Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nhật Bản xả nước thải hạt nhân: Phản ứng gay gắt từ chính người dân và các nước láng giềng

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Ngư dân xung quanh Fukushima lo lắng rằng việc xả nước thải có thể gây ảnh hưởng đối với hình ảnh của địa phương và gây tổn hại cho hoạt động kinh doanh, sinh kế của họ.

Như đã đưa tin, ngày 24/8, Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của Nhật Bản đã bắt đầu xả lô nước phóng xạ đã qua xử lý đầu tiên ra Thái Bình Dương. Đây là một bước đi gây tranh cãi khiến các nước láng giềng lo ngại.

Nhiều người dân trong và ngoài nước đã phản đối quyết định trên. Các ngư dân tại Nhật Bản lo ngại điều này sẽ làm tổn hại thêm danh tiếng hải sản của họ. Trong khi đó, nhiều người dân tại Trung Quốc và Hàn Quốc quan ngại về mức độ an toàn khi nước thải được xả ra biển, khiến điều này trở thành một vấn đề chính trị, ngoại giao.

Thảm họa năm 2011 khiến ba lò phản ứng nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị phá hủy, rò rỉ phóng xạ ra ngoài môi trường. Ảnh: Getty

Nỗi trăn trở của người dân Nhật Bản 

“Không có đại dương trong lành, tôi không thể kiếm sống được”, ông Yukinaga Suzuki (70 tuổi) – một chủ quán trọ trên bãi biển Usuiso ở Iwaki, cách nhà máy Fukushima khoảng 30 dặm về phía Nam, cho biết.

Mặc dù các quan chức nói rằng tác động sẽ không đáng kể, song mọi người không thể biết được chính xác mức độ thiệt hại đối với nền kinh tế địa phương sẽ như thế nào. Người dân cho biết họ cảm thấy “shikataganai” – nghĩa là bất lực.

“Nếu bạn hỏi tôi nghĩ gì về việc xả nước thải, tôi sẽ phản đối. Song tôi không thể làm gì để ngăn chặn vì chính phủ đã xây dựng kế hoạch và thực hiện bằng mọi cách”, ông Suzuki nói. “Việc xả nước thải khi người dân đang bơi trên biển là hoàn toàn không phù hợp, ngay cả khi không gây hại gì”.

Ông cho Suzuki biết bãi biển nằm trên đường dẫn nước đã qua xử lý, di chuyển về phía Nam theo dòng hải lưu Oyashio từ ngoài khơi bờ biển Fukushima Daiichi. Đó là nơi dòng hải lưu Oyashio lạnh giá gặp dòng Kuroshio ấm áp ở hướng Bắc, khiến nơi đây trở thành ngư trường giàu có.

Chính phủ và Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đã phải vật lộn để quản lý lượng nước bị ô nhiễm khổng lồ tích tụ kể từ thảm họa hạt nhân năm 2011 và đã công bố kế hoạch xả nước thải đã qua xử lý ra biển vào mùa hè năm 2023.

Quá trình xả thải được Nhật Bản thực hiện một cách chậm rãi, ước tính sẽ mất nhiều thập kỷ để có thể thải hết được lượng nước thải trong các thùng chứa tại nhà máy điện Fukushima.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã bình duyệt kế hoạch xả thải này của Nhật Bản vào tháng 7. Tổ chức này tin rằng, nó phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn quốc tế, đồng thời họ cũng có kế hoạch tiến hành giám sát độc lập để đảm bảo việc xả thải được thực hiện đúng quy trình.

Ông Suzuki nằm trong số những người không hoàn toàn bị thuyết phục bởi các kết quả kiểm tra. “Chúng tôi không biết liệu nó có thật sự an toàn hay không. Chúng ta chỉ có thể kết luận sau này thôi”, ông nói.

Trước khi thảm họa sóng thần xảy ra, khu vực Usuiso từng có hơn chục nhà trọ do các gia đình quản lý. Giờ đây, ông Suzuki là người duy nhất còn kinh doanh sau khi sống sót sau trận sóng thần. Ông đứng đầu một ủy ban an toàn khu vực và điều hành dãy trọ ven biển duy nhất ở đó.

"Tôi phục vụ cá tươi địa phương cho khách của mình và ngôi nhà trên bãi biển là nơi để du khách nghỉ ngơi và thư giãn. Đại dương là nguồn sinh kế của tôi”, ông Suzuki cho biết.

Món cá được chế biến tại một cửa hàng. Ảnh: AP

Ngư dân tại các thị trấn ven biển gần nhà máy Fukushima cũng lo ngại ngành đánh bắt cá địa phương phải đứng trước bờ vực sụp đổ.  Haruko- một bà mẹ ba con sống tại thị trấn ven biển Shinchi ở tỉnh Fukushima chia sẻ: “Nhiều người kháo nhau không mua hải sản Fukushima nữa, họ không muốn cho con cái ăn. Nếu mọi người ngừng mua, tôi sẽ mất việc”.

