Theo Sina, anh Quách, 35 tuổi, đã gặp bạn gái của mình trong một buổi xem mắt. Sau khi buổi xem mắt kết thúc, cả hai khá ưng ý về nhau nên quyết định hẹn hò, tìm hiểu. Gần đây, khi đã trải qua một năm bên nhau, anh Quách và bạn gái quyết định bước tới hôn nhân.
Bạn gái anh Quách cho biết, sính lễ nơi quê hương cô rơi vào khoảng 188.000 nhân dân tệ (khoảng 630 triệu đồng). Dù cảm thấy quá cao nhưng anh Quách và gia đình vẫn cố gắng lo liệu.
Tuy nhiên, khi đến sát ngày cưới, bạn gái anh Quách lại nói rằng, cô cần thêm 30.000 nhân dân tệ nữa (khoảng hơn 100 triệu đồng). Song, lần này, sự đòi hỏi của bạn gái đã quá sức chịu đựng của anh.
Anh cho biết, để có đủ tiền lo liệu đám cưới, anh đã phải vay mượn tiền của bạn bè. Thế nhưng, lần đòi hỏi này của bạn gái đã khiến anh mệt mỏi đến cùng cực.
Anh Quách dành 5 tháng để đến thăm 40 thành phố như: Sơn Tây, Thiểm Tây và Hà Nam, với tổng chi phí khoảng 30.000 nhân dân tệ (khoảng hơn 100 triệu đồng). Ảnh: Sina.
Không muốn mắc nợ thêm, anh Quách quyết định chia tay, lấy lại tiền và đi du lịch khắp nơi. "Đột nhiên cảm thấy quá mệt mỏi. Thế giới này rộng lớn như thế, tôi cũng muốn khám phá, mở mắt chiêm ngưỡng", anh Quách chia sẻ.
Anh Quách dành 5 tháng để đến thăm 40 thành phố như: Sơn Tây, Thiểm Tây và Hà Nam, với tổng chi phí khoảng 30.000 nhân dân tệ (khoảng hơn 100 triệu đồng). Anh Quách tâm sự rằng, ban đầu anh chỉ muốn ra ngoài thăm thú một chút nhưng công ty không cho anh nghỉ phép dài ngày nên anh quyết định xin nghỉ việc. Trong chuyến đi, anh Quách rất tiết kiệm, ở nhà trọ giá rẻ, đi xe bus và chỉ ăn bữa cơ bản.
Hiện tại, Quách đang ở Lhasa, vẫn di chuyển nhưng anh cho biết hành trình của mình có thể kết thúc bất cứ lúc nào và anh sẽ về nhà chăm sóc bố mẹ. Người đàn ông 35 tuổi cũng thổ lộ rằng, anh vẫn khao khát được kết hôn nhưng hi vọng đối phương đòi sính lễ không quá cao, dưới 100.000 nhân dân tệ (khoảng 340 triệu đồng).
Ngay sau khi câu chuyện được chia sẻ trên mạng xã hội, không ít người đã chỉ trích anh. Một cư dân mạng cho biết, "188.000 nhân dân tệ còn không có, phải đi vay, sau này kết hôn sống kiểu gì, không chỉ nuôi vợ còn nuôi con nữa"; "Sau khi đi chơi về xin được việc rồi hãy nói tiếp" một người khác nói.
Tuy nhiên, cũng có người đồng tình với quyết định của anh, "Không kết hôn là đúng, kết hôn rồi không có tiền khó sống hơn nhiều", một người khác cho biết.
Chính sách một con của Trung Quốc kết thúc vào năm 2016, chứng kiến một thế hệ có nhiều đàn ông hơn phụ nữ. Dân số nam của Trung Quốc vào năm 2022 là 722,06 triệu người, trong khi dân số nữ là 689,69 triệu người.
Bất chấp những nỗ lực gần đây của chính phủ Trung Quốc nhằm kiềm chế sính lễ, các cuộc hôn nhân tốn kém ở đất nước này không có dấu hiệu giảm. Ảnh minh họa.
Khi những đứa trẻ này đến tuổi kết hôn, giá cô dâu đã tăng lên đáng kể do sự chênh lệch giới tính trong dân số. Bất chấp những nỗ lực gần đây của chính phủ Trung Quốc nhằm kiềm chế sính lễ, các cuộc hôn nhân tốn kém ở đất nước này không có dấu hiệu giảm.
Những câu chuyện về giá cô dâu cao ngày càng phổ biến. Trước đó, một người đàn ông ở tỉnh Chiết Giang chi tới 9,98 triệu tệ tiền mặt (khoảng 33 tỷ đồng), cùng vàng và đồng hồ xa xỉ để làm sính lễ cưới vợ tương lai. Người đàn ông này gửi sính lễ đến nhà gái trên một chiếc xe tải bọc thép.
Hay vào tháng 3/2023, câu chuyện một thanh niên 27 tuổi ở Trung Quốc quyết định chia tay bạn gái sau khi từ chối đưa sính lễ 880.000 NDT (khoảng 2,9 tỷ đồng) cũng trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng mạng.
Như Quỳnh (T/h)