Những ngày gần đây, COVID-19 tái bùng phát, khiến số lượng bệnh nhân đến khám tại các bệnh viện gia tăng.
Chị P.T.A (Chương Mỹ, Hà Nội) bế con vào viện lúc 3 giờ sáng trong tình trạng sốt cao, giật mình liên tục. Bé gái của chị mới tròn 6 tháng tuổi khiến chị vô cùng lo lắng.
Chị cho biết, trước khi nhập viện một ngày, bé có biểu hiện sốt, chảy nước dãi nhiều và quấy khóc. Theo dõi con suốt một ngày nhưng không thấy đỡ, lại xuất hiện triệu chứng giật mình, chị cùng chồng lập tức đưa con đến Bệnh viện Nhi Hà Nội. Sau khi xét nghiệm máu, các bác sĩ chẩn đoán bé mắc COVID-19 và đồng nhiễm tay chân miệng. Bé được chỉ định nhập viện để theo dõi sát.
“Đọc thông tin trên mạng xã hội những ngày qua, tôi rất lo lắng. Giờ con lại mắc hai bệnh cùng lúc, là mẹ nên tôi càng hoang mang, sợ hãi hơn”, chị A chia sẻ.
Gia tăng trẻ nhập viện do mắc COVID-19 tại các bệnh viện Hà Nội
Tương tự, chị V.T.T (trú tại Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) có con mới 5,5 tháng tuổi mắc COVID-19, phải nhập viện điều trị. Chị vẫn chưa rõ con lây bệnh từ đâu. “Gia đình tôi không ai mắc, lại luôn giữ con trong nhà, không cho tiếp xúc với ai, mà không hiểu sao cháu vẫn nhiễm bệnh”, chị T thắc mắc.
Theo lời chị T, trước khi nhập viện hai ngày, con gái chị sốt cao trên 39 độ và không hạ. Lo lắng, vợ chồng chị đưa bé đi khám. Bé được chẩn đoán mắc COVID-19 và phải nhập viện theo dõi do dưới 1 tuổi, nhóm có nguy cơ cao dễ biến chứng.
Nhiều trẻ dưới dưới 1 tuổi nhập viện do mắc COVID-19
Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, ThS.BS Nguyễn Sỹ Đức, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Hà Nội cho biết, từ đầu mùa hè đến nay, đơn vị đã chẩn đoán khoảng 150 ca mắc COVID-19, trong đó có khoảng 40 ca phải nhập viện, phần lớn là trẻ dưới 6 tháng tuổi. Hiện bệnh viện đang điều trị nội trú cho khoảng 10 bệnh nhi mắc COVID-19.
“Trong đó có một ca nặng phải điều trị tại khoa cấp cứu, một bé mắc ung thư đồng nhiễm COVID-19 và hai trường hợp COVID-19 kèm tay chân miệng", bác sĩ Đức thông tin.
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, trong ngày 21/5, có 6 ca COVID-19 đang điều trị nội trú trong tổng số 12 ca nhập viện trong hai tuần gần đây, bao gồm cả bệnh nhi. Các trường hợp này đang được điều trị tích cực để kiểm soát nguy cơ diễn biến nặng.
Dù mức độ nghiêm trọng của COVID-19 đã giảm, vẫn ghi nhận các ca diễn biến nặng
Bệnh viện đã thiết lập các khu cách ly riêng cho từng nhóm bệnh nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế lây nhiễm chéo, đồng thời tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, sàng lọc và phân luồng bệnh nhân ngay từ khâu tiếp nhận.
Đại diện Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, số ca mắc các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng và COVID-19 có xu hướng gia tăng trong thời tiết nắng nóng, độ ẩm cao, điều kiện thuận lợi cho tác nhân gây bệnh phát triển.
Số ca mắc các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng và COVID-19 có xu hướng gia tăng
Dù mức độ nghiêm trọng của COVID-19 đã giảm, vẫn ghi nhận các ca diễn biến nặng, đặc biệt ở người cao tuổi, có bệnh nền hoặc chưa tiêm đủ vắc xin. Ngoài ra, tay chân miệng và sốt xuất huyết đang vào mùa cao điểm, nguy cơ bùng phát dịch nếu không kiểm soát tốt trong cộng đồng.