Người dân lo sợ niềm tin vừa mới nhen nhóm của khách hàng sẽ không thể khôi phục hoàn toàn ngay cả khi nguồn nước và cá Fukushima được đánh giá an toàn. “Những đảm bảo của chính phủ không thể bảo vệ sinh kế của tôi, cũng như không thuyết phục được người tiêu dùng rằng hải sản đánh bắt từ vùng này không có vấn đề gì”, ông Haruo Ono, 71 tuổi, đã đánh cá ở Fukushima từ năm 15 tuổi, cho biết.

Cộng đồng ngư dân, ngành du lịch và nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề của Fukushima vẫn đang trong quá trình phục hồi. Sản lượng đánh bắt địa phương của Fukushima ngày nay vẫn chỉ bằng khoảng 1/5 mức trước thảm họa, do số lượng đánh bắt giảm và quy mô đánh bắt nhỏ hơn.

Chính phủ đã phân bổ 573 triệu USD để hỗ trợ hoạt động chế biến hải sản và nghề đánh bắt cá, cũng như chống lại những thiệt hại về danh tiếng có thể xảy ra do việc xả nước thải.

Phát biểu trong một sự kiện trực tuyến gần đây, Giám đốc điều hành hợp tác xã nghề cá địa phương Takayuki Yanai nói rằng việc buộc xả nước mà không có sự ủng hộ của công chúng chỉ gây ra thiệt hại về danh tiếng và làm tổn hại đến nghề cá ở Fukushima. “Chúng tôi không cần thêm gánh nặng cho quá trình phục hồi của mình”, ông Yanai nói.

Ngư dân Haruo Ono tại cảng Tsurushihama, thị trấn Shinchi, tỉnh Fukushima. Ảnh: Getty

Nhà máy Fukushima Daiichi hứng chịu thảm họa kép động đất, sóng thần năm 2011, khiến ba lõi phản ứng tan chảy. Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đã phải sử dụng 1,34 triệu tấn nước để làm mát lò phản ứng, rồi chứa chúng trong khoảng 1.000 bể thép trong khuôn viên nhà máy.

Nhà máy hiện đã hết chỗ chứa, buộc Nhật Bản từ ngày 24/8 phải xả từ từ số nước thải chứa chất phóng xạ đã qua xử lý ra Thái Bình Dương. TEPCO và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) khẳng định nước thải từ nhà máy Fukushima an toàn sau khi được xử lý và pha loãng triệt để.

Trong khi đó, anh Katsumasa Okawa, người điều hành một doanh nghiệp kinh doanh hải sản ở Iwaki, cho biết những bể chứa nước bị ô nhiễm khiến ông khó chịu hơn cả việc xả nước đã qua xử lý.

“Một vụ rò rỉ mới là một đòn tấn công cuối cùng… Nó sẽ gây ra thiệt hại thực sự chứ không phải danh tiếng bị mất. Tôi nghĩ việc xả nước đã qua xử lý là điều khó tránh khỏi”, anh Okawa nói.

Ông Shozugawa, người thường xuyên đo độ phóng xạ của các mẫu nước ngầm, cá và thực vật gần nhà máy Fukushima Daiichi kể từ sau thảm họa, cũng cho biết công việc lấy mẫu trong 12 năm của ông cho thấy một lượng nhỏ chất phóng xạ từ Fukushima Daiichi đã liên tục rò rỉ vào nước ngầm và cảng tại nhà máy. Theo ông, tác tác động tiềm tàng của nó đối với hệ sinh thái đòi hỏi sự quan tâm chặt chẽ hơn so với việc giải phóng nước đã qua xử lý có kiểm soát.

Phản ứng của các nước láng giềng 

Về phía các quốc gia láng giềng, trước quyết định xả nước thải của Nhật Bản, cơ quan Hải quan Trung Quốc đã cấm nhập khẩu toàn bộ hải sản từ Nhật Bản. Các nhà chức trách cho biết họ sẽ “năng động điều chỉnh các biện pháp quản lý liên quan cho phù hợp để ngăn chặn các nguy cơ về sức khỏe và an toàn thực phẩm”.

Bộ trưởng Nông nghiệp Nhật Bản Tetsuro Nomura cũng thừa nhận việc mặt hàng thủy sản xuất khẩu từ Nhật Bản đã bị hải quan Trung Quốc đình chỉ và Tokyo đang thúc giục Bắc Kinh tôn trọng khoa học.

Một quầy hàng tại chợ cá ở Bắc Kinh, ngày 24/8. Ảnh: Getty

Tại Hong Kong (Trung Quốc), trưa 24/8, nhiều người đã đổ xô đến các nhà hàng đồ Nhật để thưởng thức "bữa sushi an toàn cuối cùng".

Cô Vivian Li cho hay sẽ ngừng ăn các sản phẩm thủy hải sản Nhật Bản kể từ ngày 25/8. Đồ Nhật là món ưa thích của Li, song cô nói "phải ra quyết định này vì lo ngại sức khỏe và làm gương cho các con".

Liên đoàn Nhà hàng và Thương mại Hong Kong cho hay, quyết định xả thải đã giáng đòn mạnh vào các nhà hàng đồ Nhật trong khu vực, vốn đang gặp nhiều khủng hoảng.

