Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hàng chục người uống 'thần dược' trị tiểu đường không rõ nguồn gốc nhập viện vì suy đa tạng

(DS&PL) -

Sở Y tế TP.Cần Thơ và đoàn kiểm tra liên ngành quận Ô Môn đã đến làm việc với các bác sĩ tại BVĐK TP.Cần Thơ để làm rõ thông tin hàng chục người nguy kịch vì uống thuốc

Sở Y tế TP.Cần Thơ và đoàn kiểm tra liên ngành quận Ô Môn đã đến làm việc với các bác sĩ tại BVĐK TP.Cần Thơ để làm rõ thông tin hàng chục người nguy kịch vì uống thuốc “gia truyền” của bà Lâm Kim Xuyến (72 tuổi, phường Phước Thới, quận Ô Môn).

Nhiều bệnh nhân nguy kịch sau khi sử dụng thuốc đông dược

Bác sĩ Phan Thị Phụng, Trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc cho biết bệnh viên ghi nhận gần 10 bệnh nhân có tiền sử bị bệnh tiểu đường nhưng khi nhập viện đã bị suy đa tạng.

Những bệnh nhân này có chung đặc điểm dùng thuốc đông dược hạ đường huyết được bán trôi nổi trên thị trường trong một thời gian dài. Loại thuốc bệnh nhân sử dụng thường gọi là thuốc tàu hoặc thuốc tễ, có dạng viên tròn màu xanh, đỏ hoặc xám.

Bệnh nhân Võ Văn Bút – người mua thuốc trị tiểu đường của bà Xuyến.

“Bệnh nhân cho biết khi uống vào thì đường trong cơ thể ổn định. Nhưng khi nhập viện, chúng tôi chẩn đoán thì đã suy đa tạng”, bác sĩ Phụng nói và cho biết có bệnh nhân khi nhập viện trong tình trạng nặng toan chuyển hóa pH: 6,7- 6,8 (bình thường pH 7,35 -7,45). Các bác sĩ chưa kịp cấp cứu, bệnh nhân đã ngưng tim, tuột huyết áp, có trường hợp tử vong.

Bác sĩ Phụng cho biết thêm, loại thuốc này từng được Viện Pasteur TP.HCM kiểm nghiệm, trong thuốc có chứa thành phần là Phenfoxmin.

Đây là dược chất điều trị đái tháo đường thế hệ đầu tiên ở thập niên 1950 tại Mỹ. Nhưng thuốc này đã bị cấm sản xuất và lưu hành ở Mỹ từ năm 1973 do chứa chất gây nhiễm acid lactic gây chuyển hóa nặng, tử vong, chết hàng loạt.

Tại Việt Nam, Phenformin đã bị cấm lưu hành nhưng một số cơ sở sản xuất thuốc đông y vẫn dùng trộn vào các viên thuốc đông dược không gắn nhãn mác, thành phần, nơi sản xuất.

Những viên thuốc này được quảng bá chữa khỏi bệnh đái tháo đường cũng như nhiều loại bệnh khác.

Bệnh nhân Võ Văn Bút – người mua thuốc trị tiểu đường của bà Xuyến kể: “Tôi bị tiểu đường cách đây 5 năm. Hơn 1 năm trước, có người chị giới thiệu tôi loại thuốc trị tiểu đường của bà Xuyến bán, uống đường huyết giảm rất nhanh.

Tôi mua về uống thử thì thấy đúng như vậy nên cứ 2 tháng đến nhà bà Xuyến mua 6 gói thuốc màu đỏ, xanh, xám với giá 200 nghìn đồng về uống”.

Trước Tết, ông Bút bị đau bụng, ói ra máu nên người nhà đưa vào BV đa khoa TP Cần Thơ cấp cứu. Khi nhập viện, ông Bút diễn biến sang tình trạng chuyển hóa nặng, rơi vào cơn ngưng tim. Các bác sĩ phải hồi sức tích cực chống sốc, thở máy, lọc máu liên tục, lọc thận… để cứu sống bệnh nhân.

Thuốc trôi nổi 'tung hoành' trên thị trường, khó kiểm soát hết

Ông Trần Trường Chinh – Phó chánh thanh tra Sở Y tế TP.Cần Thơ cho biết, hàng năm Sở đều mời các tiệm thuốc, các cơ sơ kinh doanh đông, y dược đến tập huấn, phổ biến các quy định của pháp luật. Ngoài ra, Sở cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra việc kinh doanh, mua bán thuốc tại những nơi này.

