi đầu bạc răng long nhìn lại, mới thấy hết được chiều sâu của nó. Lật giở lại những bức ảnh từ hơn 4 thập kỷ trước, mỗi bức ảnh là một câu chuyện về đồng chí, đồng đội và tình yêu đôi lứa, tình nghĩa vợ chồng… “Lúc sinh con gái đầu lòng, tôi bị băng huyết nặng, cứ tưởng sẽ không qua nổi. May mà được các đồng nghiệp cứu chữa tận tình nên mới được mẹ tròn con vuông!” - Bà Yến nhắc lại ký ức chiến tranh tháng 8/1972.
Bấy giờ đang là cao điểm của đợt leo thang bắn phá miền Bắc bằng B-52 của Mỹ. Bệnh viện Phủ Lý, nơi bà Yến đến khi chuyển dạ, được sơ tán đến một địa điểm cách chỗ cũ hơn 10km. “Đúng lúc tôi sinh thì kẻng báo động, tiếng máy bay gầm rú rồi tiếng bom nổ đinh tai. Các bác sĩ phải tắt vội cây đèn măng-sông, đỡ đẻ trong không gian tối mịt. Khi dứt tiếng máy bay mới dám thắp đèn lên để cắt rốn cho con tôi” - Bà Yến nhớ lại. Với cựu phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính, đó là giai đoạn hết sức oanh liệt.
Tháng 9/1971, hai người làm lễ cưới. Vợ công tác ở Nam Hà (tỉnh Nam Định và Hà Nam hiện nay), chồng ở Hà Nội, 1- 2 tháng mới về thăm nhau được một lần. Khi bà Yến mang thai thì miền Bắc hứng chịu những đợt tấn công rải thảm bằng B-52 của Mỹ. Nữ bác sĩ quân y Phạm Thị Vân Yến được cấp trên điều chuyển công tác về Đoàn an dưỡng 586 của Tỉnh đội Nam Hà, làm Trưởng ban Ngoại, chuyên điều trị, chăm sóc thương binh chuyển từ chiến trường miền Nam ra. Bộ phận của bà được bố trí làm việc trong một ngôi chùa.
Tháng 3/1972, Đoàn Công Tính được Ban biên tập Báo Quân đội Nhân dân cử vào “chảo lửa” Quảng Trị tác nghiệp. Đúng ngày chồng khoác ba lô lên Vĩnh Phú tập kết để vào chiến trường thì vợ lặn lội từ quê lên thăm - “Lúc tôi đến tòa soạn, mấy anh em cho biết, anh Tính vừa mới đi. Tôi vào phòng anh, thấy chiếc khăn mặt vẫn còn rỏ nước. Vậy là chỉ chậm có mấy phút mà vợ chồng không gặp nhau. Tôi đành trở về nhà bố mẹ chồng ở Ngọc Hồi. Thật may mắn, khi đội hình xe chở bộ đội vào chiến trường, đến Hà Nội thì dừng lại. Anh Tính xin đơn vị cho về thăm bố mẹ được ít phút. Thế là vợ chồng gặp nhau. Anh Tính xoa tay lên cái bụng lùm lùm của tôi rồi nói nhỏ, như tâm sự với đứa con trong bụng rằng, hẹn hai mẹ con, tháng 8 anh sẽ về đón con chào đời”.
Bà Yến cho chúng tôi xem bức ảnh “Phút tiễn đưa ngắn ngủi trên Quốc lộ 1”, ghi lại khoảnh khắc chia tay của Đoàn Công Tính với vợ và gia đình. Hơn 40 năm rồi nhưng bức ảnh vẫn như mới. Chồng vào chiến trường, vợ trở lại Nam Hà tiếp tục công việc của một nữ bác sĩ quân y Ngoại khoa, ngày đêm mong ngóng tin chồng.
Đến nay, bà Yến vẫn còn giữ nguyên vẹn những bức thư chồng gửi về từ những ngày đầu ở chiến trường. “Em yêu! Anh đang ngồi viết thư cho em kề bên tháp pháo xe tăng, dưới ánh sáng của chiếc đèn đã bịt kín chỉ để hở một khoảng bằng hạt ngô. Anh viết cho em với cả tấm lòng yêu thương, nhớ nhung không tả xiết. Anh đang hình dung ra gương mặt dịu hiền âu yếm của em, cái hình ảnh thân yêu tự ngày nào đã chiếm chỗ một cách thầm lặng, sâu lắng trong tiềm thức cậu học trò của thành Nam xa xưa…”. “… Ta đang đánh bọn địch xông ra Quảng Trị (2 sư đoàn ngụy) nhưng có nhiều phóng viên trực ở đây rồi. Anh sẽ đi xa, đi ngay đất mới với những trận đánh khốc liệt mà ít phóng viên đến được…”.
