Hãng tin Bloomberg dẫn một nghiên cứu của Đại học Stellenbosch và KwaZulu-Natal (Nam Phi) cho biết, một phụ nữ 22 tuổi ở nước này nhiễm HIV không được điều trị đúng cách đã mắc COVID-19 trong suốt 9 tháng. Suốt thời gian này, chủng SARS-CoV-2 trong cô đã phát triển 21 đột biến trong cơ thể bệnh nhân.
Sau khi người phụ nữ này bắt đầu được sử dụng thuốc điều trị HIV, hệ thống miễn dịch của cô được tăng cường và cô đã khỏi COVID-19 sau 6-9 tuần.
Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19 ở Nam Phi. Ảnh: Reuters
Nghiên cứu lưu ý thêm rằng, bằng chứng cho thấy COVID-19 có thể biến đổi nhanh chóng khi được nuôi dưỡng trong cơ thể những người bị ức chế miễn dịch, như những người không dùng thuốc điều trị HIV và điều này có thể dẫn đến sự phát triển của các biến thể mới. Bệnh nhân trong nghiên cứu này bị nhiễm biến thể Beta. Đây là biến thể được phát hiện ở Nam Phi.
"Trường hợp này, giống các trường hợp khác trước đây, cho thấy một con đường tiềm năng cho sự xuất hiện của các biến thể mới. Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy việc điều trị kháng virus hiệu quả là chìa khóa để ngăn chặn những kịch bản như vậy", các nhà khoa học đứng sau nghiên cứu cho biết thêm.
Nam Phi là nơi có đại dịch HIV lớn nhất thế giới với 8,2 triệu trong số 60 triệu dân bị nhiễm virus HIV gây suy giảm miễn dịch.
Theo các nhà khoa học, chủng SARS-CoV-2 được bệnh nhân nuôi dưỡng trong nghiên cứu đã phát triển ít nhất 10 đột biến trên protein gai giúp virus liên kết với các tế bào. Ngoài ra, virus cũng phát triển thêm 11 đột biến ở các vị trí khác.
Các nhà khoa học thông tin thêm, một số đột biến giống với những thay đổi được ghi nhận ở biến thể Omicron và Lambda trong khi một số biến đổi phù hợp với các đột biến giúp virus né kháng thể.
Hoa Vũ (T/h)