Nhập viện vì ngộ độc rượu
Ngày 22/7 vừa qua, 3 người phụ nữ ở Cà Mau được chưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau trong tình trạng rất nặng mê man, mạch và huyết áp bằng không sau 2 ngày nhậu liên tiếp. Nguyên nhân ban đầu được cho là nghi ngộ độc methanol - cồn công nghiệp.
Tại TP.HCM, các cơ sở y tế cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân trong tình trạng ngộ độc methanol tương tự. Ngày 13/7, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cũng tiếp nhận một trường hợp bị ngộ độc methanol rất nặng. Bệnh nhân là người đàn ông 52 tuổi. Được biết, khoảng 1 giờ sau thì cơ thể có cảm giác khô, nóng rát cổ họng, nhức đầu, mắt tối sầm và ngất xỉu ngoài đường. Bệnh nhân được người dân đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Ngay lập tức bệnh nhân được thực hiện các xét nghiệm kiểm tra và xử trí sớm theo phác đồ điều trị ngộ độc methanol bằng phương pháp sử dụng chất đối kháng đặc hiệu là ethanol loại bỏ độc chất ra khỏi cơ thể. Nhờ xử trí kịp thời, người bệnh đã qua cơn nguy kịch.
Trước đó không lâu, một nam bệnh nhân 56 tuổi ở TP.HCM cũng ngộ độc rượu, đã ngủ li bì 2 ngày trước khi được cấp cứu trong tình trạng nhìn mờ, nặng ngực. Tại cơ sở y tế tiếp nhận ban đầu, bệnh nhân được chẩn đoán là nhồi máu cơ tim và chuyển viện trong tình trạng rối loạn nhịp tim, mạch nhanh, huyết áp khó đo, phải đặt nội khí quản. Sau khi xét nghiệm mới phát hiện nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là ngộ độc methanol, theo Người lao động.
Ảnh minh họa.
Biểu hiện ngộ độc methanol
Theo BS CKII Đặng Ngọc Kim Thanh, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), ngộ độc methanol trong rượu do chất chuyển hóa của methanol là axit formic, gây rối loạn chuyển hóa và tổn thương nhiều cơ quan. Nạn nhân có triệu chứng nôn ói, nhức đầu, lơ mơ dần rồi hôn mê.
"Bệnh nhân thường nhập viện vào giờ thứ 24 đến 48 sau khi uống rượu. Trong 12 giờ đầu, bệnh nhân chỉ ói mửa, nhức đầu, dễ nhầm với say rượu", BS Kim Thanh trao đổi với Vietnamnet.
Theo BS Hoàng Tiến Nam - Khoa Hồi sức tích cực Chống độc, Bệnh viện Gia Định (TP.HCM) , người bệnh ngộ độc Methanol nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời sẽ đối diện với nguy cơ suy đa cơ quan, ngưng tim dẫn đến tử vong. Nếu qua nguy kịch thì cũng để lại các biến chứng nặng nề về thị giác.
Methanol là loại cồn được sử dụng trong công nghiệp làm sơn, dung môi, chất này rất độc với cơ thể và hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm như ethanol. Ngộ độc rượu từ ethanol thường nhẹ hơn, chỉ có các triệu chứng như say rượu nhưng ngộ độc rượu do methanol thì thường nặng hơn do bị pha cồn công nghiệp vào đồ uống.
Theo BS Khâu Minh Tuấn - Khoa Cấp cứu tổng hợp Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), sau khi uống rượu pha methanol, các triệu chứng nhiễm độc thường xuất hiện trong vòng 30 phút nhưng có thể muộn hơn, tùy lượng uống vào. Thường có 2 giai đoạn ngộ độc: Giai đoạn kín đáo (từ vài giờ đến 30 giờ đầu) và giai đoạn ngộ độc rõ tiếp theo.
Rượu methanol ngoài tác động gây độc, ức chế hệ thần kinh, khi phân hủy còn sinh ra formaldehyde, có thể hủy hoại thần kinh mắt, gây mù. Chưa hết, rượu methanol khi phân hủy còn tạo ra axít formic, formate gây toan chuyển hóa, giảm oxy trong máu và các rối loạn khác. Điều này làm cho bệnh nhân nhanh chóng hôn mê, dẫn tới tử vong.
Biểu hiện ngộ độc ở giai đoạn nặng thường gặp gồm: thần kinh (giai đoạn đầu tỉnh táo nhưng rất đau đầu, chóng mặt, sau đó có biểu hiện bồn chồn, hưng cảm rồi dần ngủ lịm, lẫn lộn, hôn mê, co giật); mắt (lúc đầu bình thường, sau nhìn mờ, nhìn đôi, cảm giác có mây che trước mắt, sợ ánh sáng, đau mắt, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị); tiêu hóa (đau bụng, nôn, tiêu chảy); hô hấp (thở nhanh, sâu rồi dần thở yếu, ngừng thở); tim mạch (giãn mạch, tụt huyết áp, suy tim); có thể đau lưng, cứng gáy, cứng cơ, da lạnh, vã mồ hôi. Khi phát hiện các triệu chứng ngộ độc như trên, phải nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí và điều trị.
Các chuyên gia khuyến cáo để tránh ngộ độc, nguy hiểm tính mạng, người dân tuyệt đối không mua bán, sử dụng các loại rượu không có nguồn gốc xuất xứ, chưa được cấp phép lưu hành.
Linh Chi (T/h)