Sau hơn 2 tháng nhận nuôi một đứa bé bị bỏ rơi ven đường, những tưởng cuộc sống của vị nữ Chủ tịch phường ở tỉnh Cà Mau sẽ thêm niềm vui nhưng bất ngờ bố mẹ bé quay lại xin... nhận lại con. Khi sự việc giải quyết không được, nhóm người được cho là máu mủ của bé đã gửi đơn lên chính quyền nhờ can thiệp, đẩy vị nữ Chủ tịch rơi vào tình cảnh éo le.
Nhẫn tâm bỏ rơi con vào những ngày mưa, bão
Trước đó, vào ngày 1/1, trong không khí lạnh do ảnh hưởng cơn bão số 1 – Pebuk, người dân ở khóm 5 (phường 9, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau) phát hiện một bé gái khoảng 5 ngày tuổi, còn nguyên dây rốn, nặng 2,8kg nằm trong túi xách được kéo để hở một phần đặt trên ghế đá trước cửa nhà dân. Lúc đó, cháu bé mặc đầy đủ quần áo, đầu đội nón giữ ấm, tay mang vớ. Nghi bé bị người thân bỏ rơi, người dân đã báo chính quyền địa phương.
Hình ảnh bé gái bị bỏ rơi trong cơn bão số 1 – Pebuk. |
“Tôi là người đầu tiên đến gặp bé khi được người dân báo tin. Tôi trực tiếp đưa bé đến trạm y tế để chăm sóc sức khỏe, đưa về nhà chăm sóc nên đây là cái duyên của tôi với bé. Ngoài việc cơ quan, tôi không vướng bận việc gì nên đủ điều kiện nuôi dưỡng bé”, bà Hồ Huỳnh Như, Chủ tịch UBND phường 9 (TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau) chia sẻ.
Theo bà Như, sau khi phường có thông báo tìm cha, mẹ ruột cho một cháu bé bị bỏ rơi trên địa bàn thì có hơn 100 người đã đến bày tỏ nguyện vọng muốn nhận nuôi.
“Thấy cháu bé cưng quá nên một số người tới phường, một số thông qua điện thoại, có người còn trực tiếp đến tận nhà để liên hệ tôi xin nhận nuôi dưỡng cháu”, bà Như thông tin.
Tuy nhiên, UBND phường đã không nhận lời bất kỳ người dân nào do chưa hết thời hạn thông báo tìm cha, mẹ đẻ cho trẻ bị bỏ rơi. Bởi theo quy định, sau 7 ngày thông báo, nếu cha, mẹ ruột không đến nhận thì phường sẽ làm thủ tục cho người nhận nuôi dưỡng cháu bé.
Cũng theo bà Như, gia đình bà có 3 con đã trưởng thành và bản thân nữ Chủ tịch đã có 3 cháu nội, ngoại. Do đó, bà Như muốn nhận bé bị bỏ rơi này làm con nuôi nên đã làm thủ tục xin nhận con nuôi và đã được sở Tư pháp tỉnh Cà Mau hoàn tất đúng quy định.
Bé gái trông rất kháu khỉnh, đáng yêu. |
“Hiện, sức khỏe cháu bé rất tốt. Cân nặng cháu bé được hơn 5kg. Tôi đặt tên cháu là Hồ Thiên Mỹ”, bà Như nói.
Sẽ giao bé nếu đầy đủ thủ tục pháp lý
Thế nhưng, bất ngờ vào ngày 26/2, có một nhóm người xưng là cha mẹ, ông bà nội của bé gái đến gặp bà Như “van xin” cho nhận lại bé gái vì đó là máu mủ của mình. Tuy nhiên, bà Như không đồng ý. Nhóm người này đã phát đơn đến UBND phường và lãnh đạo TP. Cà Mau nhờ can thiệp khẩn cấp để bà Như giao con lại cho mình.