Chiến trường ác liệt, mỗi ngày thương binh, bệnh binh chuyển từ trong ra càng nhiều. Trong một lần chăm sóc thương binh, bà Yến nhận được tin báo, có một nhà báo quân đội trong lúc tác nghiệp trên chiến trường đã anh dũng hy sinh khiến lòng dạ bà như có lửa đốt. Tháng 8 qua, tháng 9 về, con gái đã biết nhìn ánh đèn nhưng vẫn chưa thấy chồng trở về như đã hẹn, người vợ trẻ đã nghĩ đến tình huống xấu nhất và tự nhủ, mình cần phải can đảm vượt lên để lo cho con. Trung tuần tháng 9/1972, Đoàn Công Tính mới từ chiến trường trở về, người gầy đen như que củi. Vợ chồng gặp lại nhau mừng vui trào nước mắt.
Những bức ảnh nóng hổi không khí chiến trường và hào khí chiến thắng trong những chuyến tác nghiệp để đời ấy đã đưa tên tuổi Đoàn Công Tính vào hàng ngũ những phóng viên chiến trường xuất sắc. Con gái bé bỏng ra đời dưới làn bom B-52 đúng vào thời điểm Đoàn Công Tính ghi lại hình ảnh lạc quan của những nụ cười chiến thắng dưới chân thành Quảng Trị ngày ấy, nay là một kiến trúc sư nổi tiếng, đã lập gia đình và có 2 con.
Mối tình đầu và duyên phận trăm năm
Bà Yến, SN 1946 ở Duy Tiên, Hà Nam, lớn lên và học ở Nam Định. Năm lớp 5, Vân Yến học chung với Đoàn Công Tính. Do theo bố mẹ đi chiến khu nên Đoàn Công Tính phải học muộn 3 năm, thế nên trong lớp, ông như là một người anh so với các bạn. “Tôi quý mến Yến từ năm ấy. Trong mắt tôi, Yến là một cô gái rất đáng yêu, nhỏ nhắn, xinh xắn. Sang lớp 6, tôi phải chuyển lớp. Cứ mỗi lần ra chơi, tôi thích đứng ở ban công nhìn xuống sân trường, ngắm Yến đùa vui với đám bạn. Ngày nào cũng thế!” - Ông Tính kể.
Tuổi học trò ào đi sau mỗi mùa hoa phượng. Học hết lớp 9, Đoàn Công Tính nhập ngũ, còn Phạm Thị Vân Yến học thêm một năm nữa rồi thi đại học Y. Đêm trước ngày lên đường, Đoàn Công Tính ôm ấp một cảm xúc mãnh liệt, sẽ đến chào Vân Yến và… ngỏ lời. Nhưng bản lĩnh của một chàng trai mới lớn không đủ để đáp ứng đòi hỏi từ tiếng gọi trái tim. Thơ thẩn quanh nhà bạn gái đến mấy chục lần nhưng cứ đến cổng là chân như xoắn lại, bước không nổi. Thế là đành đứng lặng ngắm nàng qua khung cửa sổ thấp thoáng ánh đèn, lòng tự an ủi rằng, nếu có duyên với nhau thì thể nào cũng gặp lại. Năm 1967, Đoàn Công Tính gặp một người bạn của Vân Yến. Có được dòng địa chỉ của cô bạn cùng lớp năm nào, với ông lúc bấy giờ còn quý hơn bắt được vàng. Bà Yến không quên những kỷ niệm một thời hoa đỏ: “Ngày ấy, anh Tính hay viết thư cho tôi.
Thư anh viết rất hay. Anh kể về những kỷ niệm thuở học chung lớp. Có những chuyện về tôi anh nhớ rất chi tiết, cả việc cái đêm trước ngày nhập ngũ, anh phải làm một “chàng khờ” trước ngõ nhà tôi đến quá nửa đêm, khiến tôi rất cảm động. Tôi viết thư trả lời anh đều đặn, lòng không nguôi nghĩ đến ngày gặp lại!”. Học Đại học Y Hà Nội đến năm thứ 5 thì Vân Yến được chọn chuyển tiếp sang đào tạo bác sĩ quân y, chính thức trở thành một chiến sĩ.
Năm 1970, bà tốt nghiệp và được điều về làm Bệnh xá trưởng Bệnh xá Tỉnh đội Nam Hà, về sau chuyển sang Đoàn an dưỡng 586. Mùa hè năm 1971, Đoàn Công Tính từ chiến trường ra. Hai người hội ngộ sau bao năm hò hẹn đợi chờ. Tình yêu đơm hoa kết trái. Tháng 9 năm đó, họ cưới nhau. Bây giờ, dù đã ở tuổi “cổ lai hy” nhưng ông bà vẫn giữ lửa tình yêu như thuở nào. Cái cách xưng hô anh - em ngọt ngào của hai ông bà khiến không gian sống của gia đình trong ngôi nhà ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh luôn đượm chất thơ. Bà Yến cảm thán: “Nhớ khi chồng ở chiến trường/ Càng gian khổ lắm càng thương yêu nhiều…!”.
TÙNG SƠN
Xem thêm video:
[mecloud]M05Uazpjqk[/mecloud]