Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Người Xê Đăng ở Kon Tum đặt tượng mặt người ở cổng làng chống dịch COVID-19

(DS&PL) -

Bà con nơi đây có những nét văn hóa, phong tục tập quán và những đặc trưng rất riêng. Chính vì vậy, công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cực kỳ cấp bách.

Làng Măng Rương của người Xê Đăng nằm trên đỉnh núi Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum, tiếp giáp với huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Bà con nơi đây có những nét văn hóa, phong tục tập quán và những đặc trưng rất riêng. Chính vì vậy, công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cực kỳ cấp bách. Ở vùng núi miền sơn cước này, đồng bào người Xê Đăng có cách chống dịch vô cùng độc đáo.

"Nội bất xuất, ngoại bất nhập"

Trong cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi ngược đại ngàn ghé thăm làng Măng Rương, xã Ngọk Lây, nơi cộng đồng người Xê Đăng sinh sống để chiêm nghiệm cách phòng, chống dịch Covid-19 độc đáo này.

Tại các con đường dẫn vào làng, người dân lập những cánh mà họ gọi là cổng tâm linh, kêu gọi thần linh về trấn giữ. Theo quan niệm từ ngàn xưa của cộng đồng người Xê Đăng, mỗi pho tượng là hiện thân của một vị thần. Ngoài việc cắt cử trai tráng của làng túc trực tại chốt, về mặt tâm linh luôn có sự hậu thuẫn của các vị thần tạo thành một lá chắn vững chắc "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Như thế, dịch bệnh sẽ không thể nào xâm nhập được vào trong làng.

Họ quan niệm cánh cổng tâm linh như một rào chắn vững chắc khó ai có thể lọt qua. Song cái thú vị có tính thực tiễn cao là tại cổng, hàng chục trai làng túc trực, ngăn cản không cho người lạ vào làng. Bên cạnh là những pho tượng mặt người với hình thù kỳ dị, mỗi pho tượng mang một sắc thái khác biệt. May mắn, cùng đi với chúng tôi có ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch UBND xã Ngọk Lây. Dù biết lãnh đạo xã nhưng chưa được “sự gật đầu” từ vị già làng, chúng tôi cũng không thể vượt qua được chốt chặn.

Cánh cổng tâm linh nơi người dân kiểm soát người lạ vào làng, ngăn chặn dịch bệnh và nơi người làng gửi gắm niềm tin vào các vị thần linh.

Dường như, biết rõ thông lệ của làng, vị Chủ tịch xã chậm rãi điện thoại trao đổi xin ý kiến của vị chức sắc trong làng. Trong lúc chờ đợi, ông Dũng kể, người lạ muốn đi vào phải có lý do chính đáng và được hội đồng làng cho phép trong thời gian nhất định. Sau thời gian chờ đợi, được sự đồng ý của hội đồng làng, chúng tôi mới bước qua cánh cổng tiến sâu vào làng.

Không giống như chúng tôi mường tượng, già làng là một cụ già tóc bạc phơ, cởi trần đóng khố. Trước mắt chúng tôi là một cô gái tuổi đời còn khá trẻ. Đó là chị Y Blúc, 28 tuổi. Đôi mắt sáng, giọng nói nhỏ nhẹ, qua lớp khẩu trang che kín khuôn mặt chị nói lời thông cảm: "Vì dịch bệnh, để phòng bệnh cho cả làng nên phải kiểm soát chặt chẽ với những người lạ từ nơi khác đến".

Trò chuyện với chúng tôi chị Blúc kể, từ xa xưa người Xê Đăng quan niệm, dịch bệnh gây hại, những điềm xấu là do Kía Công (con ma rừng) gây ra. Để xua đuổi Kía Công, cha ông của người Xê Đăng đã sử dụng nghi lễ dựng tượng thần trước cổng làng. Thấy trên ti vi, báo đài dịch Covid-19 làm chết nhiều người khiến cả làng lo lắng.

Cách ly hiệu quả

Theo chị Blúc, để giữ bình yên cho buôn làng, đẩy lùi dịch bệnh, các vị chức sắc trong làng triệu tập 1 cuộc họp cấp bách. Sau thời gian thảo luận, bàn bạc, các cao niên trong làng thống nhất tiến hành nghi lễ dựng “thần làng”, xua đuổi điềm dữ, đẩy lùi dịch bệnh. Cuộc họp kết thúc cũng là lúc tiếng kẻng của nữ trưởng thôn ngân vang, dân làng hối hả kéo đến trước sân nhà rông.

