(ĐSPL) - Báo Pháp số ra ngày 28/2 nhận định về tình hình Ukraine và lo ngại đất nước này sẽ bị chia cắt.
Nhật báo Le Monde nhắc lại một loạt sự kiện như vụ những người vũ trang tấn công vào nghị viện vùng Crimea, không quân Nga đặt trong tình trạng báo động ở vùng biên giới phía tây. Lo ngại trước khả năng bị tấn công quân sự, ban lãnh đạo mới ở Ukraine đã cảnh báo Hạm đội Biển Đen.
|
Một nhóm người có vũ trang chiếm sân bay Crimea |
Không chỉ Kiev cảnh cáo, mà Mỹ cũng lên tiếng. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố một sự can thiệp của Nga sẽ là “sai lầm nghiêm trọng”. Nhưng sự phe thân Nga ở Crimea đã bác bỏ sự “bảo trợ” của Kiev. Cờ Nga đã được những người có vũ trang treo lên ở các cơ quan chính quyền. Crimea muốn tổ chức trưng cầu dân ý về quyền tự quyết.
Báo Libération cho rằng Moscow chưa có « chọn lựa chiến lược » dứt khoát trước các diễn biến ở Kiev. Điều rõ ràng duy nhất là điện Kremly chưa có ý định công nhận chính quyền mới ở Kiev. Một điều nữa, theo tờ báo, là người dân ở Crimea sẽ chọn đi theo Nga, chọn các bảo đảm về an ninh và sự bảo vệ của người láng giềng to lớn này, hơn là tình hình bất ổn của một Ukraine trong thời quá độ.
La Croix đăng hang tít lớn “Chống ‘phát xít’ ở Kiev, Crimea nghiêng về phía Nga”. Người dân ở Simferopol mà phóng viên La Croix đã gặp khẳng định họ sẵn sàng đấu tranh bảo vệ cuộc sống của họ và việc ra khỏi Ukraina là một chọn lựa được đặt trên bàn. Đối với họ những lãnh đạo ở Kiev là những kẻ ‘phát xít’.
Ngược dòng lịch sử, thành phố Simferopol do nữ hoàng Nga Catherine II thành lập hồi thế kỷ XVIII và Crimea bị sáp nhập vào Ukraine 1954. Người dân tại đây vẫn luôn hướng về phía Nga. Nhiều người có hai quốc tịch, Nga và Ukraine. Thành phố Sevastopol cũng như các thành phố khác ở Crimea có lực lượng tự vệ riêng, thường khi đối nghịch với lực lương an ninh của Kiev. Crimea trên thực tế là một vùng tự trị.
Nhiều chuyên gia nhận định là việc sáp nhập khu vực này vào Ukraine giữa thế kỷ trước giống như là một thùng thuốc súng có thể phát nổ bất cứ lúc nào.
Văn Linh