Ngày 26/10, mạng xã hội lan truyền câu chuyện người đàn ông tên Lu (39 tuổi, đến từ Chiết Giang, Trung Quốc) đã phải nhập viện sau khi cố gắng "trả đũa" một con cua.
Trước đó, hồi tháng 8, cả gia đình anh Lu có chuyến đi chơi ở gần suối. Khi chứng kiến cảnh con gái bị một con cua cỡ nhỏ lấy càng quắp vào thịt, ông bố đã tức giận và bỏ luôn loài giáp xác này vào miệng nhai.
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên sau 2 tháng, người đàn ông đã phải nhập viện viện ở thành phố Hàng Châu vì những cơn đau dữ dội ở lưng. Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy phần ngực, ổ bụng, gan và hệ thống tiêu hóa của anh Lu đều có vấn đề, nhưng các bác sĩ không thể xác định được nguyên nhân chính xác gây bệnh.
Cho tới khi, vợ anh Lu nhớ lại vụ việc chồng mình từng nuốt sống một con cua cách đó 2 tháng, và từ đây các bác sĩ đã tìm ra được nguyên nhân của những cơn đau.
"Chúng tôi liên tục hỏi anh ấy có nhớ đã ăn phải món gì gây dị ứng hay dễ đau bụng hay không và còn liệt kê ra. Anh ấy đều phủ nhận", bác sĩ Cao Qian, giám đốc khoa hệ tiêu hóa của bệnh viện Sir Run Run Shaw ở Hàng Châu, cho biết.
Sau khi vợ của anh Lu nhắc tới chuyện từng nuốt cua sống, anh Lu mới thừa nhận với các bác sĩ về chuyện từng ăn "thứ đặc biệt". "Khi được hỏi lý do tại sao, người đàn ông trả lời rằng muốn trả thù cho con gái", bác sĩ Cao nói.
Tại tỉnh Chiết Giang, người dân thường ngâm cua sống trong rượu để ăn. Tuy nhiên, các cơ quan y tế khuyến cáo không nên ăn cua hoặc các loại động vật có vỏ còn sống khác vì chúng có thể bị nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc mầm bệnh.
Theo Cơ quan An toàn Thực phẩm Mỹ, cua sống có thể chứa các mầm bệnh khác nhau, gồm vi khuẩn như Vibrio cholerae và Vibrio parahaemolyticus, ký sinh trùng (ví dụ Paragonimus westermani, còn gọi sán lá phổi).
Tùy thuộc vào từng mầm bệnh, người tiêu dùng có thể mắc các triệu chứng khác nhau sau khi ăn cua sống. Ví dụ, vi khuẩn Vibrio cholerae gây tiêu chảy nghiêm trọng, nôn mửa, có thể dẫn đến mất nước. Nếu điều trị chậm trễ, người bệnh có thể tử vong. Còn sán lá phổi di truyền trong cơ thể một thời gian, thường kết thúc ở phổi và gây bệnh phổi. Sán đôi khi di chuyển lên não, gây ra triệu chứng viêm màng não.
Sử dụng các nguyên liệu như rượu, dấm, xì dầu, tỏi, ớt để ướp cua không thể loại bỏ những vi sinh vật này. Nấu chín thức ăn là cách duy nhất giúp ngăn ngừa các bệnh do vi khuẩn gây ra.
Hồi năm 2020, một người phụ nữ ở Hàng Châu bị nhiễm sáu loại ký sinh trùng, tràn dịch phổi và suy hô hấp trong 6 tháng sau khi ăn 30 con cua sống. Người phụ nữ này giã cua sống rồi chan rượu gạo lên trước khi ăn, tin rằng đây là một bài thuốc dân gian có thể giúp xương chắc khỏe hơn.
Linh Chi (T/h)