Bức họa Mona Lisa của họa sĩ Leonardo Da Vinci là một trong những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhất trên thế giới, không chỉ vì vẻ đẹp mà còn bởi bí ẩn xoay quanh danh tính của người mẫu và địa điểm được vẽ phía sau cô.
Theo thông tin trên CNN, cây cầu phía sau nàng Mona Lisa là một chủ đề gây tranh cãi trong nhiều thế kỷ qua. Người dân ở làng Buriano thuộc vùng Tuscany (Italy) cho rằng đó chính là cây cầu Ponte Buriano và sử dụng nó như một nét đặc biệt chính trong chiến dịch quảng bá du lịch địa phương.
Tuy nhiên, mới đây, nhà sử học Silvano Vinceti cho biết cây cầu phía sau Mona Lisa thực chất là cây cầu Romito ở thị trấn Laterina gần đó.
“Hình dạng đặc biệt của sông Arno dọc theo dải đất đó tương ứng với những gì mà Leonardo vẽ ở phần phong cảnh bên trái người phụ nữ”, Vinceti chia sẻ trong cuộc họp báo tại Rome hôm 3/5 vừa qua.
Nhà sử học Silvano Vinceti cho rằng cây cầu phía sau Mona Lisa là cây cầu Romito ở thị trấn Laterina. Ảnh: UniversalImagesGroup/Getty Images
Đặc biệt, nhà sử học Vinceti đã làm một bản dựng ảo của cây cầu để so sánh những điểm tương đồng, dựa trên các tài liệu từ kho lưu trữ nhà nước tại Florence.
Bức họa Mona Lisa được vẽ vào đầu thế kỷ 16. Vinceti tìm hiểu được, trong khoảng thời gian từ năm 1501 - 1503, Leonardo sống cùng Công tước xứ Valentinois Cesare Borgia gần vùng Laterina.
Cây cầu Romito đã được sử dụng từ thời đó và có 4 nhịp, giống như mô tả trong bức tranh. Trong khi đó, cây cầu Ponte Buriano có 6 nhịp và Ponte Bobbio - một cây cầu ở Piacenza mà một số người cho rằng đã xuất hiện trong bức họa có nhiều hơn 6 nhịp.
Nối Arezzo, Fiesole và Florence, cây cầu Romito hiện đã trở thành đống đổ nát. Nhà sử học Vinceti chia sẻ, ông đã nghiên cứu các hình ảnh chụp bằng máy bay không người lái về bờ sông, tàn tích và ảnh chụp trong nhiều năm để xác định rằng Romito chính là cây cầu phía sau nàng Mona Lisa.
Tham dự buổi họp báo, Thị trưởng Laterina Simona Neri bày tỏ sự vui mừng về viễn cảnh cây cầu Romito sẽ thu hút khách du lịch đến với thị trấn có 3.500 người dân sinh sống.
Thị trưởng Simona Neri nói: “Chúng tôi thực sự hy vọng tin tức tuyệt vời này sẽ gây tò mò và hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Đây sẽ là cơ hội tốt để khởi động lại ngành du lịch ở khu vực của chúng tôi”.
"Chúng ta cần cố gắng bảo vệ những gì còn sót lại của cây cầu và việc này cần có kinh phí", bà nói thêm và lưu ý rằng có quỹ dành cho hầu hết các khu vực gắn liền với Leonardo Da Vinci và các bậc thầy khác.
Kiệt tác của Leonardo hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Louvre (Pháp), thu hút hàng triệu du khách đến chiêm ngưỡng mỗi năm. Các chuyên gia cho rằng, bức họa nổi tiếng toàn cầu do bị một người tên Vincenzo Peruggia đánh cắp khỏi phòng trưng bày vào năm 1911, thay vì bất cứ điểm đặc biệt nào về nghệ thuật.
Đinh Kim (Theo CNN)