Trong hai tuần đầu tháng 5, bệnh viện tiếp nhận 19 ca sốt xuất huyết, trong đó hiện còn 2 ca điều trị nội trú. Về tay chân miệng, hiện có 4 ca điều trị nội trú trong tổng số 18 ca nhập viện.
Bệnh viện Thanh Nhàn khẳng định đã chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, thuốc men, trang thiết bị và giường bệnh để tiếp nhận, điều trị các ca bệnh truyền nhiễm. Đồng thời, duy trì đường dây nóng để người dân được tư vấn y tế, hỗ trợ khẩn cấp khi cần.
Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, TS.BS Đỗ Thị Thúy Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Hà Nội cho biết, từ cuối năm 2023 khi Bộ Y tế quyết định đưa dịch COVID-19 trở thành dịch bệnh truyền nhiễm nhóm B, bệnh viện vẫn ghi nhận số ca mắc COVID-19. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5 trở lại đây, tình trạng bệnh nhi vào viện mắc COVID-19 tăng cao. Đặc biệt là nó cũng gia tăng nhanh trong khoảng một tuần trở lại đây. Riêng ngày 21/5, bệnh viện ghi nhận 24 ca đến khám mắc COVID-19.
TS.BS Đỗ Thị Thúy Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Hà Nội
Trả lời về việc trẻ chưa từng tiêm vắc xin có cần tiêm trong bối cảnh xuất hiện biến chủng mới, bác sĩ Nga cho biết: “Trước đây, vắc xin chỉ được chỉ định cho trẻ trên 5 tuổi. Trẻ nhỏ hơn chưa có vắc xin. Từ tháng 10/2023, Chính phủ đã đưa COVID-19 từ nhóm bệnh truyền nhiễm A xuống nhóm B, tức giảm mức độ nguy hiểm, coi như bệnh thông thường như cúm. Vì vậy, các hãng cũng dừng nghiên cứu vắc xin cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, đợt dịch này có thể thúc đẩy việc xem xét tiếp tục nghiên cứu vắc xin cho nhóm tuổi này".
Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Hà Nội cũng cho biết, bệnh viện luôn sẵn sàng cơ sở vật chất, khu cách ly, thiết bị và vật tư y tế để tổ chức tiếp nhận, cách ly, điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn. Các biện pháp phòng lây lan qua đường hô hấp cũng được tăng cường nhằm hạn chế tối đa sự lây nhiễm trong cơ sở khám chữa bệnh.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Truyền nhiễm TP.HCM, Cố vấn chuyên môn về Nhiễm tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, phần lớn người dân hiện nay đã có miễn dịch nền nên nguy cơ chuyển nặng là rất thấp.
“COVID-19 hiện nay về cơ bản không khác gì cảm cúm thông thường. Trường hợp có thể biến chứng nặng là những người mắc bệnh phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch hoặc người lớn tuổi. Nhóm này nên tuân thủ nghiêm các khuyến cáo về phòng bệnh hô hấp.
Nhưng về cơ bản các biện pháp như đeo khẩu trang khi cần, rửa tay, giữ vệ sinh cá nhân, theo dõi triệu chứng… là áp dụng cho tất cả mọi người. Với nhóm dễ tổn thương này, chúng ta luôn phải cẩn trọng, không chỉ với COVID-19 mà với tất cả các bệnh truyền nhiễm hô hấp. Các biện pháp bảo vệ như đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc nơi đông người, nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ, theo dõi sức khỏe… cần được duy trì thường xuyên, không phụ thuộc vào việc có COVID-19 hay không”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến ngày 16/5, toàn thành phố ghi nhận 37 ca mắc COVID-19, không có tử vong, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2024 (637 ca, không tử vong). Riêng trong tuần từ 9 - 16/5, Hà Nội ghi nhận 23 ca mắc.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đánh giá, mọi loại virus, bao gồm SARS-CoV-2, đều liên tục biến đổi và tiến hóa. Phần lớn các biến đổi này không ảnh hưởng đáng kể, nhưng một số có thể làm thay đổi khả năng lây lan, mức độ nghiêm trọng, hiệu quả của vắc xin, phương pháp điều trị, xét nghiệm hoặc các biện pháp y tế công cộng.
Bộ Y tế khuyến cáo các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 quay trở lại