"Để cả làng đồng lòng, nhất trí trước tiên mình phải tuyên truyền cho bà con nhận thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh. Mình yêu cầu người lạ từ nơi khác đến muốn qua cổng phải khai báo. Người lạ vào làng 17h phải trở về, ai vi phạm sẽ bị phạt vạ. Người làng hạn chế đi ra ngoài, nếu ra ngoài phải đeo khẩu trang để tránh nhiễm bệnh dịch. Dân làng thực hiện không tụ tập đông người”, nữ trưởng thôn nói.

Sau hiệu lệnh của vị trưởng thôn, nhóm trai làng cầm dao, dựa lên rừng tìm loại cây cu ly, tre nứa, làm nguyên vật liệu. Trên các bờ sông, ao hồ, ruộng đồng, chị em phụ nữ chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho lễ cúng tế mời rước thần linh. Cả làng tất bật làm công tác chuẩn bị hệt như sắp diễn ra một lễ hội lớn.

Các cụ già trong làng sau 1 ngày miệt mài đục đẽo tạo nên những pho tượng với những hình thù kỳ dị mang sắc thái khác nhau. Cổng tâm linh được các thanh niên trong làng dựng lên. Ở mỗi cửa ngõ đi vào làng sẽ được đặt 2 bức tượng thần đứng 2 bên đường. Theo tập tục của người Xê Đăng, 2 cây bắt buộc phải có khi làm cổng là nứa và lá lau, bởi chúng rất sắc bén có thể xua đuổi tà ma, dịch bệnh. Tất cả lối đi của làng từ đường đi rừng, đường đi rẫy, đường đi sang làng khác đều được làm cổng.

Lúc này, các chị em phụ nữ cũng bày biện đầy đủ các sinh lễ để thực hiện cho lễ cúng tế mời gọi thần linh. Khi giờ khắc thiêng liêng đã đến, các cụ già trịnh trọng làm lễ cầu mong dân làng được khỏe mạnh, làm ăn được mùa, ngăn cản dịch bệnh. Cũng bắt đầu từ đây, làng Măng Rương trở thành khu cách ly với khẩu hiệu “nội bất xuất, ngoại bất nhập” cho đến khi hết dịch.

Những pho tượng được đặt ngay bên cạnh cổng tâm linh

Và các tuyên truyền phòng dịch trực quan, ý nghĩa

Dạo một vòng quanh những “cánh cổng tâm linh” của người dân địa phương nơi dây, chúng tôi khá bất ngờ. Trên mỗi pho tượng, người dân trang bị thêm một mũ bảo hiểm trên đầu và cái khẩu trang che kín mặt. Lý giải về sự lạ lùng này, chị Blúc chia sẻ: "Chúng tôi làm như vậy để nhắc nhở, nâng cao ý thức cho người làng. Khi người nào có việc gì đi ra bên ngoài thì phải đội mũ bảo hiểm, phải đeo khẩu trang y tế để phòng bệnh".Người nào hay quên khi đi qua cổng làng này nhìn vào nhớ ra, lập tức quay về nhà để lấy".

Khi cổng làng được hoàn thiện, đêm đầu tiên người dân trong làng thay phiên nhau ra cổng đốt lửa, canh không cho người lạ vào làng. Những ngày sau đó, ngôi làng được “cách ly” sau 17h. Quy định của làng đã đề ra nên mọi người đều nghiêm chỉnh tuân thủ. Ngoài giờ lên nương rẫy, người dân hạn chế ra ngoài và tụ tập để tránh phát sinh dịch bệnh.

Thầy A Phum, Giám đốc trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Có thể thấy, việc tổ chức lễ rào làng thực ra là cách để người Xê Đăng cúng cầu an, mong bình yên, hạnh phúc, mùa màng thuận lợi và những điều tốt đẹp đến với dân làng. Đồng thời, trong bối cảnh hiện nay, việc cúng thần làng vô tình đã biến mỗi ngôi làng của người Xê Đăng trở thành một khu cách ly. Việc này cũng góp phần phòng chống, đẩy lùi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp".

Ông A Hơn, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho hay, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chính quyền thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân đeo khẩu trang, hạn chế di chuyển và tụ tập nơi đông người. Việc những ngôi làng tổ chức lễ dựng tượng thần làng, cho thấy ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân trên địa bàn huyện rất tốt.

Hồ Nam

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ Nhật (33)

Tin nổi bật