Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nhìn lại một năm chống dịch Covid-19: Quyết định khó khăn nhất là ngược với số đông

(DS&PL) -

Những cảm xúc cá nhân, khoảnh khắc trong thời điểm phải đưa ra các quyết định quan trọng của cuộc chiến chống Covid-19 đã được Phó Thủ tướng và hai Thứ trưởng chia sẻ.

Những cảm xúc cá nhân, khoảnh khắc cân não trong thời điểm phải đưa ra các quyết định quan trọng của cuộc chiến chống Covid-19 đã được Phó Thủ tướng và hai Thứ trưởng chia sẻ trong buổi tọa đàm: Nhìn lại một năm phòng chống dịch Covid – 19.

Công sức của cả tập thể

Nhớ lại ngày đầu tiên công bố ca nhiễm đầu tiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Hôm đó đã là ngày 29 Tết. Trong đầu tôi phản ứng ngay là nếu đợi mồi từ nước ngoài hay gửi mẫu nước ngoài thì cả tuần mới có kết quả. Trong Tết nếu đã có ca bệnh trong cộng đồng mà chưa công bố để nhân dân cảnh giác thì nguy to”.

“Nếu công bố, mà sau có nhầm thì với bên nngoài cũng vẫn có thể nói khó "thanh minh" với WHO. Còn bên trong cùng lắm bị phê bình, bị đánh giá là thiếu chín chắn mà thôi. Tôi gọi điện hỏi các bộ phận chức năng và chuyên gia thì đều nói là chưa thể công bố được. Tôi trực tiếp gọi điện hỏi anh Lân Viện trưởng viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh là nơi đang làm xét nghiệm. Anh Lân giải thích về chuyên môn rất sâu. Tôi nghe không hiểu cặn kẽ hết nhưng tôi thấy có lòng tin. Tôi cân nhắc một lúc và đi đến quyết định”, Phó Thủ tướng nhắc lại quyết định công bố ca bệnh đầu tiên.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (trái) và Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn (phải) tại buổi tọa đàm.

Ngay sau khi công bố, bộ Y tế đã tổ chức họp có cả WHO dự. “Chúng tôi đã chính thức kích hoạt Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế cộng đồng của Việt Nam, mời GS. Trần Đắc Phu làm cố vấn cấp cao của Trung tâm. Tại cuộc họp có ý kiến cho rằng lẽ ra Việt Nam chưa được công bố có ca nhiễm. Tôi cũng giải thích thời điểm sát Tết.

Tại cuộc họp đó, chúng tôi đã phân tích và cũng nhận được sự chấp thuận của WHO về việc Việt Nam dừng các chuyến bay từ vùng có dịch, áp dụng khai báo y tế bắt buộc với người nhập cảnh từ Trung Quốc. Mặc dù khi đó WHO khuyến nghị là không ngừng giao thương, đi lại và cũng chưa có nước nào yêu cầu khai báo y tế bắt buộc. WHO nhận định bệnh này là "lây nhiễm hạn chế" nhưng chúng ta cũng thuyết phục và áp dụng cơ chế với bệnh "lây nhiễm". Ngay từ đầu, chúng ta đã đi sớm hơn một bước và áp dụng cao hơn một bước”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhớ lại những bước đi đầu tiên trong chống dịch của Việt Nam.

“Tôi nghĩ công bố ca bệnh đầu tiên là quyết định khó khăn, nhưng phải nói là chúng tôi không hối hận”, ông Đam nhấn mạnh.

Trong một năm chống dịch, có thể nói, đợt dịch bùng phát ở Đà Nẵng để lại nhiều đau thương nhất trong chúng ta. Nhớ lại thời điểm đó, Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phải nhận định rằng “Đà Nẵng rất rối ren”.

“Khi chúng tôi tham gia cuộc chiến ở Đà Nẵng, đã xác định với người làm ngành y, nơi nào có bệnh phải vào, nơi nào có dịch phải xông vào chống dịch, nơi nào có người bệnh cần sự hỗ trợ của ngành y tế thì chúng tôi phải có mặt.

