Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nguy hiểm từ thuốc diệt chuột giống kẹo: Chuột chưa chết, người đã tử vong

(DS&PL) -

Nhiều loại thuốc diệt chuột trông rất "bắt mắt" với thành phần độc hại nhưng vẫn được bán mà không được kiểm soát.

Nhiều loại thuốc diệt chuột trông rất "bắt mắt" với thành phần độc hại nhưng vẫn được bán mà không được kiểm soát.

Ghi nhận của phóng viên tại thị trường TP HCM, các loại thuốc diệt chuột, đuổi chuột bày bán tràn lan ở các tiệm tạp hóa, xe bán lưu động. Hầu hết sản phẩm không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, nơi sản xuất... Đặc biệt, các loại thuốc chuột đều có màu sắc bắt mắt dễ nhầm lẫn với kẹo, thuốc cốm nên rất nguy hiểm đối với người, nhất là trẻ em.

Trên thị trường hiện nay, có hàng trăm loại thuốc diệt, bẫy chuột. Có loại chuột ăn vào chết ngay, có loại ăn 1-2 lần trở lên mới chết. Có loại hóa chất trong thuốc làm xuất huyết ở mắt nên chuột tìm đến khu vực sáng rồi chết dần, nhờ vậy chủ nhà dễ dàng tìm được xác chuột chết.

Loại khác thì chứa hoạt chất làm cho chuột khi ăn xong phải tìm kiếm đến khu vực có nước và chết tại đó. Một loại thuốc diệt chuột khác có tác dụng làm chuột mắc bệnh thương hàn, một tuần thậm chí cả chục ngày sau mới chết. Trong thời gian này, những con mắc bệnh có khả năng lây lan sang các con chuột khác khiến cả đàn đều chết. Loại thuốc có chất thuốc chống đông máu cũng làm cho chuột chết dần. Gần đây, nhiều xe bán bẫy chuột, keo dính chuột còn bán thêm hộp chứa dung dịch chất lỏng bên trong có công dụng "mở nắp ra là chuột đi hết", giá 10.000 - 20.000 đồng/hộp. Bên trong hộp chứa dung dịch màu ngả vàng hoặc trắng đục, nhớt, mùi rất khó chịu. Theo người bán, loại thuốc này được giao tận nơi, bán xong mới thu tiền nên không rõ sản xuất ở đâu và từ nguyên liệu gì.

Ở một cửa hàng tại Đắk Lắk bán thuốc bảo vệ thực vật, chủ cửa hàng giới thiệu về các gói bả chuột, giết chuột theo cơ chế “làm ngưng đông máu”.

Loại bả này được đóng gói bao bì rất đẹp, có nơi xuất xứ, nơi đóng gói và phân phối. Đặc biệt, có một loại bả được đóng gói dưới dạng viên nén, mỗi gói chứa khoảng 10 viên, mỗi viên có kích thước bằng viên kẹo ngọt (loại kẹo có tẩm đường khô bên ngoài).

Quan sát bằng mắt thường, loại bả này màu xanh nhạt, có những đốm nhỏ li ti nằm giữa các hạt giống như “đường”. Trên phần hướng dẫn sử dụng loại bả này có ghi rằng để đặt bả hiệu quả thì đặt gần chỗ chuột hay qua lại, chỗ miệng hang chuột.

Nhiều người lo ngại các loại thuốc diệt chuột làm bằng hóa chất độc hại gây hại đến sức khỏe con người. TS Phạm Thành Quân, Phó Giám đốc Văn phòng Chương trình Khoa học Công nghệ cấp quốc gia phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ, cho biết thuốc diệt chuột loại nào cũng rất độc hại, chất tạo mùi đuổi chuột cũng vậy. Nếu con người hít phải những chất này sẽ dẫn đến nhức đầu, choáng váng; trường hợp nặng có thể dẫn đến hôn mê sâu, khó phục hồi chức năng. Nhiều trường hợp ăn nhầm thuốc diệt chuột đều không cứu được. Còn chất làm chuột mắc bệnh dịch nếu kiểm soát không tốt cũng có khả năng lây lan sang người, rất nguy hiểm.

Mặc dù được liệt vào dạng sản phẩm độc hại nhưng lâu nay, thuốc diệt chuột vẫn nằm ngoài danh mục quản lý của các cơ quan chức năng. Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP HCM cho biết từ trước đến nay, không có nhiệm vụ "quản" mặt hàng này. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP HCM chỉ có trách nhiệm quản lý các loại thuốc diệt chuột để bảo vệ mùa màng trên đồng ruộng, còn diệt chuột trong nhà thì thuộc trách nhiệm của ngành y tế. Phóng viên Báo Người Lao Động đến hỏi Sở Y tế thì nhân viên sở này lại hướng dẫn phóng viên tìm đến Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM có địa chỉ trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5. Tìm đến trung tâm, qua rất nhiều khâu, phóng viên mới liên hệ được một cán bộ phòng môi trường nhưng vị này cho biết lâu nay trung tâm chỉ thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch. Còn thuốc diệt chuột trên thị trường, Trung tâm Y tế dự phòng không có trách nhiệm quản lý.

Đem câu chuyện trao đổi với ông Phan Hoàn Kiếm, Chi Cục trưởng Chi cục QLTT TP HCM, ông Kiếm xác nhận đúng là các sản phẩm thuốc diệt chuột bày bán trên thị trường lâu nay chưa được chú ý đến. Trong đó, phần lớn là hàng trôi nổi nên sắp tới, QLTT sẽ chú ý kiểm tra, xử lý nhằm bảo vệ người tiêu dùng.

Trước đó, một người đàn ông ở Đắk Nông chết do ăn bả chó do tưởng kẹo mút. Một em bé đã chết do lượm loại “kẹo” này ăn.

Ngoài việc đã có ít nhất hai người chết do nhầm lẫn bả chó là “kẹo mút”, thị trường Đắk Nông và TP. HCM còn xuất hiện một số loại bả chuột được sản xuất công nghiệp và bán cho người mua cũng có hình dạng rất giống viên kẹo ngọt dành cho trẻ em.

Ngoài ra, các loại chất độc dưới dạng bột cũng được đóng gói bán, người mua có thể mua loại này dễ dàng ở bất kỳ cửa hàng nào chuyên bán thuốc bảo vệ thực vật rồi về tự chế thành các loại bả chứa chất độc.

Nam Anh (T/h)

Tin nổi bật