Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Người phụ nữ quyền lực đại diện cho thương mại Trung Quốc - Triều Tiên

(DS&PL) -

Cách đây không lâu, nữ doanh nhân Mã Hiểu Hồng bị phát hiện là gương mặt đại diện cho thương mại giữa Trung Quốc và Triều Tiên, giúp Bình Nhưỡng tránh lệnh trừng phạt.

Cách đây không lâu, nữ doanh nhân Mã Hiểu Hồng bị phát hiện là gương mặt đại diện cho thương mại giữa Trung Quốc và Triều Tiên, giúp Bình Nhưỡng tránh lệnh trừng phạt.

Ở tuổi 44, bà Mã Hiểu Hổng đã xây dựng được một “đế chế thương mại” lớn mạnh, chiếm tới 1/5 tổng giá trị thương mại giữa 2 quốc gia. Bà được bổ nhiệm làm Đại biểu Nhân dân tỉnh, đặc biệt ưu tiên xuất khẩu sản phẩm xăng dầu sang Triều Tiên và được các quan chức Trung Quốc coi là một "phụ nữ xuất chúng".

Hiện nay, theo New York Times, số phận của bà Mã đã trở thành bài kiểm tra về sự sẵn lòng của Trung Quốc đối với việc ủng hộ nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm giảm bớt tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.

Bà Mã Hiểu Hồng. Ảnh: Getty

Hồi năm 2016,  các công tố viên Mỹ đã buộc tội bà Mã về việc sử dụng các công ty của mình để giúp Triều Tiên trốn tránh lệnh trừng phạt quốc tế. Sau cuộc họp báo của các nhà ngoại giao Mỹ ở Bắc Kinh, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ mở cuộc điều tra đối với công ty chính của bà Mã.

Tuy nhiên, cho đến nay, chính phủ Trung Quốc nói rằng họ không tìm thấy bằng chứng cho thấy các cáo buộc của Mỹ rằng nữ doanh nhân hợp tác với chương trình vũ khí của Triều Tiên. Mặc dù bà Mã vẫn bị điều tra với "tội danh kinh tế" nhưng hiện chưa rõ bà đã bị bắt hay đang ở đâu.

Trường hợp của bà Mã - liên quan đến các cuộc phỏng vấn với quan chức, nhà ngoại giao và những người khác, cũng như các cuộc tìm kiếm trong các cơ quan đăng ký kinh doanh - nhấn mạnh vào sự mơ hồ của Trung Quốc khi phải chịu áp lực thực thi các lệnh trừng phạt chống lại Triều Tiên. Trong khi Bắc Kinh đang trong giai đoạn bị Mỹ và cộng đồng quốc tế buộc phải phản ứng lại việc Bình Nhưỡng theo đuổi vũ khí hạt nhân, thì họ vẫn rất thận trọng khi xem xét lệnh trừng phạt nhằm vào công dân Trung Quốc có quan hệ hợp tác, làm ăn với Triều Tiên.

Trung Quốc đã thể hiện sự sẵn lòng ủng hộ các biện pháp chế tài cứng rắn tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) trong năm 2017, nhưng họ đã làm như vậy một cách miễn cưỡng, New York Times nhận định. Những nguyên nhân chủ yếu là do lịch sử và chiến lược đối ngoại. Triều Tiên từ lâu đã coi Trung Quốc là đồng minh duy nhất của họ, nhưng một số nhà phân tích cho rằng các yếu tố kinh tế cũng đóng góp một phần.

Cầu hữu nghị nối Đan Đông, Trung Quốc tới Triều Tiên. Ảnh: NYTimes

"Người Trung Quốc không muốn phải làm việc này", Ken E. Gause, một chuyên gia về Triều Tiên với CNA, một tổ chức nghiên cứu ở Arlington nói. "Họ kiếm được nhiều tiền trên biên giới đó, có rất nhiều mối quan hệ giữa những người kinh doanh trên biên giới và những người bảo trợ ở Bắc Kinh".

Trung Quốc đã thực hiện một số bước đi cụ thể như đóng cửa ít nhất một số đế chế kinh doanh của bà Mã, ví dụ như đóng băng cổ phần của công ty chính - Công ty TNHH Phát triển Công nghiệp Đan Đông Hongxiang. Cổ phần của 3 cổ đông bị Mỹ buộc tội cũng đã bị đóng băng một thời gian nhưng sau lại trở về bình thường, cho thấy họ không phải đối mặt với cáo buộc hình sự.

Trụ sở chính của công ty ở Đan Đông, trên biên giới với Triều Tiên đã bị đóng cửa từ mùa xuân năm 2017. Các công ty con khác liên kết với bà Mã vẫn tiếp tục hoạt động cho đến gần đây, cung cấp doanh thu trực tiếp cho chính phủ Triều Tiên. Bà Mã vẫn được liệt vào danh sách Phó Chủ tịch Hiệp hội giữa Đan Đông Hongxiang và Tập đoàn Kinh tế Triều Tiên Liujing.