Tình trạng trên cũng xảy ra tại Hàn Quốc, khi nhiều người tuyên bố sẽ ngừng ăn hải sản, cho rằng kế hoạch xả thải của Nhật Bản "không thể chấp nhận được, bởi quá đơn phương và không có biện pháp đối phó rủi ro".

Khảo sát từ giới chức Hàn Quốc cho thấy 80% người được hỏi phản đối kế hoạch xả nước, hơn 60% người nói sẽ ngừng ăn hải sản sau khi Nhật mở van. 16 sinh viên Hàn đã bị bắt vì tìm cách đột nhập sứ quán Nhật trong một cuộc biểu tình phản đối kế hoạch xả thải.

Nhóm sinh viên Hàn Quốc đụng độ cảnh sát trong cuộc biểu tình trước đại sứ quán Nhật Bản ở trung tâm thủ đô Seoul ngày 24/8. Ảnh: Yonhap

Các doanh nghiệp trong ngành thủy sản Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng. Tại một chợ hải sản ở Đông Nam Busan, anh Kim Hae-cheol cho biết doanh thu giảm 1/2 kể từ tháng trước. Anh lo rằng tình hình sẽ xấu đi sau khi Nhật bắt đầu xả thải.

"Hôm nay không có khách nào cả. Những năm qua, tôi bán được khoảng 400-500.000 won (300-380 USD) mỗi sáng trong những ngày thường", anh Kim nói. "Những quầy khác cũng chung cảnh vắng khách".

Anh Kim tin vào đánh giá an toàn của Tokyo và IAEA, song cho rằng việc kinh doanh bị ảnh hưởng do "căng thẳng chính trị và truyền thông thổi phồng", khiến nhiều người thiếu thông tin xác thực về mức độ an toàn của nước thải.

Philippines, quốc gia nhận tàu bảo vệ bờ biển và các viện trợ khác từ Nhật Bản, cũng nhấn mạnh rằng họ đang xem xét các vấn đề từ góc độ khoa học và các kết luận của IAEA.

Bộ Ngoại giao Philippines cho biết trong một tuyên bố: “Là một quốc gia ven biển và quần đảo, Philippines dành ưu tiên cao nhất cho việc bảo vệ và giữ gìn môi trường biển”.

Nước thải phóng xả được chứa trong các bể chứa tại Fukushima. Ảnh: Getty

Nhật Bản giữ vững lập trường

Ông Tomohiko Mayuzumi, quan chức của TEPCO nói với Associated Press trong chuyến thăm nhà máy: “Kế hoạch của chúng tôi khoa học và an toàn. Điều quan trọng nhất là phải truyền đạt điều đó một cách chắc chắn và giúp mọi người hiều được điều đó”.

“Sự hiểu biết của công chúng còn thiếu vì mất lòng tin vào chính phủ và TEPCO. Cảm giác an toàn chỉ đến từ sự tin tưởng", ông Mayuzumi nói thêm. 

Nhật Bản đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế về tính minh bạch và độ tin cậy. Báo cáo cuối cùng của IAEA, được công bố trong tháng này, được trao trực tiếp cho Thủ tướng Fumio Kishida, kết luận rằng phương pháp trong kế hoạch xả thải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và tác động đến môi trường cũng như sức khỏe là không đáng kể.

Chính phủ nước này cho biết, các nhà khoa học sẽ đưa mức tritium xuống dưới mọi giới hạn an toàn và dưới mức do một số nhà máy hạt nhân đang hoạt động thải ra. Sau đó họ lấy nước pha loãng nó cho đi qua một đường hầm dưới đáy biển đến một điểm ngoài khơi bờ biển Fukushima ở Thái Bình Dương, điều này giúp nước thải loãng tritium hơn.

Cụ thể, Nhật Bản đưa ra kế hoạch pha loãng,  giảm mức độ phóng xạ xuống dưới 1.500 becquerels mỗi lít (Bq/L), thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn của quốc gia là 60.000 Bq/L.

Nhân viên TEPCO lấy mẫu nước trong quá trình xả thải. Ảnh: Sputnik

Nhưng không phải ai cũng đồng tình rằng xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý là phương án tốt nhất.

Nhà khoa học Ken Buesseler, Viện Hải dương học Woods Hole (Mỹ)  không lo lắng việc nước thải sẽ đe dọa hệ sinh thái khắp Thái Bình Dương, nhưng các chất ô nhiễm khác không phải là tritium có thể bị hệ thống ALPS bỏ sót, tích tụ gần bờ theo thời gian.

"Các vùng gần bờ của Nhật Bản có thể bị ảnh hưởng về lâu dài do sự tích tụ các dạng phóng xạ phi triti. Điều này cuối cùng có thể gây tổn hại cho nghề cá trong khu vực, vốn là nguồn thu nhập chính của nhiều người dân nước này", ông Buesseler cảnh báo.

Cũng theo nhà khoa học, nếu thế giới tin tưởng kế hoạch này của Nhật Bản, nó có thể là "kim chỉ nam" gửi tới các quốc gia khác sẽ học theo cách xử lý chất thải hạt nhân trên biển.

Mộc Miên (Theo Milwaukee Independent, The Guardian)

Tin nổi bật