"Thần dược" trị tiểu đường mà bà Xuyến bán. Ảnh: Báo Cần Thơ

Tuy nhiên, do số lượng các cơ sở quá lớn trong khi lực lượng mỏng, nên không thể kiểm tra hết được. Đó chưa kể còn rất nhiều điểm kinh doanh thuốc đông, y dược không giấy phép, không biển hiệu cũng không đăng ký. Việc kinh doanh thuốc của bà Xuyến ở Ô Môn là một trường hợp như vậy.

“Có những bài thuốc, loại thuốc không rõ nguồn gốc được người dân truyền miệng nhau, bà con dùng thử, thấy hiệu quả rồi xem đó như “thần dược”.

Có trường hợp chúng tôi xử lý một thầy thuốc hoạt động không giấy phép, thuốc bán ra không rõ nguồn gốc nhưng người dân xung quanh một mực đến ngăn cản, cho rằng thầy thuốc này đang “cứu nhân độ thế”, tại sao lại bắt họ”. Bà con rất tin tưởng vào những câu chuyện truyền miệng trong dân gian…”, ông Chinh nói.

Phát hiện 114.000 viên thuốc đông dược không rõ xuất xứ

Ngày 4/3, theo thông tin từ Đoàn kiểm tra hành nghề Y dược quận Ô Môn (TP Cần Thơ), cơ quan này vừa kiểm tra, tịch thu hơn 114.000 viên thuốc đông dược không rõ nguồn gốc xuất xứ và hoá đơn chứng từ tại cơ sở bán thuốc đông dược trên địa bàn phường Phước Thới.

Cơ sở này không có bảng hiệu, không có giấy phép hoạt động và người đại diện cơ sở cũng không có chứng chỉ hành nghề. Đại diện cơ sở thừa nhận mua số thuốc này tại An Giang, chuyên trị bệnh tiểu đường, viêm thấp khớp, đau bao tử, viêm mũi…

Chiều ngày 5/3, Sở Y tế TP.Cần Thơ và đoàn kiểm tra liên ngành quận Ô Môn đã đến làm việc với các bác sĩ tại BVĐK TP.Cần Thơ để làm rõ thông tin hàng chục người nguy kịch vì uống thuốc “gia truyền” của bà Lâm Kim Xuyến (72 tuổi, phường Phước Thới, quận Ô Môn).

Cơ quan chức năng đang tiến hành kiểm tra.

Theo tìm hiểu của PV, loại thuốc này trước đây do chồng bà Xuyến (ông Út Chắc) bán trong một thời gian dài. Sau khi ông Út Chắc qua đời, bà Xuyến tiếp tục kinh doanh loại thuốc này. Người đến mua sẽ được đưa 3 gói với 3 màu: Đỏ, xanh và xám, giá 100.000 đồng.

Bà Xuyến cho biết, đây là loại thuốc trị bệnh tiểu đường gia truyền, do lương y Thích Thiện Tỉnh (ở An Giang) bào chế, từ nguồn thảo dược tự nhiên. Đặc biệt, loại thuốc này "thần kỳ" đến nỗi, người bệnh cứ vô tư ăn uống, không cần kiêng cữ, nhưng lượng đường trong máu vẫn bình ổn. Mỗi lần dùng thuốc gồm 2 viên màu xám, 1 viên màu xanh và 1 viên màu đỏ, và phải uống trước khi ăn.

Theo những người dùng thuốc, sau thời gian sử dụng, hiệu quả đúng như bà Xuyến đã nói; tuy nhiên sau đó, bệnh bắt đầu có những biến chứng nặng hơn và phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Từ phản ánh của bệnh nhân, đoàn kiểm tra liên ngành của quận Ô Môn đã kiểm tra nhà bà Xuyến, qua đó, phát hiện và tịch thu 114.000 viên thuốc đông dược thành phẩm không rõ nguồn gốc. Thời điểm kiểm tra, bà Xuyến cho biết, thuốc “gia truyền” của bà trị các bệnh tiểu đường, viêm thấp khớp, gút, đau bao tử, mát gan giải độc, viêm mũi. Bà Xuyến không có chứng chỉ hành nghề đông y.

Mỹ An (T/h)

Tin nổi bật