Bà Mã Hiểu Hồng chỉ mới 24 tuổi khi Triều Tiên chịu ảnh hưởng của nạn đói, bắt đầu mở cửa nền kinh tế, trước tiên là cho phép xuất khẩu phế liệu vào năm 1996. Bà kể với Southern Weekly, một tờ báo nổi tiếng ở Trung Quốc rằng khi công ty của bà bắt đầu mua phế liệu để bán lại tại Trung Quốc, mỗi ngày đều nhận được “gần 10.000 tấn”.

Thương mại của bà Mã đã mở rộng sang các sản phẩm và hàng hoá khác. Ngay sau đó, bà đầu tư vào các công ty nội địa của Triều Tiên, bao gồm một nhà máy quần áo và một mỏ vàng. Vào tháng 1/2000, bà thành lập công ty Đan Đông Hongxiang.

Công ty con của Đan Đông Hongxiang. Ảnh: NYTimes

Đến năm 2010, bà Mã đã xây dựng lên một tập đoàn toàn cầu, chiếm đến 1/5 hàng nhập khẩu và xuất khẩu giữa Trung Quốc với Triều Tiên. Khi các hoạt động kinh doanh của bà thịnh vượng, bà có quan hệ mật thiết với các quan chức ở cả 2 bên biên giới. Những người liên quan bao gồm Jang Song-thaek, chú của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Tuy nhiên, đến năm 2013, ông Jang đã bị hành hình vì tội phản bội, bị cáo buộc có âm mưu đảo chính.

Ở phía biên giới Trung Quốc, quan chức Đan Đông công nhận bà Mã Hiểu Hồng là một trong 10 phụ nữ nổi bật của thành phố. Vào năm 2013, bà được bầu làm Đại biểu Quốc hội của tỉnh, cho thấy mối liên hệ của bà với giới tinh hoa chính trị.

Vào năm 2006, khi Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân đầu tiên, bà nói rằng bà đã gặp gỡ các giám đốc điều hành từ một trong những công ty lớn nhất của quốc gia, người đã bày tỏ sự tự hào về cuộc thử nghiệm. Bà mô tả người Triều Tiên có học vấn mặc dù bị thế giới cô lập. "Triều Tiên có máy vi tính, họ có Coca-Cola", bà nói với Southern Weekly, " nhưng Triều Tiên vẫn là Triều Tiên".

Công ty của bà Mã Hiểu Hồng bị cáo buộc liên quan đến việc cung cấp nguyên liệu cấm để Bình Nhưỡng sản xuất vũ khí, thử nghiệm hạt nhân. Ảnh: Getty

Mỗi lần LHQ áp đặt lệnh xử phạt mới, hoạt động kinh doanh của bà Mã sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng sau đó bà lại tìm ra những con đường khác. Trong năm 2009, dưới thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Ngân hàng Kwangson Triều Tiên - một trong những ngân hàng nổi tiếng nhất của Triều Tiên, cáo buộc công ty tham gia vào hoạt động buôn bán vũ khí và tên lửa.

Theo các công tố viên Mỹ và các nhà nghiên cứu độc lập, trong những tháng tiếp theo, công ty của bà Mã mở hay mua lại các công ty con và công ty con mới ở Hồng Kông và các nơi khác. Mục đích chủ yếu là để buôn bán với ngân hàng và các thực thể khác của Triều Tiên, cũng như rửa tiền và nhập các vật liệu bị cấm sử dụng trong sản xuất vũ khí.

Theo báo cáo của C4ADS, một tổ chức nghiên cứu ở Washington về vấn đề an ninh và Viện Sejong ở Seoul, Đan Đông Hongxiang đã bổ sung 28 chi nhánh trong 2 năm sau khi có lệnh trừng phạt đối với Ngân hàng Kwangson Triều Tiên.

Đến cuối năm 2016 - sau vụ cáo buộc của Mỹ - mạng lưới kinh doanh của bà Mã đã mở rộng ra 43 thực thể trên 4 lục địa, C4ADS cho biết trong báo cáo mới hồi tháng 12/2017. Nghiên cứu của tổ chức này cho biết một số công ty con của bà Mã liên quan đến việc bán cho Triều Tiên chất hoá học sử dụng trong sản xuất bom hạt nhân hoặc tên lửa.

Trung Quốc cũng cấm xuất khẩu như vậy, nhưng các nhà chức trách không chống lại Đan Đông Hongxiang cho đến khi phía Mỹ thông báo cho họ về một khiếu nại bí mật được nộp tại tòa án New Jersey vào tháng 8/2016 với tên bà Mã và 3 giám đốc điều hành trong công ty.

Hiện giờ rất ít người ở Đan Đông thảo luận về bà Mã, nhưng một số công ty liên kết với Đan Đông Hồng Tường tiếp tục hoạt động, bao gồm một chi nhánh vận tải và một khách sạn. Dường như đã tiên đoán được những rủi ro trong kinh doanh, bà Mã nói với Southern Weekly vài năm trước rằng: "Nếu có thay đổi về tình hình chính trị thì việc kinh doanh của chúng tôi sẽ tan nát".

PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo New York Times)

Tin nổi bật