Theo lời trình bày của ông Thông (người nhận là ông nội cháu bé), N. (con ruột ông Thông) và K. (con dâu) sống như vợ chồng từ nhiều năm qua nhưng chưa đăng ký kết hôn và chưa tổ chức đám cưới. Do thấy N. và K. chỉ ham chơi, không biết lo làm ăn, ỷ lại vào cha mẹ nên vợ ông Thông giận, đuổi ra khỏi nhà từ gần một năm qua.
“Có lần K. gọi báo cho vợ tôi là đã có thai 4 tháng với thằng N.. Do trước đó sống chung có vài lần K. làm vợ tôi mất lòng tin nên vợ tôi không tin mà còn la rầy thêm. Có lẽ từ đó mà khi sinh nở nó cũng không báo cho vợ chồng tôi biết”, ông Thông kể.
Trong quá trình chờ sinh tại bệnh viện Đa khoa TP.Cà Mau, K. và N. lại cãi vã. N. giận bỏ về nhà cha mẹ rồi lái xe đường dài chở hàng cho cha. N. không nói gì về việc K. đã sinh nở cho vợ chồng ông Thông biết. Đến ngày 26/2, ông tình cờ nghe được câu chuyện con dâu sinh con và đem bỏ đi, ông lập tức tìm hiểu thì phát hiện sự việc trên là thật. Ông gọi con trai về ngay trong đêm để cùng nhau đi tìm K..
Khi đó, K. và N. mới nói hết sự tình, rằng do N. ghen tuông và từng nghi ngờ cháu bé không phải con mình. Sự việc khiến K. giận nên... bỏ con. K. đã nhờ anh ruột mình chở đi bỏ con ở trước cửa một gia đình giàu có, ngồi rình cho đến khi thấy có người đến phát hiện và nhặt đứa bé thì mới bỏ về. Ông Thông và vợ đã buộc N. và K. đến gặp bà Chủ tịch phường nhận lỗi về việc bỏ con. Rồi cả nhà “van xin” hơn nửa tháng nhưng không thuyết phục được bà Chủ tịch phường chấp nhận giao trả.
“Cùng đường, chúng tôi mới gửi đơn đến cơ quan chức năng cầu cứu”, ông Thông nói.
Lý giải về việc chưa cho gia đình phía ông Thông nhận lại cháu, bà Hồ Huỳnh Như cho rằng, N. và K. dưới góc độ pháp lý chưa thành vợ chồng nên phía địa phương cũng rất băn khoăn về việc giao con. Mặt khác, bên ngoại cũng không có nhu cầu nhận lại nuôi và hiện bà cũng làm đầy đủ các giấy tờ cho cháu bé.
“Đứng dưới góc độ người mẹ, tôi luôn mong muốn mọi đều tốt đẹp đến với con cái. Chính vì vậy, tôi không thể nào giao con mà chưa đủ tính chất pháp lý, cũng như chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền”, bà Như bày tỏ.
Sự việc này khiến dư luận một lần nữa lại lên án người cha người mẹ đã nhẫn tâm bỏ rơi giọt máu của mình khi cuống rốn còn chưa kịp rụng. Cháu bé may mắn được người dân cứu sống và được nhận nuôi ở một gia đình đàng hoàng tử tế. Khó có thể trách được nữ Chủ tịch phường khi gia đình bé chưa chứng minh đó là máu mủ của họ. Mong rằng câu chuyện sớm kết thúc có hậu để quyền lợi cháu bé được đảm bảo đầy đủ nhất.
Bà Như chia sẻ thêm: “Tôi không hề tranh giành quyền nuôi con với bất kỳ ai. Tôi chỉ thực hiện quyền bảo vệ trẻ em và các quyền tiếp theo của một đứa trẻ đã bị bỏ rơi. Tôi cũng không suy nghĩ chuyện này đến mức dứt tình như thế. Tôi cũng có nói với bên kia cho ít thời gian ổn định tư tưởng, cũng như quá trình tìm hiểu nguồn gốc của trẻ. Nếu đứa trẻ đúng là con của họ, họ lo lắng cho bé tốt hơn thì tôi sẽ cho nhận lại...”. |
Việt Tâm
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 45