Không chỉ mình tôi mà toàn thể đoàn cán bộ y bác sĩ vào hỗ trợ Đà Nẵng đi với tâm thế rất nhẹ nhàng. Tôi nói với vợ tôi, cũng là một bác sĩ: "Bây giờ đất nước cần, có dịch thì mình vào đó để hỗ trợcho thành phố Đà Nẵng". Với gia đình, chúng tôi tạo các biện pháp hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho gia đình, ví dụ với vợ, con, cháu ngoại hạn chế tiếp xúc; hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân nói chung và cán bộ ngành y tế nói riêng”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhớ lại.

Có vaccine cũng không thể chủ quan

Cho dù một số nước đã bắt đầu tiêm vaccine nhưng dịch bệnh còn phức tạp. Trong thời gian ngắn, ít nhất nửa năm tới đây ta chưa thể có vaccine cho số đông người được. Vì vậy ta phải rất rất cảnh giác các biện pháp phòng dịch vì đã xuất hiện các biến thể mới.

Trước hết là phải ngăn chặn triệt để nguồn bệnh từ nước ngoài vào. Phải kiểm soát chặt chẽ nhập cảnh. Ngoài lực lượng biên phòng, công an thì toàn dân cần tham gia ngăn chặn nhập cảnh trái phép qua đường bộ, đường thủy. Gia đình nào có người thân ở nước ngoài cần khuyên người thân thực hiện các quy định của nước sở tại, nếu thực sự cần phải về nước thì về qua các cửa khẩu chính thức và thực hiện cách ly theo quy định. Nhà nước không thu phí cách ly. Ngoài ra nhân dân trong cả nước khi phát hiện có người có dấu hiệu từ nước ngoài về cần báo với y tế, công an, chính quyền cơ sở, vì nếu chúng ta để lọt mầm bệnh vào cộng đồng rất nguy hiểm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, xã hội cần luôn ý thức là dịch bệnh đang rình rập. Lơi lỏng để dịch bệnh bùng phát, lan rộng thì hệ thống y tế nước ta không thể chịu nổi và toàn bộ nỗ lực phát triển kinh tế sẽ đổ bể. Cần thực hiện rất nghiêm các khuyến cáo của bộ Y tế, tất cả cơ sở từ y tế trường học đến giao thông, lưu trú, nhà máy, xí nghiệp phải thực hiện rất nghiêm khuyến cáo phòng chống dịch. Phải tự đánh giá các biện pháp của mình, cập nhật lên hệ thống an toàn Covid-19. Những hệ thống thông tin và thói quen thực hành này không chỉ giúp ta chống Covid-19 lần này, mà về lâu dài sẽ giúp chúng ta đối phó với các dịch bệnh và sự cố an ninh phi truyền thống một cách hiệu quả hơn.

Về lộ trình thử nghiệm và tiêm vaccine tại Việt Nam, theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn tại Việt Nam, chưa bao giờ chúng ta công nhận các kết quả vaccine, thử nghiệm lâm sàng với quy trình nhanh. Nhưng chúng ta phải hiểu nhanh nhưng phải đúng với quy trình thử nghiệm lâm sàng. Do đó, bộ Y tế vẫn tiếp cận các đơn vị cung ứng vaccine trên thế giới để lên kế hoạch nhập khẩu. Tuy nhiên chưa thể công bố do bản quyền thương mại.

“Chúng tôi hy vọng, nửa cuối 2021 chúng ta sẽ có vaccine để cung ứng cho các đối tượng có nguy cơ cao. Chúng tôi cũng đang thúc đẩy thử nghiệm vaccine ở một số quốc gia. Cuối 2021, đầu 2022, chúng tôi kỳ vọng vaccine của Việt Nam có thể đưa vào sử dụng”, ông Sơn cho hay.

Sẵn sàng là người đầu tiên thử vaccine

“Tôi tin rằng bộ Khoa học Công nghệ cùng bộ Y tế khi quyết tâm triển khai và đầu tư chắc chắn mong muốn sớm có vaccine cho người dân. Với những người làm quản lý Nhà nước, chúng tôi mong có vaccine của Việt Nam và chúng tôi sẵn sàng là người thử đầu tiên” – Thứ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy.


Thảo Linh

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Hai (14)

Tin nổi bật