Ngày 13/3 (giờ địa phương), các nhà nghiên cứu cho biết, nhập khẩu vũ khí vào châu Âu tăng gần gấp đôi trong năm 2022, phần lớn do các chuyến hàng lớn đến Ukraine.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết, với mức tăng 93% so với năm trước, nhập khẩu cũng tăng do chi tiêu quân sự tăng của các quốc gia châu Âu bao gồm Ba Lan và Na Uy. Tỷ lệ nhập khẩu dự kiến sẽ tăng cao hơn nữa.
Pieter Wezeman, một nhà nghiên cứu cấp cao tại SIPRI, chia sẻ với AFP: "Chiến dịch quân sự tại Ukraine đã thực sự gây ra sự gia tăng đáng kể về nhu cầu vũ khí ở châu Âu, điều này sẽ có tác động nhiều hơn nữa và rất có thể sẽ dẫn đến việc các quốc gia châu Âu tăng cường nhập khẩu vũ khí".
Vào năm 2022, Ukraine nhanh chóng trở thành điểm đến vũ khí lớn thứ ba trên thế giới, sau Qatar và Ấn Độ, khi các quốc gia phương Tây chuyển giao vũ khí sau cuộc tấn công của Nga.
Theo dữ liệu của SIPRI, chỉ riêng Ukraine đã chiếm 31% lượng vũ khí chuyển giao cho châu Âu và 8% tổng lượng vũ khí chuyển giao trên toàn thế giới.
Nhập khẩu của Ukraine, bao gồm cả viện trợ từ các quốc gia khác, đã tăng hơn 60 lần vào năm 2022. Việc giao hàng cho Ukraine chủ yếu là vũ khí lấy từ kho dự trữ.
Trong số vũ khí này có khoảng 230 quả pháo của Mỹ, 280 xe bọc thép của Ba Lan và hơn 7.000 tên lửa chống tăng của Anh, cũng như nhiều thiết bị mới được sản xuất như hệ thống phòng không, SIPRI cho biết.
Thực tế, việc đẩy mạnh nhập khẩu vũ khí đã là một xu thế ở châu Âu từ trước, khi các quốc gia bắt đầu tái vũ trang, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Nga sau vụ Moskva sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014.
Bích Thảo