Theo Washington Post, người Mỹ từng thờ ơ với lời kêu gọi tiêm vaccine ngừa COVID-19 từ chính phủ bất chấp mọi chính sách ưu đãi, vận động, thì nay tất cả dường như đã quay quay ngoắt 180 độ vì biến thể Delta.
Hơn 4,7 triệu người Mỹ đã thay đổi quan điểm về tiêm chủng trong hai tuần qua. Riêng ngày 30/7 có đến 856.000 mũi tiêm được thực hiện. Đây là số liệu cao nhất từ đầu tháng.
Theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, những khu vực từng tiêm chủng chậm chạp đang đột ngột trở thành điểm nóng về nhu cầu vaccine. Trong đó, bang Louisana tăng 114% nhu cầu tiêm chủng, bang Arkansas tăng 96% và hai bang Alabama, Missouri lần lượt tăng 65% và 49%.
"Một cuộc chạy đua tiêm chủng đang diễn ra do số ca nhiễm và nhập viện vì chủng Delta tăng", Tesha Montgomery, người điều hành các điểm tiêm chủng của bệnh viện Giám lý Houston, cho hay.
Tại Arkansas, nơi Thống đốc hôm 29/7 ban bố tình trạng khẩn cấp bang và cho biết tất cả số giường bệnh chăm sóc đặc biệt đã kín chỗ, số liều vaccine được tiêm trong tháng qua tăng mạnh từ 27.000 liều/tuần tới 70.000/tuần.
Đến nay, khoảng 67% dân số trên 12 tuổi ở Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa Covid-19. Trong đó, khoảng 57,7% người hoàn thành lộ trình tiêm chủng. Song vẫn còn nhiều khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp, chỉ khoảng 20% người dân đã tiêm vaccine.
Người Mỹ bắt đầu quan tâm hơn đến vaccine ngừa COVID-19 vì lo sợ biến thể Delta. Ảnh minh họa
Những sự thờ ơ, hoài nghi hay lo sợ về vaccine giờ được thay thế bởi mong muốn bảo vệ bản thân và người thân trước biến thể Delta.
"Bạn tôi làm ở bệnh viện nói rằng có những người 18 tuổi phải thở máy. Điều đó làm tôi khiếp sợ", Tyler Sprenkle, một thanh thiếu niên vừa mới tốt nghiệp THPT ở bang Missouri, chia sẻ sau tiêm.
Chelsah Skaggs, 25 tuổi, cũng từng từ chối tiêm sau khi nghe tin đồn rằng vaccine ngừa COVID-19 có nguy cơ gây vô sinh. Tuy nhiên, cô đã tự giác đi tiêm sau khi biến thể Delta tấn công thị trấn nơi cô đang ở.
"Thái độ hoài nghi là tốt nhưng dốt nát thì không. Điều hối tiếc duy nhất của tôi là đã không tiêm vaccine sớm hơn", cô nói.
Nelson Torres, 54 tuổi, từng chần chừ tiêm chủng vì muốn theo dõi thêm hiệu quả của vaccine, nhưng số ca nhiễm gia tăng ở Florida gần đây khiến ông thay đổi quyết định. "Có quá nhiều người trẻ tập trung ở những địa điểm đông người", ông nói.
Shanuan Alcantar, 12 tuổi, từng lo ngại tiêm vaccine khiến cơ thể có từ tính như trong các video được chia sẻ trên TikTok. "Cháu thực sự sợ hãi khi nhìn thấy những chiếc thìa kim loại hoặc nam châm dính trên cánh tay mọi người", Alcantar nói.
Tuy nhiên, giờ Alcantar cảm thấy thực sự vui vẻ vì đã quyết định tiêm vaccine, bởi có thể được trở lại trường học, gặp bạn bè và làm những điều mình yêu thích. "Thật khó khăn khi không được gặp bạn bè và không biết nói chuyện cùng ai", Alcantar chia sẻ.
Tại thị trấn Neosho với dân số khoảng 11.000 người, khoảng 100 người xếp hàng mỗi ngày tại một hiệu thuốc địa phương để chờ đợi tiêm vaccine. Tim Booyer, thợ hàn 57 tuổi, là một trong số đó, sau nhiều tháng phân vân với tác dụng phụ của vaccine.
Khi người dân quan tâm hơn đến vaccine, chính quyền nhiều bang bảo thủ cũng đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng. Tại bang Alabama, Thống đốc Kay Ivey viết một bài xã luận, trong đó cáo buộc “những người tung tin sai sự thật về vaccine đang gây họa lớn và hành động bất cẩn”.
Ở bang Arkansas, Thống đốc Asa Hutchinson tích cực vận động người dân đi tiêm chủng. Trong các bài phát biểu của mình, ông Hutchinson liên tục phản đối những thuyết âm mưu chống lại vaccine ngừa COVID-19.
Ở bang quê hương Kentucky, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell chuẩn bị cho chạy quảng cáo trên hơn 100 đài phát thanh, nhằm kêu gọi người dân đi tiêm phòng.
Mỹ cho đến nay vẫn là quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới với hơn 35,3 triệu ca được ghi nhận, trong đó có hơn 627.000 trường hợp tử vong.
Hoa Vũ (T/h)