Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Người phụ nữ nuôi sống cả nhà bằng nghề "bán nước mắt"

  • Thùy Dung (T/H)
(DS&PL) -

Trong vòng nửa tháng trở lại đây, Zhang Jinfeng ở Hứa Xương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã nhận khóc thuê cho 16 đám tang.

Giọng khàn đặc, người phụ nữ tuổi ngũ tuần vẫn khẳng khái: "Nghề này có phải quỳ gối, nhưng mình kiếm tiền bằng mồ hôi nước mắt, thế là ngẩng cao đầu mà sống."

Zhang Jinfeng, một thời là đào hát có tiếng ở những sân khấu thôn quê. Cuộc đời rẽ ngang khi con trai làm ăn thua lỗ, gánh nặng nợ nần đổ xuống; cha mẹ chồng đau ốm triền miên, ba đứa cháu gái còn nhỏ dại.

Bà rời bỏ ánh đèn rực rỡ, chuyển sang kiếp khóc thuê.

Khách hàng đầu tiên là tang gia của một cụ ông xa lạ. Zhang quỳ gối khóc trên nền xi măng lạnh lẽo. Đêm ấy trở về, đầu gối bà tím bầm, cả tuần trời đi lại khó khăn.

Bà Zhuang khóc thuê trong một đám tang tháng 3/2025. Ảnh: Jiupai News.

Zhang Jinfeng luôn tâm niệm phải khóc sao cho lay động lòng người, khơi gợi sự biết ơn và hiếu thảo với đấng sinh thành. Bà chia sẻ: "Khóc thuê, suy cho cùng, là truyền đi những năng lượng tích cực, nhắc nhở người ta sống tốt đẹp hơn."

Chưa bao giờ bà rơi vào cảnh "cạn nước mắt". Dù người ra đi không phải máu mủ, chỉ cần nhìn di ảnh, lệ đã tuôn rơi. Thêm vào đó, sinh trưởng trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, lại gắn bó với nhạc kịch từ tuổi mười ba, bà có sẵn kiến thức vững vàng về nhạc lý và ca từ. Khi chuyển sang nghề khóc mướn, Zhang có thể chỉ trong nửa giờ soạn xong một bài điếu văn cảm động, kể trọn vẹn cuộc đời người đã khuất và chạm đến trái tim người nghe.

Một lần, bà khóc thuê cho một cụ ông neo đơn. Trong lúc diễn, bà cất tiếng: "Trước khi lìa trần, ông vẫn canh cánh bên lòng cây táo trước sân nhà." Chỉ một câu ấy thôi, những người thân đứng bên linh cữu đã không kìm được nước mắt.

Tiếng khóc lay động lòng người của Zhang Jinfeng ngày càng được nhiều người biết đến. Vào mùa cao điểm, bà có khi nhận tới ba đơn khóc thuê mỗi ngày, mang về thu nhập từ 800 đến 1.000 tệ (tương đương 2,8 đến 3,5 triệu đồng) mỗi buổi. Trung bình mỗi tháng, bà nhận hơn 20 đơn đặt hàng.

Công việc ổn định, thu nhập khá, nửa năm trở lại đây, Zhang đã đưa con trai Wang Yu theo nghề. Hai mẹ con chủ yếu hoạt động tại các thành phố Hứa Xương, Trịnh Châu, Sơn Tây và Sơn Đông.

Dù không ít người nhìn nhận nghề khóc thuê với ánh mắt ái ngại, Zhang Jinfeng khẳng định bà "sống với nghề bằng tất cả sự tự trọng". Trong những video ngắn của mình, bà chia sẻ với khán giả: "Khóc thuê không phải để than vãn, mà là để nhắc nhở mọi người sống tử tế hơn!".

Bà nhớ mãi lần được mời đến khóc trước cho một người phụ nữ mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Nghe bà khóc xong, người phụ nữ ấy đã nắm tay Zhang Jinfeng và nói: "Em đã giúp chị thấy cuộc đời mình thật đáng sống!".

Giờ đây, Zhang Jinfeng đã trở thành một cái tên quen thuộc trong nhiều đám tang. "Tiếng khóc của cô ấy mang theo cả hơi ấm của tình người", một gia chủ nhận xét.

Tại Trung Quốc, dịch vụ khóc thuê trong đám tang đã trở nên quen thuộc. Ở thành phố Trường Lạc, tỉnh Phúc Kiến, Lý Mỹ Trân là một người có thâm niên 24 năm trong nghề này. Với mỗi lần khóc thuê chuyên nghiệp, cô nhận được 3.000 tệ (tương đương hơn 10 triệu đồng). Thậm chí, có những ngày cô Lý đảm nhận tới ba ca như vậy.

Lý Mỹ Trân khi tham gia khóc thuê trong một đám tang năm 2022. Ảnh: 163.com

Sinh ra là con thứ ba trong một gia đình có tám người con ở Trường Lạc, hoàn cảnh khó khăn đã khiến Lý Mỹ Trân phải nghỉ học sau cấp hai để giúp đỡ cha mẹ làm nông.

Năm 18 tuổi, cuộc đời cô rẽ sang một trang buồn khi kết hôn với một người đàn ông mù chữ ở làng bên. Mười năm sau đó là chuỗi ngày bi kịch khi cô liên tục phải chịu đựng những trận hành hung vô cớ từ chồng. Cuối cùng, Lý quyết định rời bỏ cuộc hôn nhân đau khổ, trở về nhà mẹ đẻ và làm công việc dọn dẹp tại một quán ăn để dành dụm tiền nuôi con.

