Người phụ nữ làm nghề kinh doanh, buôn bán thịt chó không may bị chó cắn. 40 ngày sau, bệnh nhân này lên cơn dại, và tử vong không lâu sau khi được đưa đến bệnh viện.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), vừa cho biết ngày 4/3, bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị L. (40 tuổi, ở Bắc Giang), bị chó dại cắn. Trước đó, người phụ nữ làm nghề kinh doanh, buôn bán thịt chó. Một tháng trước, trong khi bắt chó ở lồng để làm thịt, bà bất ngờ bị một con khác cắn vào chân. Con chó này cũng được làm thịt ngay hôm sau.
Sau khoảng 40 ngày, bệnh nhân này lên cơn dại và được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng hoảng loạn, sợ nước, sợ gió... Tối cùng ngày bệnh nhân đã lên cơn dại và tử vong.
Ảnh minh hoạ. |
Trước đó, vào cuối tháng 2/2018, cũng xảy ra một trường hợp bị chó cắn tử vong. Theo gia đình nạn nhân, cuối tháng 11/2017, Thách đến nhà ông Phạm Văn Vụt (ngụ xã Ba Vì, huyện Ba Tơ) thăm chơi thì bị một con chó nhỏ cắn vào ngón tay trỏ.
10 ngày sau khi cắn anh này, con chó mắc bệnh dại chết. Chủ quan không đi tiêm phòng vacxin, ba tháng sau, nạn nhân cảm thấy đau rát vùng họng, lên cơn sốt nên người thân đưa đến bệnh viện cấp cứu. Đến ngày 25/2, nạn nhân tử vong.
Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo nếu chẳng may bị chó, mèo cắn, kể cả con vật đã được tiêm phòng dại, cần xử lý ngay vết cắn bằng xà phòng hoặc với nước sạch trong vòng 15 phút. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại.
Cần theo dõi trong vòng 15 ngày, nếu chó phát dại, chết hoặc mất tích hay bị giết thịt thì nên nhanh chóng đi tiêm văcxin phòng dại.
Còn sau 15 ngày, nếu chó khỏe mạnh, ăn uống bình thường thì không nhất thiết phải tiêm phòng văcxin dại vì chúng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe nạn nhân.
Mỹ An (T/h)