Bác sĩ Lâm Hiên Nhiệm, Giám đốc Trung tâm Lọc màng bụng, Bệnh viện Đại học Á Châu (Đài Loan), chia sẻ về trường hợp bệnh nhân nữ 60 tuổi suýt tử vong do tăng kali máu vì ăn nhiều chuối.
Bác sĩ Lâm cho biết, bệnh nhân nữ có tên Phương Hoa (Đài Loan, Trung Quốc) bà có tiền sử cao huyết áp và suy thận mạn, thường xuyên bị táo bón. Để cải thiện tiêu hóa, bà ăn 1 quả chuối mỗi ngày.
Tuy nhiên, bác sĩ Lâm đã nhiều lần khuyến cáo bà hạn chế chuối vì nồng độ kali trong máu của bà luôn cao (khoảng 5.3 mmol/L). Chuối vốn dĩ giàu kali, ăn nhiều sẽ ảnh hưởng xấu đến bệnh nhân thận. Thậm chí, bà Phương chỉ nên ăn tối đa 1 quả chuối mỗi tuần.
Bỏ qua lời khuyên của bác sĩ, bà Phương tiếp tục ăn chuối mỗi ngày. Kết quả, bà bất ngờ hôn mê và được cấp cứu.
Sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ Lâm Hiên Nhiệm chẩn đoán bà Phương bị rối loạn nhịp tim do tăng kali máu, nhịp tim là 42 nhịp/phút, nồng độ kali trong máu lên tới 7.2 mmol/L.
Bác sĩ Lâm cho biết, nồng độ kali trong máu vượt trên 5 mmol/L được xem là tăng kali máu. “Trường hợp nồng độ kali máu cao hơn 6 mmol/L như của bệnh nhân Phương cần được cấp cứu kịp thời, do bệnh nhân có nguy cơ gặp tình trạng rối loạn nhịp tim và có thể dẫn tới tử vong”, bác sĩ Lâm giải thích thêm.
Bà Phương được chạy thận nhân tạo cấp cứu để loại bỏ kali qua nước tiểu. May mắn, bà đã qua cơn nguy kịch.
Người phụ nữ phải chạy thận cấp cứu vì một sai lầm "chết người" khi ăn chuối.
Chuối có hàm lượng kali cao. Một quả chuối kích cỡ trung bình chứa 422 miligam kali. Kali chất điện giải thiết yếu, đóng vai trò quan trọng giúp duy trì cân bằng chất lỏng trong cơ thể, đảm bảo cơ bắp và dây thần kinh hoạt động tối ưu. Tuy nhiên, đối với những người mắc bệnh thận, khả năng điều hòa và bài tiết kali ra khỏi cơ thể sẽ bị suy giảm.
Do đó, nạp quá nhiều kali có thể dẫn đến tình trạng gọi là tăng kali máu, đặc trưng bởi nồng độ kali trong máu tăng cao vượt mức bình thường. Các triệu chứng thường gặp của tăng kali máu là mệt mỏi, suy nhược, nhịp tim không đều, buồn nôn, khó thở và xuất hiện cảm giác tê ngứa.
Kali thường được bài tiết qua thận. Nhưng với những người mắc bệnh thận thì cơ quan này sẽ gặp khó khăn trong khi thực hiện chức năng bài tiết. Hệ quả là thận sẽ chịu áp lực hoạt động lớn hơn và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh. Không chỉ chuối mà bệnh nhân thận cần hạn chế ăn các món có nhiều kali như cà chua, dưa hấu, đậu đen, cá hồi và một số món khác.
Ngoài ra, chuối còn chứa nhiều phốt pho. Đây cũng là một loại khoáng chất cần được kiểm soát trong chế độ ăn của bệnh nhân thận. Phốt pho dư thừa trong cơ thể có thể gây rối loạn nồng độ khoáng chất trong máu, dẫn đến các biến chứng nặng hơn.
Vì vậy, điều quan trọng là bệnh nhân thận cần hạn chế hoặc tránh ăn chuối. Thay vào đó, hãy tập trung vào việc kết hợp các loại trái cây khác có hàm lượng kali và phốt pho thấp hơn vào chế độ ăn, chẳng hạn như quả mọng, táo và nho.
Ngoài chuối, chuyên gia y tế cũng khuyến cáo người mắc bệnh thận cũng nên hạn chế sử dụng quá nhiều, quá thường xuyên các loại thực phẩm chứa nhiều kali như cà chua, bơ, cam,...
Bệnh nhân mắc bệnh thận nên tham khảo ý kiến của bác sĩ và các chuyên gia dinh dưỡng để lựa chọn thực phẩm phù hợp, tránh khiến bệnh tiến triển nặng.