Một số ngân hàng đã công khai báo cáo hoạt động quý II/2022 với kết quả kinh doanh nhiều tích cực.
Nhiều nhà băng "đau đầu" vì nợ xấu. Ảnh minh họa
Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022 của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), lũy kế 6 tháng, SHB đạt 8.442 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng mạnh so với mức 6.892 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế bán niên 2022 của SHB đạt 5.848 tỷ đồng, tăng 84% so với cùng kỳ.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ lần thứ 30, ban lãnh đạo SHB đã trình và được cổ đông phê duyệt kế hoạch kinh doanh với mức lợi nhuận trước thuế tối thiểu đạt 11.686 tỷ đồng, tăng 87% so với thực hiện năm trước. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm 2022, SHB đã hoàn thành trên 50% mục tiêu lợi nhuận.
Tuy nhiên, tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng của nhà băng này đạt 2,54%, tăng mạnh so với mức 1,6% cùng kỳ. Mặc dù nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) đã giảm nhưng nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng gấp gần 3 lần và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng 30%.
Cũng trong kỳ tài chính này, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) báo lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt hơn 9.028 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được hơn 60% kế hoạch đề ra.
Tổng dư nợ cho vay ở mức hơn 392.191 tỷ đồng. Về chất lượng, nợ xấu của ACB tăng mạnh chủ yếu đến từ việc nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng hơn 59% so với cùng kỳ và chiếm tới 73% tổng nợ xấu (2.998,2 tỷ đồng). Nợ xấu tăng lên khá cao, khiến ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng chung hơn 9% (khoảng 236 tỷ đồng) lên mức 2.924 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP An Bình (MCK: ABB, UpCOM) vừa công bố BCTC quý II/2022 với nhiều chỉ số tăng ấn tượng.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần ABB trong kỳ đạt gần 976 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động dịch vụ 87 tỷ đồng, tăng 3%. Kinh doanh ngoại hối 486,2 tỷ đồng, tăng 48%; hoạt động khác 217 tỷ đồng, gấp gần 2,5 lần.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, ABBank lãi trước thuế 1.662 tỷ đồng, tương đương tăng 39%, và hoàn thành 54% chỉ tiêu cả năm.
Đáng chú ý, tính đến ngày 30/06/2022, ABB ghi nhận gần 1.790 tỷ đồng nợ xấu, tăng 11% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn 1.039 tỷ đồng, tăng 20%. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm nhẹ từ 2,34% đầu năm xuống còn 2,3%.
Bạch Hiền (t/h)