Được biết, năm 2022 Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng đầu toàn khu vực ASEAN, đứng thứ ba châu Á (sau Trung Quốc và Nhật Bản) về mức tiêu thụ bia. Thế nhưng bắt đầu bước sang năm 2023 đến nay, thị trường ngành này không còn nhộn nhịp như năm trước hay tình trạng khan hàng, sốt giá mỗi dịp lễ Tết. Nguyên nhân chủ yếu đến từ kinh tế khó khăn, sức mua giảm và cơ quan chức năng siết chặt quy định về nồng độ cồn của người tham gia giao thông.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, trong 9 tháng đầu năm, sản lượng bia sản xuất cả nước chỉ đạt 3,41 triệu lít, chỉ tăng 0,02% so với cùng kỳ, đây là mức tăng trưởng thấp, chỉ sau giai đoạn chịu tác động bởi dịch Covid 19. Chủ tịch Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam cho biết, ngành công nghiệp đồ uống Việt Nam đang gặp khó khăn, doanh số bán bia nhìn chung giảm 10-20% trong khi giá nguyên vật liệu tăng đến 50%.
Kết quả kinh doanh của các “ông lớn” ngành bia
Tình hình khó khăn của thị trường bia Việt đã được chứng minh bằng kết quả kinh doanh của một số ông lớn trong ngành. Cụ thể, nhìn vào Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, SAB) có thể dễ dàng nhận thấy doanh thu đang giảm dần qua từng quý. Lũy kế 9 tháng đầu năm của chủ hãng bia Sài Gòn đã giảm 12% doanh thu và 26% lãi ròng, LNST chưa đầy 3.300 tỷ đồng.
Hay một ông lớn khác là Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, BHN) cũng cũng ghi nhận doanh thu quý 3/2023 giảm tới 7% so với cùng kỳ, còn lãi sau thuế chưa bằng 1 nửa so với cùng kỳ năm ngoái ở mức 107 tỷ đồng. Suốt 9 tháng đầu năm, chủ hãng bia Hà Nội chỉ lãi vỏn vẹn 291 tỷ đồng.
Những đơn vị còn lại cũng đồng loạt giảm lãi mạnh, đơn cử Bia Sài Gòn – Quảng Ngãi giảm đến 55% LNST sau 9 tháng (chỉ còn 78 tỷ đồng), Bia Sài Gòn – Sông Lam giảm 45% xuống còn 22 tỷ; Bia Hà Nội – Hải Dương giảm 1/3 lợi nhuận chỉ còn 7 tỷ đồng…
Kết quả kinh doanh của các “ông lớn” ngành bia đều giảm sút
Sự cạnh tranh đang ngày càng gay gắt giữa các doanh nghiệp ngành bia khiến các doanh nghiệp lâu năm bị đẩy vào thế khó.
Thị trường bia ngày càng chật chội hơn khi Heineken liên tục vung mình, đánh bật Sabeco để dẫn đầu thị phần trên cả nước. Heineken Việt Nam hiện có tới 6 nhà máy, sản xuất và phân phối các nhãn hiệu Heineken, Tiger, Larue, BIVINA, Bia Việt, Strongbow và Edelweiss.
Công ty có doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế dẫn đầu ngành. Doanh thu thuần có sự biến động qua mỗi năm. Năm 2020 đạt khoảng 30.000 tỷ đồng, giảm gần 20% năm 2021, sang 2022 tăng hơn 50%. Lợi nhuận sau thuế tương tự đạt khoảng 9.000 tỷ trong năm 2020, sang 2021 giảm gần 30% và tăng hơn 60% năm 2022.
Carlsberg là một trong những công ty đa quốc gia Đan Mạch đầu tiên vào Việt Nam và đầu tư lần đầu vào năm 1993. Carlsberg có một nhà máy tại Việt Nam được đặt tại Huế với công suất đạt đến 360 triệu lít/năm. Các sản phẩm của Carlsberg Việt Nam: Carlsberg, 1664 Blanc, Huda.
