(ĐSPL) - Vụ phá rừng "khủng" liên quan đến 7 cán bộ kiểm lâm và bảo vệ rừng đã được Đà Nẵng đưa ra xét xử.
Ngày 28/6, TAND huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng mở phiên sơ thẩm xét xử 19 bị cáo trong đường dây hối lộ để phá rừng lớn nhất Đà Nẵng.
Các bị cáo Vũ Văn Tam (Tam Lợi, 48 tuổi, ngụ thôn Láy, xã Tư, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam), Đỗ Văn Lưu (49 tuổi), Đinh Văn Thuấn (35 tuổi), Nguyễn Văn Học (45 tuổi, cùng ngụ xóm 7B), Nguyễn Văn Vụ (34 tuổi), Phạm Văn Chính (40 tuổi, cùng ngụ xóm 13, cùng xã Lai Thành, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), Vũ Văn Quý (37 tuổi), Vũ Văn Pháp (35 tuổi, cùng ngụ xóm 4, xã Nga Thái, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa), Phạm Đình Lợi (51 tuổi, ngụ thôn Túy Loan Đông 2, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng), Kiều Ngọc Trung (36 tuổi, ngụ thôn Ban Mai), Sầm Tô Binh (28 tuổi, ngụ thôn Hai, cùng xã Ba, huyện Đông Giang, Quảng Nam), Kiều Ngọc Quý (61 tuổi, ngụ thôn 3, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) bị truy tố tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng. Riêng Tam bị truy tố thêm tội đưa hối lộ.
5 lãnh đạo, nhân viên Trạm bảo vệ rừng Cà Nhông và 2 công chức kiểm lâm bị truy tố tội nhận hối lộ gồm: Trạm trưởng Phạm Phú Cường (49 tuổi, ngụ thôn Phú Trung, xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), trạm phó Hồ Tấn Hai (54 tuổi, ngụ thôn Cồn Mong, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng), trạm phó Thủy Ngọc Trọng (34 tuổi, ngụ tổ 4, thôn Ngọc Sơn Tây, xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, Quảng Nam), nhân viên Nguyễn Văn Ấn (31 tuổi, ngụ thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng), kỹ sư lâm nghiệp Lý Thanh Tùng (32 tuổi, ngụ thôn 1, xã Quế Long, huyện Quế Sơn, Quảng Nam), kiểm lâm Nguyễn Văn Nhung (53 tuổi, ngụ thôn Cẩm Toại Trung, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng), kiểm lâm Đinh Ngọc Bán (50 tuổi, ngụ tổ 27, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) - tin tức đăng tải trên báo Lao động.
Các đối tượng phá rừng tại tòa - Ảnh: báo Lao động |
Theo cáo trạng báo Dân Việt đã đưa, cuối năm 2012, biết được tại khu vực rừng Cà Nhông (do Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa quản lý) có nhiều gỗ kiền kiền nên Tam nảy sinh ý định thuê người vào rừng Cà Nhông khai thác gỗ trái phép. Do quen biết với Lưu và Quý từ trước nên Tam liên hệ với 2 người này thuê thêm Vụ, Thuấn, Chính, Pháp, Học trực tiếp chặt 104 cây gỗ kiền kiền với khối lượng hơn 100m3.
Sau đó, Tam liên hệ bán số gỗ khai thác trái phép này cho Phạm Đinh Lợi. Lợi thuê Trung, Quý và Binh vào rừng vận chuyển số gỗ trên cho mình.
Để đưa người vào rừng Cà Nhông khai thác gỗ trái phép, Tam đã gặp Phạm Phú Cường để trao đổi và mỗi xe gỗ đưa ra khỏi rừng, Tam trích 5 triệu đồng để "bồi dưỡng" cho trạm và kiểm lâm. Khi nghe Cường về nói lại về việc thương lượng như vậy với Tam, cả trạm đồng ý, không ai nói gì.
Theo điều tra, từ tháng 10/2013 đến tháng 4/2014, tổng số tiền mà Tam đưa cho 2 cán bộ và 5 cán bộ bảo vệ rừng tại trạm là hơn 30 triệu đồng. Số tiền này được 7 bị cáo trên chia nhau tiêu xài.
Như Dân Việt đã đưa tin: Ngày 6/10/2014, cán bộ kiểm lâm của Trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông (trực thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa; đóng tại xã Tư, huyện Đông Giang) đã phát hiện 2 bãi cất giấu gỗ trái phép trong lâm phận quản lý. Số gỗ trái phép được tập kết tại 2 điểm với 66 phách gỗ xẻ, gồm gỗ gõ và gỗ kiền kiền. Toàn bộ số gỗ trên đều không có dấu búa kiểm lâm, chưa xác định được chủ sở hữu.
Mở rộng điều tra, trong 2 ngày 11 và 12/10/2014, kiểm tra rừng Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa tiếp tục phát hiện thêm 9 điểm cất giấu gỗ trái phép với khoảng 10m3 gỗ phách nằm ở địa phận Đà Nẵng và 9m3gỗ phách nằm ở địa phận Quảng Nam.
Dự kiến, phiên tòa xét xử các bị cáo trên sẽ diễn ra trong 3 ngày.