Nơi đề xuất thu, chỗ đề xuất miễn
Mới đây, góp ý cho dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng dự án luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) của Bộ Tài chính, UBND TP Cần Thơ đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu thu hẹp để mở rộng cơ sở thuế, ví dụ xem xét thu thuế Thu nhập cá nhân đối với hộ gia đình có thu nhập cao từ hoạt động nông nghiệp.
Đáng chú ý, UBND TP Cần Thơ còn nêu đề xuất về việc lãi tiền gửi tiết kiệm chỉ nên miễn thuế thu nhập cá nhân với quy mô tiết kiệm nhỏ. Ở chiều ngược lại, tỉnh Ninh Thuận lại đưa ra đề xuất miễn thuế đối với lãi suất tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu chính phủ và các khoản đầu tư dài hạn nhằm khuyến khích người dân tiết kiệm tại các ngân hàng thương mại và phát triển kinh tế.
Ảnh minh họa.
Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, TS Châu Đình Linh (Giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM) cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng cần giải quyết đối với việc chỉnh sửa Luật thuế thu nhập cá nhân, bao gồm những vấn đề như mức giảm trừ gia cảnh, bậc chịu thuế, mức thuế,...để đảm bảo công bằng, hợp lý và tạo điều kiện tích luỹ thu nhập cho người lao động. Ngoài ra, có thể bổ sung thêm các hoạt động chịu thuế như thanh lý tài sản có giá trị như sim số,..
Đối với đề xuất đánh thuế thu nhập tiền lãi gửi tiết kiệm, theo TS Châu Đình Linh, đây có thể coi là một giải pháp nhưng “chưa phù hợp với bối cảnh thị trường tài chính Việt Nam”.
Phân tích thêm, TS Châu Đình Linh cho hay ở một số nước phát triển, có thị trường tài chính hiệu quả, chính phủ không khuyến khích tiền gửi tiết kiệm mà tập trung ở đầu tư, tiêu dùng,...nên họ sẽ đánh thuế toàn bộ trên thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm. Ở các nước khác lại đánh thuế trên một mức tiền gởi tiết kiệm nhất định nhằm điều hướng các khoản tiền lớn vào nền kinh tế một cách trực tiếp như kinh doanh, kênh đầu tư, tiêu dùng,...
Dù vậy, theo vị chuyên gia này, riêng tại Việt Nam, thị trường tài chính phụ thuộc quá lớn vào thị trường tiền tệ do đó tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng là nguồn lực lớn để các trung gian tài chính phân phối hiệu quả nguồn vốn đến các chủ thể cần vốn trong nền kinh tế.
“Ngoài ra, các kênh đầu tư khác ở Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện nên nếu đánh thuế tiền lãi gửi tiết kiệm sẽ dễ khiến nhiều người giảm gửi tiền vào ngân hàng, dòng vốn chảy vào các kênh đầu cơ, không tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, lãi thực nhận phải lấy lãi suất công bố trừ đi tỷ lệ lạm phát, hiện nay, sự chênh lệch này không còn quá cao nên nếu triển khai giải pháp này sẽ dẫn đến phản ứng mạnh. Một yếu tố nữa cần phải xét đến là giá trị tiền gửi tiết kiệm trong hệ thống tài chính đang rất cao”, TS Châu Đình Linh nhận định.
Lãi nhỏ bỏ qua, lãi lớn nên xem xét?
Đưa ra một góc nhìn khác, Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam – lại cho rằng không nên đánh thuế đối với thu nhập tiền gửi tiết kiệm, song cần xem xét đánh thuế đối với khoản thu nhập lãi tiền gửi ngân hàng có giá trị lớn.
“Gửi một vài tỷ, tiền lãi một vài trăm triệu một năm thì không nên đánh thuế nhưng gửi nhiều tháng, số tiền hàng chục tỷ, lãi hàng tỷ đồng một năm thì bản chất là đầu tư, kinh doanh, do đó cần đánh thuế khoảng 5% giống như nộp thuế thu nhập cá nhân khi nhận tiền cổ tức, dù công ty đã nộp tất cả các loại thuế, trong đó có thuế thu nhập 18 - 20% rồi (một số trường hợp lên đến 50%)”, Luật sư Trương Thanh Đức nêu ý kiến.
Ngoài ra, theo Luật sư Trương Thanh Đức, nếu số tiền nhiều nhưng gửi không kỳ hạn hoặc ngắn hạn dưới 1 tháng (lãi suất thường dưới 1%/năm) thì cũng không nên đánh thuế, do đó không phải là tiền gửi dạng đầu tư, mà là tiền gửi thanh toán hay phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh.