(ĐSPL) - Thời gian gần đây, người bị bệnh tâm thần gây án, thậm chí là gây ra án mạng xảy ra rất nhiều. Điều này khiến người dân hết sức lo lắng về việc quản lý người bị bệnh tâm thần trong xã hội.
Mới đây, dư luận đang xôn xao về vụ Phạm Văn Vinh (38 tuổi), trú tại xã Nam Kim, huyện Nam Đàn (Nghệ An) phát bệnh tâm thần và dùng gậy đánh chết con trai ruột khi con đang nằm ngủ. Được biết, Phạm Văn Vinh bị bệnh tâm thần từ năm 2006 và đã được chữa trị tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An nhưng không khỏi hẳn. Vì điều kiện kinh tế gia đình không cho phép, Vinh được người thân đưa về nhà điều trị, cho uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Hằng ngày, ngoài việc uống thuốc đều đặn, Vinh vẫn đi làm thợ xây cho các công trình xây dựng để kiếm thêm thu nhập.
Ngày 14/10, khi đang làm việc tại một công trình xây dựng ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), Vinh tái phát bệnh tâm thần và được những người làm cùng đưa về nhà nghỉ ngơi, điều trị. Tuy nhiên, rạng sáng ngày 15/10, khi đang ngủ cùng 2 con trai, bệnh tình lại tái phát, Vinh rơi vào ảo giác và đã cầm gậy gỗ đánh liên tiếp lên đầu đứa con trai Phạm Văn Ngọc Anh (16 tuổi) đang ngủ, khiến cháu bé bất tỉnh và tử vong sau đó.
Ngay sau khi án mạng xảy ra, Công an huyện Nam Đàn đã có mặt tại hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ việc. Riêng Phạm Văn Vinh sau đó đã được đưa về tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An trong tình trạng chưa tỉnh táo và không hay biết mình đã đánh chết con trai.
Vụ án đau lòng trên chỉ là một trong rất nhiều thảm án xảy ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói riêng và toàn quốc nói chung mà hung thủ lại là những đối tượng mắc bệnh tâm thần. Điều này khiến người dân hết sức lo lắng về việc quản lý người bị bệnh tâm thần trong xã hội.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV báo Đời sống và Pháp luật đã có buổi trao đổi với Luật sư Nguyễn Thị Thoa, Văn phòng Luật sư Cao Trí (Nghệ An).
- Thưa luật sư, Phạm Văn Vinh bị bệnh tâm thần, mất khả năng nhận thức và năng lực điều khiển hành vi đã gây ra án mạng cho chính con trai mình, vậy đối tượng này sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?
Theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam sửa đổi bổ sung năm 2009, Phạm Văn Vinh thuộc trường hợp “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần” được quy định tại khoản 1, điều 13: Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự.
Đó là: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Vì thế, Phạm Văn Vinh bắt buộc phải điều trị theo quy định tại Điều 43, Bộ luật Hình sự và theo Nghị định 64/2011/NĐ - CP về việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần.
|
Mọi người đau lòng bởi hung thủ gây ra cái chết cho cháu bé lại chính là người cha đẻ.. |
- Trong trường hợp này, đối tượng được chữa trị từ trước nhưng chưa khỏi, gia đình đã xin xuất viện về nhà điều trị. Trong quãng thời gian xuất viện, người tâm thần đã gây án, vậy theo luật sư trách nhiệm thuộc về ai?
Trong trường hợp này, chúng ta không thể đổ lỗi cho ai được. Bởi vì việc quyết định ở lại điều trị hay không điều trị là quyết định từ phía gia đình. Cái chính là sau khi xin về nhà uống thuốc, điều trị gia đình nên thường xuyên để mắt đến người bệnh để không xảy ra những sự việc đau lòng.
Hiện nay, luật chưa điều chỉnh vấn đề trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với trường hợp người bị bệnh tâm thần thực hiện hành vi phạm tội.
- Bệnh tâm thần có đặc điểm khác biệt so với các bệnh khác là không phải chữa trị ngày một, ngày hai sẽ khỏi mà phải kéo dài hàng tháng trời, thậm chí hàng năm ròng, gây tốn kém cho gia đình bệnh nhân. Nhiều gia đình vì không có tiền chữa trị nên đã xin xuất viện. Vậy xin hỏi luật sư, cơ quan nào có trách nhiệm đưa người mắc bệnh tâm thần đến cơ sở khám chữa bệnh điều trị khi người bệnh chưa phạm tội?.
Hiện nay, chưa có một văn bản nào quy định về trường hợp cơ quan, tổ chức nào có trách nhiệm đưa người bị tâm thần chưa thực hiện hành vi phạm tội đến cơ sở khám chữa bệnh điều trị.
Việc chữa bệnh bắt buộc chỉ được áp dụng từ giai đoạn điều tra theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tức là khi đã có hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Rất tiếc đây là một “khoảng trống” của luật.
- Thời gian qua, có không ít vụ án xảy ra, thậm chí là án mạng làm chết nhiều người một lúc do người bị bệnh tâm thần gây ra. Vậy, dưới góc độ pháp lý, luật sư nhìn nhận như thế nào về vấn đề người tâm thần gây trọng án?
Dưới góc độ pháp lý, tôi nhận thấy người bị bệnh tâm thần là người không có năng lực trách nhiệm hình sự. Do vậy, dù hậu quả họ gây ra mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng nhưng việc không truy cứu trách nhiệm hình sự của họ là đúng với tinh thần của Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, điều cần bàn đối với các đối tượng bị bệnh tâm thần là khi họ chưa thực hiện hành vi phạm tội, phải có biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với người bị bệnh.
- Ngoài việc bắt buộc chữa bệnh khi người bị bệnh tâm thần đã gây án, theo luật sư cần phải làm gì để ngăn ngừa những vụ án đau lòng tương tự?
Như tôi đã nói, luật đang có "khoảng trống" đối với sự phối hợp giữa gia đình và các cơ quan tổ chức xã hội về việc điều trị cho người bị bệnh tâm thần khi họ chưa thực hiện hành vi phạm tội.
Để ngăn ngừa việc này, cần phải quy định về sự phối hợp giữa các nhóm nói trên, xây dựng quỹ hỗ trợ người nhà có người bị bệnh để họ đưa người thân của mình đi điều trị. Các cơ quan, đoàn thể ở địa phương, cần quan tâm giúp đỡ người bệnh và gia đình nhiều hơn nữa.
Nếu thấy dấu hiệu bệnh nhân không thuyên giảm, có những hành động mất kiểm soát, đe dọa an ninh trật tự, cần nhanh chóng phối hợp, động viên gia đình đưa những trường hợp đó đến các bệnh viện tâm thần để điều trị.
Xin cảm ơn luật sư!