Nói một đằng, làm một nẻo
Phản ánh tới PV, hàng chục tiểu thương tại chợ Vồi (xã Hà Hồi, huyện Thường Tín) cảm thấy BQL chợ có những việc làm bất bình thường.
Theo đó, 14 ki-ốt (chủ yếu kinh doanh mặt hàng dưa hấu) do các tiểu thương thuê và kinh doanh ổn định từ những năm 2000. Khi đó, các ki-ốt này được tiểu thương cải tạo và xây dựng trên nền khu vực bãi rác nhỏ thuộc khuôn viên khu chợ.
Tùy theo vị trí, các ki-ốt được BQL chợ Vồi cho thuê với mức giá khác nhau, trung bình khoảng 1,5 triệu đồng/tháng đối với 1 ki-ốt. Việc kinh doanh diễn ra thuận lợi cho tới thời điểm đầu tháng 3/2021, ông Từ Đức Toàn - Trưởng BQL chợ Vồi thông báo về việc cải tạo, nâng cấp ki-ốt.
Bà Vương Thị Thân, một trong số các tiểu thương cho hay: "Thời điểm này, ông Toàn và BQL chợ có nói với chúng tôi rằng phải cải tạo và nâng cấp các ki-ốt phía Tây Nam - nơi chúng tôi đang thuê. Đồng thời yêu cầu mỗi chủ ki-ốt đóng khoản tiền 106 triệu đồng, nếu không đóng sẽ bị thu lại ki-ốt".
14 tiểu thương không nhận được hóa đơn, chứng từ sau khi nộp tiền mà chỉ nhận được 1 tờ phiếu thu không có dấu từ BQL chợ.
Dù không đồng tình với quyết định cải tạo và sửa chữa, nhưng do lo sợ bị thu ki-ốt nên cả 14 tiểu thương đều nhất trí nộp số tiền mà BQL yêu cầu. Tổng số tiền BQL chợ Vồi thu của các tiểu thương là 1 tỷ 484 triệu đồng. Đáng nói, số tiền kể trên được thu không có hóa đơn, chứng từ, các tiểu thương chỉ nhận được 1 tờ phiếu thu (không có dấu) với chữ ký của ông Từ Đức Toàn và ông Nguyễn Hữu Hân (kế toán BQL chợ).
Việc cải tạo, sửa chữa các gian hàng được hoàn thành vào tháng 4/2021. Những tưởng sau đó, các tiểu thương sẽ được quay trở lại ki-ốt của mình kinh doanh thì bất ngờ 14 gian hàng cũ đã được chia thành 30 gian hàng nhỏ hơn. Tuy nhiên, theo các tiểu thương, họ phải nhận 1 gian hàng nhỏ dù thực tế ki-ốt cũ có diện tích lớn gấp đôi.
"Sau 20 năm bám rễ mưu sinh tại chợ Vồi, người bỏ công, người bỏ sức, chúng tôi cũng là những người góp phần để khu chợ được như ngày hôm nay. Chúng tôi bỏ ra hàng trăm triệu đồng để cải tạo sửa chữa các gian hàng, không ngờ họ lại đối xử với chúng tôi như vậy", – ông Phú, một trong số các tiểu thương tại chợ Vồi cay đắng cho hay.
Một tiểu thương khác phàn nàn, trước khi cải tạo, BQL chợ có gọi đại diện tiểu thương lên làm việc và hứa chỉ cải tạo nâng cấp các ki-ốt cho đẹp, sẽ giữ nguyên gian hàng và chủ thuê. Nhưng khi sửa chữa xong, BQL tự động ngăn đôi, chia nhỏ gian hàng của tiểu thương, phân cho tiểu thương những ki-ốt mà xe không vào được, khiến việc kinh doanh gặp khó vì lối đi quá nhỏ.
Dù chỉ được buôn bán ngoài bên ngoài ki-ốt, BQL chợ vẫn đều đặn tới thu 1,5 triệu đồng/ tháng.
Từ đó đến nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các tiểu thương đã phải dừng hoạt động, trong khi đó, đủ các loại chi phí phát sinh. Đến khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các tiểu thương mong muốn trở lại hoạt động buôn bán hàng ngày nhưng lại gặp cảnh “cửa đóng then cài” do gian hàng bị “xé” nhỏ.
Để tiếp tục mưu sinh, họ ngồi vạ vật tràn ra khu vực trước cửa ki-ốt của mình để buôn bán. Theo các tiểu thương, dù chỉ được buôn bán ngoài sân, BQL vẫn đều đặn tới thu 1,5 triệu đồng tiền thuê ki-ốt (việc thu này cũng không có hoá đơn, chứng từ).
"Các gian hàng đã sửa chữa xong, nhưng BQL chợ lại đóng cửa ki-ốt không cho ai vào kinh doanh. Họ đơn phương chia nhỏ và lấy lại nhiều ki-ốt, bà Lan - một trong số các tiểu thương cho hay.
Tiền thu hàng tháng để “khích lệ” ban Quản lý
Liên quan tới sự việc này, PV đã liên hệ với ông Từ Đức Toàn - Trưởng BQL chợ. Tuy nhiên, ông Toàn từ chối làm việc và cho hay chỉ tiếp báo chí khi có sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND xã Hà Hồi.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Ngọc Ánh, Chủ tịch UBND xã Hà Hồi xác nhận đã nhận được đơn thư của các tiểu thương tại chợ Vồi.
Ông Ánh cho rằng, vị trí 14 ki-ốt của các tiểu thương thuê trước kia là khu vực bị xuống cấp tại chợ. Do vậy, BQL chợ Vồi có chủ trương cải tạo, sửa chữa để thực hiện những gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm theo chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP).
Về việc BQL chợ Vồi chỉ trả lại 1 nửa ki-ốt sau khi cải tạo sửa chữa, ông Ánh cho hay, khu vực này được cải tạo, sửa chữa để thực hiện những gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm theo chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm. Tuy nhiên khi cải tạo xong, các tiểu thương có đề đạt nguyện vọng thuê lại nên BQL chợ đã tạo điều kiện để họ thuê lại 1 phần.
PV tiếp tục thắc mắc nếu là chủ trương của BQL chợ tại sao lại truy thu mỗi tiểu thương số tiền 106 triệu đồng, ông Ánh chỉ giải thích chung chung rằng tiền đó là họ tự nguyện đóng góp.
Trả lời về nguyện vọng thuê lại toàn bộ ki-ốt sau khi cải tạo sửa chữa, ông Ánh cho biết, sẽ có buổi làm việc cụ thể với các tiểu thương để đi đến phương án tối ưu.
Nói về số tiền thu của các tiểu thương hàng tháng không có hoá đơn chứng từ được sử dụng vào mục đích gì, ông Ánh khẳng định tiền đó được sử dụng để chi trả hoạt động cho anh em BQL chợ. Ông Ánh cũng cho rằng số tiền này là sự khích lệ cho anh em trong BQL vì họ làm việc mà không hề có lương.
Trong một diễn biến liên quan, 14 tiểu thương đã có đơn kêu cứu gửi UBND huyện Thường Tín, đề nghị trả lại 14 ki-ốt. Ban tiếp dân UBND huyện cũng đã có công văn yêu cầu Chủ tịch UBND xã Hà Hồi xem xét, giải quyết đúng quy định pháp luật và báo cáo huyện trước 20/4. Tuy nhiên từ đó tới nay, các tiểu thương cho biết họ vẫn chưa được giải quyết vấn đề thoả đáng.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Thanh Phong