Một lần, cô nhìn thấy người hàng xóm đang khóc than trong đám tang của người lạ và biết đến nghề khóc thuê. Lý ngỏ ý được thử bởi cô vốn hát hay. Người hàng xóm đưa cho Lý lời bài hát đang biểu diễn trong đám tang, bảo cô về luyện tập. Đọc lời hát nói về nỗi vất vả của người mẹ đã mất khi nuôi dạy con cái, nước mắt người phụ nữ 28 tuổi vô thức rơi xuống. "Khi đó tôi nghĩ đến mẹ mình, cũng như nghĩ tới những tủi nhục mà một người làm mẹ như tôi đã trải qua", cô nói.

Kể từ đó, Lý luôn giữ bài hát bên mình và tập luyện mỗi khi rảnh rỗi. Một lần đoàn khóc thuê thiếu người, cô được giới thiệu. Lần đầu khóc đám ma, Lý Mỹ Trân phải quỳ dưới nền đất, khóc than liên tục 30 phút. Cuối buổi cô được trả 70 tệ. Đó là số tiền lớn kiếm được trong thời gian ngắn. Lý tin rằng có thể đổi đời từ nghề khóc thuê này.

Từ đó, Lý bắt đầu công việc lúc 4h sáng và kết thúc khi đêm khuya. Thời điểm đó có ngày cô khóc 3-4 ca, mỗi ca kéo dài 1,5 tiếng không nghỉ, không uống nước. "Việc dừng lại uống nước sẽ ảnh hưởng tới cảm xúc người khóc", Lý nói.

Khóc thuê là công việc không đơn giản. Khi khóc, cô phải dùng tiếng hát để giới thiệu hoàn cảnh người đã khuất, cũng như sự vất vả, đóng góp của họ trong gia đình nhằm khơi gợi nỗi xúc động và tạo hiệu ứng để người thân cùng khóc theo. Suốt quá trình khóc thuê, Lý phải quỳ lạy liên tục, trung bình vài trăm cái.

Nhiều đồng nghiệp vì tránh trầy xước đã buộc miếng đệm ở đầu gối, hoặc lúc không khóc được sẽ bôi dầu gió lên mắt. Nhưng với Lý, đây là hành động thiếu tôn trọng khách hàng. "Tôi không cho phép mình làm điều này bởi những gì giả dối sẽ không thể truyền đạt tình cảm chân thật đến mọi người", cô nói.

Người phụ nữ này từng chứng kiến đồng nghiệp bị khách hàng đánh bởi tiếng khóc không chân thành, không bộc lộ được tình cảm. Lý chưa gặp tình huống như vậy suốt 24 năm hành nghề, bởi tiếng hát của cô được đánh giá tràn đầy cảm xúc, gây được sự tiếc thương với người ở lại. Vì vậy giá khóc của Lý từ 70 tệ thời điểm đầu lên 3.000 tệ mỗi ca như hiện nay.

Thu nhập tốt, Lý không chỉ tạo điều kiện cho hai con trai học tập mà gần đây mua cho mỗi con một ngôi nhà riêng. Cô xây nhà mới cho bố mẹ cũng như góp kinh phí giúp ông bà an dưỡng tuổi già. Vì tự chủ kinh tế nên Lý cũng không ngần ngại đệ đơn ly hôn với chồng, sau nhiều năm chịu bạo lực gia đình.

Dù vậy, từ khi làm nghề, Lý bị nhiều người thành kiến bởi cho rằng cô mang lại sự đen đủi, thậm chí còn ném đá hay chửi rủa sau lưng. Có người còn phản đối việc khóc thuê trong đám ma vì nghĩ hành động này không xuất phát từ sự tiếc thương với người đã khuất.

"Chẳng có gì sai khi giúp các gia đình bày tỏ nỗi đau của họ", Lý nói. Cô cho rằng đây cũng không phải hủ tục mà là một nét văn hóa truyền thông cổ xưa của Trung Quốc.

Từ nghề khóc thuê, Lý chứng kiến nhiều cảnh đời khác nhau, khiến tầm hiểu biết của cô về cuộc sống thêm sâu sắc.

Lý từng hát trong đám tang một phụ nữ ngoài 30 tuổi mất vì ung thư. Trước đó, người phụ nữ này cùng chồng phải chiến đấu nhiều năm với gia đình hai bên để đến được với nhau. Sau khi sinh con không lâu, người phụ nữ phát bệnh. Người chồng đã bán tất cả những gì có thể cứu vợ nhưng không thành. Trong đám tang, anh chỉ câm nín nhìn quan tài vợ. Lúc này Lý đến bên, an ủi rằng người vợ ra đi là được giải thoát khỏi sự đau đớn. Lý vừa dứt lời, người chồng mới ôm mặt nức nở.

Vì làm việc liên tục nên gần đây sức khỏe Lý không còn tốt. Cô thường mắc bệnh liên quan tới mắt sưng đỏ, bị chảy nước mắt khi có gió hay giọng nói khàn đặc do khóc lâu ngày.

Dù vậy trong mắt bạn bè Lý vẫn là người phụ nữ hoạt bát, vui vẻ, hay chọc cười. Để giải tỏa cảm xúc buồn bã sau mỗi đám tang, từ năm 2018, Lý lập kênh cá nhân riêng, chia sẻ cuộc sống thường ngày cũng như những công tác thiện nguyện. Nhiều người xem kênh thắc mắc vì sao không đăng những video khóc thuê, Lý cho rằng, đó không phải là cách tôn trọng người đã khuất.

"Nghề khóc thuê không chỉ cho tôi kinh tế mà còn giúp tôi biết trân trọng những gì đang có sau nhiều mất mát", Lý nói.

Tin nổi bật