Thương hiệu có doanh thu thuần tăng trưởng qua các năm. Năm 2020 đạt khoảng 3.000 nghìn tỷ, tăng hơn 5% năm 2021 và sang 2022 tăng gần 40%. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế có chiều hướng ngược lại. Cụ thể giảm gần 8% năm 2021 và giảm mạnh hơn 60% trong năm kế tiếp và đạt khoảng 90 tỷ.
Bất cập trong chính sách thuế
Khó khăn bủa vây tứ bề, song các doanh nghiệp ngành bia lại đang lo ngại làn sóng tiếp theo đó là thuế tiêu thụ đặc biệt. Vừa qua, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã chỉ ra những bất cập lớn của việc xác định thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương pháp hỗn hợp và cách tính này không đảm bảo công bằng với mọi doanh nghiệp.
Hiện mức thuế tiêu thụ đặc biệt với bia là 65%, rượu 35 - 65% tùy độ cồn dưới hay trên 20 độ. Cơ quan soạn thảo dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) cho rằng việc tiêu thụ, sử dụng các mặt hàng nhất là rượu, bia tăng nhanh nên cần tăng thuế để kiểm soát. Nhiều doanh nghiệp trong ngành đều nhất trí lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt khi điều kiện kinh tế - xã hội cho phép theo từng giai đoạn nhưng phải đảm bảo nguyên tắc công bằng cho tất cả doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp ngành bia lo ngại về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt
Theo VAFI, với cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt bằng phương pháp hỗn hợp, các doanh nghiệp không thắc mắc phần tính thuế theo tỷ lệ % vì nó đảm bảo công bằng với mọi doanh nghiệp. Tuy nhiên, họ không thể chấp nhận mức thuế tuyệt đối được tính như nhau trên một đơn vị sản phẩm tiêu thụ dù bia có giá trị cao hay thấp, khiến cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ nhanh chóng phá sản vì phải chịu mức thuế tuyệt đối quá cao so với giá bán.
Do mức thuế tuyệt đối được áp dụng như nhau trên một đơn vị sản phẩm tiêu thụ, nên dù giá sản phẩm chênh lệch giữa các hãng thì công ty sản xuất bia cao cấp và cận cao cấp, doanh nghiệp đầu ngành thống lĩnh thị trường có thể hưởng lợi từ cơ chế này. Trong khi đó, công ty sản xuất bia vừa và nhỏ, đa phần là các doanh nghiệp Việt lại ít lợi thế cạnh tranh hơn, sẽ gặp khó khăn lớn nếu chính sách tính thuế tiêu thụ đặc biệt thay đổi sang phương pháp hỗn hợp.
Giải pháp
Một số đại lý bia cho biết thị trường bia năm nay đặc biệt chậm lại cả ở phân khúc bán buôn và bán lẻ, sức mua rất yếu so với cùng kỳ năm 2022. Các bên liên tục tổ chức các hoạt động khuyến mãi, quảng cáo, cũng như đầu tư hướng đến mục tiêu kép nâng cao hiệu suất vận hành và tối ưu hoá các chi phí “route-to-market”.
Nhiều doanh nghiệp ngành bia tổ chức các chương trình khuyến mãi, giảm giá phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp tới
Theo thông báo, Sabeco thực hiện giai đoạn 2 của quá trình chuyển đổi, tập trung vào 6 trụ cột chiến lược. Công ty đầu tư nâng công suất nhà máy Bia Sài Gòn Quảng Ngãi lên 250 triệu lít/năm, triển khai dự án tổng thể kho bãi – điều vận có tổng diện tích 31.000m2, sức chứa 30.000 pallet nhằm đảm bảo tối ưu hóa việc bảo quản và lưu trữ hàng hóa và cung ứng. Tháng 10 vừa qua, Sabeco đã thực hiện tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, xấp xỉ 12.826 tỷ đồng.
Còn Heineken, công ty cũng vừa đề xuất bổ sung thêm 500 triệu USD trong số tiền đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam. Hiện, nhà sản xuất bia Hà Lan này đang vận hành 6 nhà máy tại Việt Nam.